Đó là thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đưa ra tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với tỉnh Bắc Giang về kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra ngày 25/5.
Vải thiều Bắc Giang được chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”
Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, đến nay, tỉnh có 1.024 ca mắc Covid-19, chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp (KCN). Tỉnh đã tạm đóng cửa 4 KCN, hiện có 60 nghìn công nhân thuộc 61 tỉnh, thành phố đang ở lại tỉnh Bắc Giang nên áp lực chăm lo cho đội ngũ này rất lớn. Việc tạm đóng cửa 4 KCN còn tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì có nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn lớn.
Năm 2021, Bắc Giang có 28.100 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Dự kiến, vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5-10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6-20/7/2021.
Đến nay, tỉnh tiêu thụ được 3.700 tấn vải sớm trên tổng số 45.000 tấn, xuất khẩu 1.700 tấn, còn lại là tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm qua một số tỉnh miền Nam khá khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn có các loại nông sản khác như: Dưa hấu, dứa; gà (1.700 tấn), lợn (5.600 tấn)…, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện, lợn, gà vẫn tiêu thụ được song giá thấp.
Ông Lê Ánh Dương khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động Covid-19; thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng.
Bắc Giang tiêu thụ được 3.700 tấn vải sớm.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore...
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là ưu tiên số 1
Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.
Do đó, không chỉ riêng Bắc Giang mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, Bắc Giang và các tỉnh có dịch thực hiện theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch.
Về việc tiêu thụ nông sản, ông Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Theo ông Hải, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định, quan điểm của Bộ là tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, đã, đang và sẽ luôn là ưu tiên số một của Bộ. Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân.
Đồng hành cùng Bắc Giang
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, Bộ Công Thương đề ra các giải pháp trọng tâm đồng hành cùng Bắc Giang tiêu thụ vải thiều. Trước hết, ưu tiên thị trường trong nước đối với vải thiều và đây là mục tiêu chính, cơ hội để quan tâm chăm lo thị trường trong nước, vì nhiều người dân vẫn chưa được tiếp cận vải thiều của Bắc Giang. Phấn đấu duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống.
Xây dựng kế hoạch cụ thể tiêu thụ đối với từng loại nông sản; phối hợp với các bộ, ngành liên quan ưu tiên xuất khẩu chính ngạch; yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, thành phố không cản trở nông sản của Bắc Giang, tạo điều kiện cho lưu thông; kiểm tra, chống gian lận thương mại.
Bắc Giang cần xây dựng phương án “4 tại chỗ” để bảo đảm dịch vụ hàng hóa ổn định; xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau. Bộ sẽ kết nối với các địa phương, không để ảnh hưởng người dân tỉnh Bắc Giang về các mặt hàng. Chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường quản lý thị trường, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, tăng giá bất hợp lý.
Về khôi phục sản xuất, Bắc Giang cần vừa khoanh vùng dập dịch, ổn định sản xuất hiệu quả. Tỉnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại nếu bảo đảm an toàn; có lộ trình cho phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước, quốc tế. Nơi nào không bảo đảm an toàn dịch bệnh dứt khoát không cho sản xuất trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết sức trong chức năng nhiệm vụ của mình để giúp kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.