Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 12 năm 2016 | 1:59

Vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê: Hệ lụy khôn lường

Hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên khi nghe những lời dụ dỗ “có cánh” của đối tượng xấu, nhiều người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đổi đời chưa thấy đâu nhưng hệ lụy thì đã thấy rõ khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại cà­ng khốn đốn hơn.

Anh Kim kể lại quá trình bị nhóm đối tượng lạ mặt lừa và bắt giam giữ  khi ở Trung Quốc.

Tìm miền đất hứa

Những năm gần đây, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê diễn ra khá phổ biến ở các thôn, bản thuộc các xã giáp biên giới của huyện Bình Liêu như: Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Hoành Mô... Sang bên kia biên giới, những lao động Việt Nam phải làm việc 12 giờ/ngày với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm và thường xuyên bị chính quyền nước sở tại truy bắt.

Làm việc vất vả, nặng nhọc là vậy nhưng mức thu nhập tính ra tiền Việt Nam chỉ được 220.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được chủ trả tiền công đầy đủ. Nhiều trường hợp làm việc cật lực nhưng vẫn bị đánh đập, giam cầm và trả về địa phương với 2 bàn tay trắng.

Chúng tôi đến thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, gặp anh Lô Đức Kim trong ngôi nhà đất tuềnh toàng, không có vật dụng gì giá trị. Anh Kim cho biết, kinh tế gia đình khó khăn nên khi nghe mọi người rủ đi Trung Quốc làm thuê kiếm được nhiều tiền, chỉ cần lao động một năm có thể xây được ngôi nhà cấp 4 kiên cố, trong khi đó, công việc lại nhàn, được ông chủ tiếp đãi rất tốt, không lo bị bắt,anh Kim như kẻ “chết đuối vớ được cọc”, nhanh chóng về bàn với gia đình, thu xếp hành trang để vượt biên đi làm giàu bên đất khách. Anh cùng mọi người tập trung rồi đi theo đường mòn xuyên qua rừng, lội qua suối để tránh bị lực lượng biên phòng và các ngành chức năng phát hiện. Khi vượt qua suối, bên kia đã có ô tô chờ sẵn, chở mọi người chạy sâu vào nội địa Trung Quốc đến địa điểm làm việc.

Tại đây, anh được giao làm lọ nhựa cho một công ty tư nhân tại tỉnh Quảng Châu, nhưng do tiền lương thấp và được mọi người cùng làm giới thiệu đến công ty khác tiền lương cao hơn nên chỉ trong thời gian ngắn anh đã chuyển “công tác” đến 4 lần.

Anh Kim nhớ lại: “Trong quá trình làm việc, có một đối tượng lạ làm cùng nói với tôi là chuyển ra ngoài ở một hai ngày để tránh bị công an Trung Quốc bắt.  Nghe theo lời người lạ, sau khi chuyển ra, tôi bị 3 đối tượng là người Việt Nam giam giữ. Trong 8 ngày bị giam giữ, tôi bị các đối tượng này đánh, họ dùng bột đỏ pha với nước rồi trộn với tiết gà tưới lên người tôi. Sau đó họ chụp ảnh, bắt tôi gửi ảnh qua Zalo về cho gia đình hoặc gọi điện thoại cho gia đình nghe rồi đánh đập tôi để đòi 3 vạn Nhân dân tệ tiền chuộc, tương đương với 100 triệu tiền Việt Nam”.

 “Sau nhiều lần đòi tiền chuộc không được, họ giảm dần số tiền xuống còn 2 vạn NDT (tương đương 70 triệu đồng). Do phải chờ đợi quá lâu, những đối tượng này bắt đầu nản chí, lơ là trong việc cai quản nên tôi và một chị nữa quê ở Bắc Ninh đã bỏ trốn. Sau 3 ngày bỏ trốn, tôi mới về được đến Việt Nam. Sau lần đi này, tôi đã rút ra được bài học cho bản thân và vận động gia đình, hàng xóm không nên xuất cảnh trái phép” anh Kim chia sẻ.

Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê từ đầu tháng 3/2016, chị Lục Thị Sịn đến nay vẫn chưa thể trở về với gia đình vì không có tiền. Bà Trần Thị Hoàng, mẹ chồng chị Sịn rưng rưng nước mắt: “Hai vợ chồng nó đi làm thuê đến nay chưa về, để lại 2 đứa con nhỏ cho 2 vợ chồng già  chăm sóc. Hôm nọ, mẹ chúng nó gọi về, khóc rưng rức bảo muốn về nhà lắm nhưng không có tiền. Trước kia, tôi đã bảo chúng nó là nếu chịu khó thì làm ở đâu cũng được, nhưng chúng nó vẫn nhất quyết đi, giờ tôi chẳng biết làm thế nào để đưa chúng nó về được”.

Một điểm chung là, trước khi đi “xuất khẩu lao động chui”, những lao động này chưa hề được một lần hướng dẫn những kỹ năng, kiến thức cơ bản về an toàn lao động, không có bảo hiểm, bảo hộ lao động cần thiết, tất cả hợp đồng lao động chỉ được thỏa thuận bằng miệng. Do vậy, khả năng gặp rủi ro rất cao, khi bị rủi ro không có cơ sở để các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi.

Vượt biên trái phép khó kiểm soát

Vượt biên trái phép sang Trung quốc làm thuê hiện đang là một vấn nạn, việc làm này đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quy chế bảo vệ biên giới quốc gia.

Mặc dù thời gian qua, lực lượng công an, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác xuất nhập cảnh; vận động nhân dân không vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê; tăng cường kiểm tra, kiếm soát, quản lý nhân khẩu tại các địa phương giáp biên giới nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã hỗ trợ nhiều mô hình kinh tế cho nhân dân phát triển sản xuất nhưng do không có kiến thức, trình độ và đặc biệt là chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Do các thủ đoạn đưa lao động ra nước ngoài ngày càng tinh vi, đặc biệt có nhiều lối mòn qua lại biên giới nên công tác ngăn chặn tình trạng xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc làm thuê gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tá Lý Đức Hoàn, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Bình Liêu cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng là do nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, một số khác có người thân lấy chồng bên đó giới thiệu sang. Từ  năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có 294 trường hợp xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc làm thuê, trong đó có 58 trường hợp bị bắt giữ và đẩy đuổi về Việt Nam”.

Việc người dân tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang trở thành một vấn nạn, tiềm ẩn rủi ro cao. Để người dân bám bản, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương mình, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, trong đó chú trọng đến luật xuất nhập cảnh cần tăng cường sự liên kết giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý số người xuất nhập cảnh trái phép và đấu tranh triệt phá, bóc gỡ, xử lý các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa đón người xuất cảnh trái phép qua biên giới.

UBND huyện Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, đẩy mạnh thi đua phát triển kinh tế, đưa những mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, giúp nhân dân thoát nghèo bền vững thay vì đặt một ảo vọng nơi “miền đất hứa”.

Văn – Lành

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top