Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 9 năm 2021 | 10:25

Tổ công tác 970 bước đầu hoàn thành nhiệm vụ: Kết nối tiêu thụ, khôi phục sản xuất bền vững

Tổ công tác phía Nam Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổ công tác 970) ra đời với “sứ mệnh” chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn, kết nối lưu thông hàng hóa nông sản.

Đây là  tiền đề để thúc đẩy việc kết nối nông sản trong thời gian tới, tạo thông suốt khôi phục hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng ngành nông nghiệp.

 

aaaaaaa1.jpg
An Giang nhờ Tổ 970 kết nối đã tiêu thụ được 44 ngàn tấn xoài.

 

Hỗ trợ tiêu thụ 300-400 tấn nông sản mỗi ngày

Với những bước đi ban đầu cùng cách làm sáng tạo, hoạt động của Tổ công tác 970 đã và đang mang lại những hiệu quả rõ nét, góp phần tạo sự thông suốt cho tiêu thụ nông sản.

Qua thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ sau 50 ngày hoạt động, Tổ công tác 970 đảm bảo được nguồn cung ứng nông sản và lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau giãn cách. Tính đến ngày 8/9, Tổ công tác 970 đã kết nối được 1.420 đầu mối cung cấp nông sản. Cụ thể: rau, củ, quả (389 đầu mối); trái cây (370); thủy, hải sản (514); lương thực (83); còn lại các các mặt hàng khác. So với ngày đầu thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản (19/7), số lượng đầu mối tăng gần 100 lần.

Song song với việc xây dựng mạng lưới nhà cung cấp, Tổ công tác 970 còn kết nối cung - cầu qua trang web: https://htx.cooplink.com.vn. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành ổn định sản xuất cũng được Tổ công tác 970 đặc biệt lưu tâm. Tại vựa lúa chính của cả nước - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổ đã hỗ trợ 13 tỉnh, thành trong khu vực đạt sản lượng 16,86 triệu tấn lúa, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Bên cạnh lúa, Tổ công tác 970 cũng ổn định sản xuất các mặt hàng khác, như: rau đạt 3,83 triệu tấn; trái cây 4 triệu tấn. Về chăn nuôi, đàn lợn ước khoảng 8 triệu con, sản lượng 869.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng đàn gia cầm ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ưu tiên khôi phục sản xuất

Đưa ra định hướng sản xuất trong thời gian tới, Tổ công tác 970 kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước, trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.

Tổ trưởng Tổ công tác 970, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Tổ công tác sẽ  tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  kiến nghị Chính phủ có nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời sẽ làm việc với Bộ Y tế để có hướng dẫn nông dân ra đồng, lao động vào nhà máy sản xuất; quan tâm tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. 

Theo đánh giá chung của Tổ công tác 970, tại một vài địa phương, với sự kiểm soát của lực lượng tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây ra một số khó khăn trong việc đi lại cho lực lượng lao động, doanh nghiệp, nông dân trong tham gia sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa.

Do đó, yêu cầu mỗi địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp căn cứ tình hình tại địa bàn mình để xây dựng phương án phục hồi sản xuất càng sớm càng tốt. Đồng thời, có thể đề xuất các mô hình thí điểm trước và nhân rộng khi đủ điều kiện để từng bước đưa sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản trở lại trạng trái bình thường mới.

Ngành nông nghiệp mỗi địa phương tiếp tục duy trì tổ kết nối tiêu thụ nông sản và chủ động phối hợp với các địa phương khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, đảm bảo cả đầu ra cho nông dân và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và sau dịch.

Tại TP. Hồ Chí Minh, về lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp Sở Công Thương lên phương án dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm của thành phố những tháng cuối năm và kết nối với các địa phương có nguồn cung để thiết lập lại chuỗi cung ứng – tiêu thụ ổn định hơn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Các địa phương cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo sản xuất, nhất là vấn đề đảm bảo cung ứng giống cây trồng, vật nuôi.  Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài. Trên cơ sở đó, Tổ công tác 970 có phương án chung cho khu vực, báo cáo với tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Từ đó, các tỉnh thành có sự chỉ đạo thống nhất, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, để đạt mục tiêu kép”.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ nền tảng là các đầu mối kết nối cung ứng, tiêu thụ này, Tổ công tác 970 cũng gợi ý các địa phương thành lập tổ công tác, không chỉ ứng phó trong thời điểm có dịch mà có thể ứng phó với những biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh khác cũng có thể kết nối, tiêu thụ nông sản.

Nêu kế hoạch thực hiện, Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt Lê Thanh Tùng cho biết, khi tổ công tác 970 hết nhiệm vụ, trung tâm trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản sẽ đi vào hoạt động. Hiện chúng tôi đã xây dựng website để các đơn vị tự đăng ký, hình thành cơ sở dữ liệu lâu dài về vấn đề này. Chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là trung tâm bán hàng của tương lai, có nghĩa mọi người có thể đặt hàng từ khi xuống giống.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, khi có ý tưởng thành lập trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT là muốn hình thành cách quản trị nông nghiệp mới trong tương lai. Nó sẽ là một hình thức mới, đóng góp vào các hình thức kết nối, cung ứng nông sản trước đây nhưng chủ yếu là tự phát, với trung tâm này sẽ định hình cung - cầu nông sản rõ hơn, và mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ra mắt Diễn đàn Thông tin Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây sẽ là nơi giúp các cơ quan quản lý đến gần hơn với người dân.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top