Các hãng thông tấn quốc tế đều nhanh chóng đưa tin nhà máy thép thuộc công ty Formosa Đài Loan được xác định là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam cách đây 2 tháng.
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo chiều nay. Ảnh: BBC
Reuters cho hay công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nơi vận hành một trong những dự án đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, hôm 28/6 đã nhận trách nhiệm gây ra hiện tượng cá chết quy mô lớn ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Nhà máy trị giá 10,6 tỷ USD này là một đơn vị thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan và đã xả thải chứa hóa chất độc hại ra biển.
"Công ty này đề nghị bồi thường 500 triệu USD", hãng thông tấn Anh dẫn lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay tại cuộc họp báo. "Các vi phạm trong hoạt động xây dựng và thử nghiệm của nhà máy là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến một lượng lớn cá chết. Formosa đã nhận trách nhiệm về việc cá chết tại 4 tỉnh miền Trung và cam kết công khai xin lỗi vì gây ra các sự cố môi trường nghiêm trọng".
AP cũng dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về 70 tấn cá chết, bắt đầu dạt vào hơn 200 km bờ biển ở 4 tỉnh miền trung hồi đầu tháng 4.
Hãng thông tấn Mỹ cho hay trong một video được phát tại cuộc họp báo, ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã bày tỏ sự hối tiếc về sự cố trên và nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Thông tấn xã Đài Loan CNA lúc 19h38 đưa tin Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam và đã thừa nhận kết luận điều tra của chính phủ Việt Nam.
"Theo các trang tin tức nước ngoài, việc cá chết với số lượng lớn khiến người dân Việt Nam phẫn nộ và phản đối, Formosa Hà Tĩnh có thể phải bồi thường 500 triệu USD", bản tin của CNA viết.
Trang thông tin kinh doanh toàn cầu Quartz, cho hay thời gian qua, ngành ngư nghiệp và du lịch miền Trung đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa môi trường trên, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay sụt giảm. Ngành công nghiệp thủy hải sản của Việt Nam có giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD một năm và là kế sinh nhai của nhiều người dân.
Một cụ ông nhặt cá chết trên bãi biển Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Hồi giữa tháng, một cuộc biểu tình đã diễn ra ở Đài Loan, với sự tham gia của các nhà môi trường, các nhà hoạt động, kêu gọi tập đoàn Formosa, nghi phạm chính trong vụ việc, điều tra nguyên nhân và chia sẻ thông tin.
Các nghị sĩ Đài Loan cũng kêu gọi chính quyền vào cuộc điều tra và nhấn mạnh thảm họa này có thể gây nguy hại cho chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Tờ này cho biết đầu tháng 5, chính phủ Việt Nam đã mở cuộc điều tra cùng các chuyên gia quốc tế để tìm ra nguyên nhân chính xác khiến cá chết hàng loạt, và sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng kết quả đã được công bố hôm nay.
"Như một số người đã nghi ngờ, nguyên nhân là do ô nhiễm xuất phát từ nhà máy thép Đài Loan", Quartz viết.
Giật tít "Tập đoàn Nhựa Formosa bị phạt 500 triệu USD vì xả thải độc ở Việt Nam", tờ Nikkei Asian Review cho hay đây được cho là "mức phạt lớn chưa từng có đối với một công ty ở Việt Nam".
Tờ báo chuyên về kinh doanh cho hay ban đầu công ty thép Formosa tại Hà Tĩnh dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 6, tuy nhiên kế hoạch này hiện sẽ bị treo cho đến khi các biện pháp bảo vệ môi trường được tiến hành.
Dẫn kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố chiều nay, tờ báo cho biết nguồn nước thải chứa độc tố xuất phát từ các đường ống ngầm của nhà máy, lan rộng đến vùng biển ngoài Hà Tĩnh, gây chết một lượng cá lớn.
Cùng với khoản tiền bồi thường thiệt hại, Formosa cũng đưa ra các giải pháp như di chuyển các đường ống trên lên bề mặt để tiện kiểm tra. Chính quyền Việt Nam sau đó sẽ theo dõi các đường ống và quyết định khi nào nhà máy có thể bắt đầu vận hành.
Theo Anh Ngọc/vnexpress.net
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.