Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 11 năm 2018 | 10:57

Tổng thống Putin ủng hộ kế hoạch thành lập quân đội chung của châu Âu

Tổng thống Nga Putin ngày 11/11 nói, mong muốn của châu Âu thành lập quân đội chung là hoàn toàn dễ hiểu và tích cực đối với một thế giới đa cực.

Trả lời phỏng vấn hãng tin RT tại Paris, nơi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp để kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 1, Tổng thống Putin cho biết: “châu Âu là một liên minh kinh tế vững mạnh và đó là điều hiển nhiên rằng họ muốn độc lập, muốn khẳng định chủ quyền trong lĩnh vực an ninh quốc phòng”.

 

tong thong putin ung ho ke hoach thanh lap quan doi chung cua chau au hinh 1
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: TASS.

 

Tổng thống Putin cũng cho rằng việc tạo ra quân đội chung châu Âu là một “tiến trình tích cực”, góp phần “thúc đẩy thế giới đa cực”. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đã đưa ra ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu. Ông Putin nói rằng, lập trường của Nga về vấn đề này “phù hợp với Pháp” ở một mức độ nào đó.

Khi trả lời về quân hệ của Nga với NATO và Mỹ, Tổng thống Putin cho biết, Nga sẵn sàng cho đối thoại, đồng thời khẳng định, quả bóng hiện giờ đang ở trên sân của Mỹ. Đề cập kế hoạch của Washington từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ông Putin nói rằng: “Không phải chúng tôi muốn rút khỏi Hiệp ước này, đó là người Mỹ”.

Trước đó, Tổng thống Pháp Macron khơi lại kế hoạch đầy tham vọng về việc lập một quân đội chung của châu Âu, cho rằng điều này là cần thiết với an ninh của châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, châu Âu cần tránh phụ thuộc vào đồng minh chính của mình ở nửa kia Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp đã làm dấy lên phản ứng giận dữ từ phía Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi ý tưởng nêu trên là một “sự xúc phạm” đồng thời yêu cầu Châu Âu nên đóng góp chi phí công bằng cho NATO, vốn đã được Mỹ trợ cấp rất nhiều.

Trong cuộc gặp tại Paris, cả hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau đó đã cố gắng xoa dịu bất đồng khi cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một Châu Âu vững mạnh hơn” và gọi tranh cãi nêu trên là một “sự hiểu nhầm”.  Dẫu vậy các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Trong khi ông Trump muốn châu Âu đóng góp tương xứng ở NATO thì Tổng thống Macron không sẵn sàng từ bỏ ý tưởng lập quân đội chung châu Âu./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top