Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2017 | 11:4

Virus cúm H7N9 độc lực cao tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện chủng virus cúm gia cầm H7N9 độc lực cao lây truyền giữa các con chồn và làm chúng tử vong.

Theo Cơ quan đầu mối quốc gia Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trước đây, các nhà khoa học chưa phát virus cúm gia cầm H7N9 gây bệnh và chết ở gia cầm hay động vật khác. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây nhất của nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh chủng virus cúm này có thể lây truyền và gây chết ở động vật.

Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, Viện Khoa học Y khoa, Đại học Tokyo, Nhật cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu mẫu bệnh phẩm phân lập từ một bệnh nhân tử vong do cúm A/H7N9 vào đầu năm 2017. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đã phát hiện đoạn gene có thể lây truyền và gây chết trên loài chồn (một loại động vật có thể chỉ điểm lây nhiễm sang người).

Theo đó, chủng virus cúm A/H7N9 độc lực cao có thể nhân lên hiệu quả ở trên chuột, chồn và một số loài linh trưởng. Tất cả virus lây nhiễm trong số các con chồn thông qua các giọt nước bọt bắn tới các điểm biến thể nhạy cảm neuraminidase đã làm chết một số con vật bị nhiễm và có tiếp xúc gần. Hiện tượng này xảy ra cả ở con vật lây nhiễm đầu tiên và những con vật khác khỏe mạnh có tiếp xúc gần với con vật bị nhiễm bệnh.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đây là trường hợp đầu tiên chủng virus H7N9 độc lực cao lây truyền giữa các con chồn và làm chúng tử vong. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chủng virus này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch và cần được theo dõi một cách chặt chẽ.

Việc chuyển từ chủng độc lực thấp sang chủng độc lực cao làm tăng nguy cơ lây lan vi virus cúm A/H7N9 từ gia cầm sang người do việc đào thải virus từ gia cầm vào môi trường cao hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng virus độc lực thấp. Đến ngày 25/10, Trung Quốc đã phát hiện 54 mẫu bệnh phẩm H7N9 độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người.

Trường hợp mắc cúm H7N9 được phát hiện đầu tiên ở người vào tháng 2/2013 tại Trung Quốc. Kết quả theo dõi từ đó đến đầu năm nay đều chưa phát hiện các trường hợp virus cúm gia cầm H7N9 gây bệnh và chết ở gia cầm hay các động vật khác. Gia cầm nhiễm virus nhưng không có biểu hiện bệnh, vì thế nó được phân loại là chủng virus độc lực thấp. Tuy nhiên, từ ngày 10/1 đến nay, các mẫu virus cúm H7N9 gây bệnh ở gia cầm đã được phân loại là chủng virus cúm độc lực cao.

Trung Quốc đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc cúm H7N9, trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là khoảng 38%). Các ca mắc thường tăng cao vào những tháng mùa đông - xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao.

Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện virus cúm H7N9 trên gia cầm cũng như ở người. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm H7N9 ở người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

- Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Theo Nam Phương/VnExpress.net

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top