Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 1 năm 2018 | 3:51

TT Y tế huyện Mường Chà: Tạo dựng niềm tin và Y - Đức với người dân

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, bác sỹ Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà (Điện Biên) cho biết, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân vốn là công việc nặng nhọc, vất vả với bất cứ ai, ở bất cứ điều kiện nào. Với lực lượng y, bác sỹ ở khu vực miền núi, điều kiện thiếu thốn như Mường Chà, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, cán bộ, y - bác sỹ của Trung tâm đã không ngừng nâng cao y đức, hết lòng phục vụ nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh nhờ đó không ngừng nâng cao, tạo được lòng tin cho người bệnh.

Bác sỹ Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà.

Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trung tâm Y tế huyện Mường Chà hiện có 4 phòng chức năng; 1 bệnh viện đa khoa huyện (hạng 3, biên chế 60 giường bệnh) với 10 khoa lâm sàng và cận lâm sàng; 2 phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV): Huổi Lèng, Pa Ham (biên chế 20 giường bệnh); 2 đội y tế lưu động (Y tế dự phòng và Chăm sóc SKSS); và 12 trạm y tế xã, thị trấn (biên chế 36 giường lưu) với 205 cán bộ, y, bác sỹ, dược sỹ... trong đó có 40 bác sỹ, đạt tỷ lệ 8,69 bác sỹ/vạn dân, 9/12 xã có bác sỹ, đạt 75%.

Để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong năm 2017, đơn vị đã cử 45 cán bộ đi đào tạo, đ­ồng thời kết hợp với Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên mở 1 lớp đào tạo chuyển đổi từ y sỹ sang hệ điều dưỡng trung cấp và 1 lớp cao đẳng điều dưỡng cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ từ huyện đến cơ sở. Thông qua đó đã góp phần sử dụng hiệu quả các trang thiết bị được cấp, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị cho bệnh nhân. 

Năm 2017, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã thực hiện khám cho 27 lượt bệnh nhân Quốc tịch Lào, trong đó có 05 ca đẻ thường, 01 mổ lấy thai, 01mổ ruột thừa, còn lại là các bệnh khác.

Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại... Đặc biệt tích cực, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm.

Bác sỹ Lương Hậu Tân chia sẻ, thực hiện Đề án 1816 nhằm từng bước nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo tại chỗ cho cán bộ các trạm y tế xã, hoạt động tăng cường bác sỹ xuống hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở được Trung tâm củng cố và duy trì thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, ra quyết định cử bác sỹ tăng cường cho 8 trạm y tế xã: Ma Thì Hồ, Mường Tùng, Sá Tổng, Pa Ham, thị trấn Mường Chà, Sa Lông, Na Sang, Phòng khám ĐKKV Pa Ham. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở được cải thiện, số lần khám bệnh tăng lên, hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế xã đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cũng thực hiện hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mỗi cán bộ, y bác sỹ trung tâm luôn tâm niệm, thực hiện tốt lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu” và 12 điều y đức. Trung tâm đã phát động trong toàn thể cán bộ, y - bác sỹ ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; xây dựng khu vực đón tiếp bệnh nhân theo quy chuẩn của Bộ Y tế ban hành; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, Trung tâm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đăng ký đề tài nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục liên quan đến người bệnh; các chế độ, chính sách đối với bệnh nhân nghèo có thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện nghiêm túc.

Những kết quả đáng ghi nhận

Nhờ những nỗ lực lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, trong năm 2017, trên địa bàn huyện đã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Cụ thể, chỉ có một số bệnh được ghi nhận gồm:  thủy đậu 8 ca, lỵ amip 12 ca, quai bị 33 ca, tiêu chảy 1.898 ca, cúm 2.366 ca, lỵ trực trùng 9 ca. Một số dịch bệnh khác không ghi nhận có số mắc như: Sốt xuất huyết, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, viêm màng não mô cầu, cúm A (H7N9, H5N1) và không có bệnh nhân mắc bệnh sốt rét; không có bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét. Các hoạt động phòng chống bệnh phong được triển khai.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Na Sang khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên ở 100% xã, thị trấn. Công tác giám sát các buổi tiêm chủng được thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định và đảm bảo tiêm chủng an toàn. Trong 12 tháng năm 2017, không ghi nhận trường hợp tai biến tiêm chủng trên địa bàn huyện, 1.433 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, đạt 105.8% so với kế hoạch; tiêm phòng uốn ván cho 1.318 phụ nữ có thai; tiêm sởi nhắc lại cho 1.368 trẻ 18 tháng; 1.338 trẻ 18 tháng được tiêm DPT mũi 4; 1.465 trẻ tiêm não M1, M2; 1.390 trẻ tiêm não M3. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện tốt với tổng số lần khám thai là 4.760 lần. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén 100%.

Trong năm 2017, tổng số lần khám bệnh của Trung tâm là 71.975 lượt người, đạt 110,7% kế hoạch; điều trị nội trú 5.850 lượt, đạt 117% kế hoạch; ngày sử dụng giường bệnh/tháng 24,9 ngày; số ngày điều trị trung bình khỏi 1 bệnh nhân 5,7 ngày. Ngoài ra, trên địa bàn đã có 4 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, năm 2017 đơn vị đã xây dựng đạt chuẩn tiêu chí quốc gia cho Trạm Y tế xã Nậm Nèn.

Tuy nhiên, bác sỹ Tân cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư không tập trung. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch bệnh diễn biến khá phức tạp như bệnh dại, một số bệnh truyền nhiễm tiêu hóa: lỵ, tiêu chảy, sởi, thủy đậu… Nhận thức về việc tự chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân ở một bộ phận không nhỏ nhân dân còn yếu, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn 1 xã chưa có nhà trạm (Pa Ham); 5 trạm y tế xã làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng chật hẹp, xuống cấp, không đủ các phòng chức năng, mặt bằng ở quá cao hoặc quá trũng, khó khăn về nước sinh hoạt (Huổi Lèng, Mường Tùng, Na Sang, Mường Tùng, Sá Tổng).

Để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, bác sỹ Tân cho hay, bên cạnh những nỗ lực của tập thể y - bác sỹ bệnh viện, cần thêm những hỗ trợ của các cơ quan chức năng cho huyện như chỉ đạo các đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ toàn diện cho đơn vị về năng lực, nhất là việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến; xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng của bệnh viện đa khoa, Trạm y tế xã Pa Ham, Sá Tổng, Mường Tùng, Huổi Lèng, Na Sang và Phòng khám đa khoa khu vực Huổi Lèng. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo dài hạn, đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc cho cán bộ của đơn vị… Đây là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho một huyện còn khó khăn như Mường Chà.

“Với phương châm “Thầy thuốc như mẹ hiền”, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, y, bác sỹ, Trung tâm Y tế Mường Chà đã và đang tạo được niềm tin về y đức với người dân, góp phần làm đẹp hình ảnh người cán bộ y tế, xứng đáng là chỗ dựa về sức khỏe cho người dân các dân tộc trên địa bàn”, bác sỹ Tân nhấn mạnh

Vương Trang

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top