AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama nói rằng Mỹ và các đồng minh đã tham gia chiến đấu chống tổ chức khủng bố IS ở Iraq và Syria, nhưng thừa nhận rằng cần phải đẩy nhanh tiến trình hơn nữa.
"Chúng tôi đang tấn công IS mạnh hơn bao giờ hết", ông Obama nói, khi trả lời câu hỏi chất vấn về chiến lược của ông, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California. Vụ tấn công này có những dấu hiệu cho thấy có “hơi hướng” của tổ chức khủng bố IS.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trao đổi với nhau trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 14/12 (Ảnh AFP). |
Ông Obama khẳng định những thành quả gây tổn thất cho IS
Nêu danh 8 nhân vật có tiếng tăm của tổ chức IS thiệt mạng trong các cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu, Tổng thống Mỹ đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc: “Các trùm sò của IS không thể lẩn trốn được, và thông điệp của chúng ta gửi đến chúng rất đơn giản: Các người là mục tiêu tiếp theo”- AFP cho biết.
Tổng thống Mỹ Obama nói rằng quân đặc nhiệm Mỹ đã có mặt tại Syria và hỗ trợ lực lượng địa phương tấn công các nhóm khủng bố IS tại “thủ đô” Raqa của chúng.
Cùng với đó, ông cho biết, lực lượng Iraq đã di chuyển đến Ramadi "bao vây Fallujah và chặn đứng đường tiếp tế của IS tới thành phố Mosul."
Tổng thống Obama nói rằng Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu nhắm mục tiêu triệt hạ các "nguồn dầu, phá hủy hàng trăm xe tải chở dầu, giếng nước và nhà máy lọc dầu của IS".
"Kể từ mùa hè, IS đã không còn có bất kỳ một hoạt động tấn công nào thành công ở Syria hay Iraq", ông Obama nói.
Tổ chức khủng bố IS chiếm đóng một vùng lãnh thổ của Iraq và Syria (Ảnh AFP). |
Tổng thống Obama bị sụt giảm tín nhiệm
Theo AFP, ngay cả trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 02/12 ở California, do hai vợ chồng người Hồi giáo thực hiện, giết chết 14 người, các cuộc thăm dò cho thấy, 60% người Mỹ được hỏi đã không đồng ý với cách mà Obama xử lý vấn đề IS và các mối đe dọa khủng bố khác.
Theo một cuộc thăm dò do Wall Street Journal/NBC công bố hôm thứ Hai 14/12, người Mỹ hiện nay coi an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy, mức tín nhiệm đối với ông Obama đang ở mức thấp nhất trong năm nay, với 43%.
Đó là một sự “tụt dốc” đáng kể kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama tại Nhà Trắng, khi ông được ca ngợi hết lời sau khi chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm biệt đột kích giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden.
Những lời chỉ trích của đảng Cộng hòa
Nêu lại vấn đề như trong bài phát biểu tại Phòng Bầu Dục hồi tuần trước, ông Obama hôm 14/12 thêm một lần nữa nhấn mạnh chủ trương nhất quán trong việc tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, và thừa nhận: "Chúng tôi nhận ra rằng cuộc chiến này cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa".
Ông Obama đã ủng hộ một chiến lược tổng lực, bao gồm các cuộc không kích, chiến dịch đặc nhiệm, trừng phạt tài chính và ngoại giao.
Tổng thống Obama, rút kinh nghiệm từ việc Mỹ từng “sa lầy” tại Iraq và Afghanistan, đã kiên quyết loại trừ khả năng triển khai một số lượng lớn bộ binh ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, ứng viên đảng Cộng hòa đang chạy đua vào Nhà Trắng Jeb Bush lại chỉ trích những lời nói này và cho biết, lời phát biểu của ông Obama là thêm bằng chứng về một chiến lược nửa vời.
"Chúng ta đánh ISIS “mạnh hơn bao giờ hết” chỉ bởi vì chúng ta chưa từng đánh chúng đủ mạnh”- AFP dẫn lời ông Jeb Bush nói.
Vấn đề này chắc chắn sẽ trở thành một “đề tài nóng” khi ứng viên đảng Cộng hòa bước vào vòng tranh luận tới.
Vài giờ trước vòng tranh luận đó, bà Hillary Clinton sẽ đề ra chiến lược chống khủng bố của mình, trong chuyến đi tới Minnesota.
Theo các trợ lý, bài phát biểu của bà Clinton sẽ phác thảo "Chiến lược nhằm đương đầu với những mối đe dọa cực đoan trong nước và các cuộc tấn công khủng bố chịu ảnh hưởng từ bên ngoài"