Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 6 năm 2022 | 17:5

Vì sao chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành?

Bộ Y tế vừa có đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.

 
Vì sao chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành? - Ảnh 1.

Bộ Y tế vừa có đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, mà hiện nay Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng, chống đại dịch và quản lý bền vững - Ảnh: VGP/Hiền Minh

 

Bộ Y tế vừa có tờ trình dự thảo đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, Bộ đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng, chống đại dịch và quản lý bền vững.

Tại dự thảo này, Bộ Y tế cho biết, WHO vẫn đang coi bệnh COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, cũng như tử vong. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới hiện nay, nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) đang làm người dân lo ngại, mặc dù chưa có nghiên cứu đầy đủ.

Ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm nhiều so với giai đoạn trước (tỉ lệ tử vong/mắc giảm mạnh từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5/2022), tuy nhiên chúng ta vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và nhiều bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị. Chúng ta cũng đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt như phòng, chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm và để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.

Cũng theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như: (1) có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; (2) tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; (3) bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; (4) tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đối với tiêu chí số 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 (như Nam Phi, Mỹ, sau 2 tháng dịch có xu hướng giảm, nhưng đã tăng trở lại từ đầu tháng 5/2022 đến nay do sự lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại). SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới, đồng thời miễn dịch có được (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định, cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh.

Vì sao chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành? - Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được... - Ảnh: VGP/Hiền Minh

 

Chưa quốc gia nào công bố coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Bộ Y tế cũng cho biết, qua trao đổi với WHO ngày 19/5/2022, chưa có quốc gia nào trên thế giới báo cáo tổ chức này về việc chính thức công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để xem COVID-19 là bệnh lưu hành, như Thái Lan, Indonesia (cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Australia...) trên cơ sở thông qua các chỉ số như tỉ lệ tử vong thấp, tỉ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vaccine cao tại nhiều độ tuổi, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ.

Indonesia quy định COVID-19 là bệnh lưu hành khi tỉ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỉ lệ dương tính phải dưới 1% dân số. Thái Lan dự kiến từ ngày 1/7/2022 coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỉ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.

Nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á trong thời gian qua cũng đã từng bước nới lỏng nhiều biện pháp trên cơ sở tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao (trên 80%) và số trường hợp mắc mới, tử vong giảm trong thời gian gần đây.

Nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đối với các bệnh thông thường khác (không bắt buộc phải cách ly đối với F0, F1 hoặc không phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, trong phòng kín..., như Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland.

Có 118/208 quốc gia, vùng lãnh thổ dỡ bỏ các hạn chế đi lại do COVID-19. Có 156 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới cho phép tất cả công dân đến từ mọi quốc gia nhập cảnh. Có 28/40 quốc gia tại 5 châu lục không yêu cầu đeo khẩu trang. Có 11/40 quốc gia tại 5 châu lục (Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Latvia, Thái Lan, Lào, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Belize, Guatemala) vẫn yêu cầu người dân giữ khoảng cách cá nhân từ 1 đến 2 m.

Bộ Y tế nhận định, khó khăn khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, do SARS-CoV-2 biến đổi liên tục (từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ), nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao, khả năng né tránh miễn dịch vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được.

Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định rất khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh nhóm A và nhóm B, như: Giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, tại cộng đồng, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí, vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; kiểm soát ra, vào vùng có dịch. Hơn nữa, biện pháp về vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chưa có cơ chế áp dụng khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top