Ngày 3-8, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về “Mô hình quản lý Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trong dự thảo có đề xuất một số mô hình quản lý Bệnh viện về thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát… Để có cơ sở tham khảo, so sánh và học tập các các mô hình quả lý bệnh viện hiện nay và giúp Bộ Y tế hoàn chỉnh dự thảo Mô hình quản lý bệnh viện trong dự thảo trình chính phủ, Bộ Y tế chọn 02 mô hình quản lý bệnh viện hiệu quả chia sẻ kinh nghiệm là Bệnh viện Tim TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Quang cảnh hội nghị
Bệnh viện Tim là đơn vị sự nghiệp thuốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, là mô hình hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Hiệp Hội Alai Carpentir (Pháp). Hoạt động theo cơ chế tự cân đối thu chi không nhằm mục đích lợi nhuận. Về cơ cấu tổ chức – Quản lý điều hành: Hội đồng giám sát- Ban Giám đốc Bệnh viện- Khoa phòng ban, đơn vị.
Đại diện Bệnh viện Tim TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị
Còn Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thì về cơ cấu tổ chức - Quản lý điều hành gồm: Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện - Giám đốc Công ty (CEO) kiêm Giám đốc Bệnh viện và kiểm toán nội bộ - các Phó giám đốc và kế toán - các khoa/ phòng và bộ máy giúp việc.
Đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm
Các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình quản lý bệnh viện gồm: Hội đồng thành viên/Hội đồng quản lý/ Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc; Kiểm soát viên; các phó giám đốc, kế toán; bộ máy giúp việc: Văn phòng và các ban tham mưu.
Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng phát biểu tham luận
Các đại biểu dự họp đều có chung nhận định: Việc quản lý bệnh viện ở nước ta nhìn chung ít đạt hiệu quả kinh tế. Nguyên nhân được cho là do chưa có mô hình thích hợp cho cả bệnh viện công hoạt động theo ngân sách - tài khóa lẫn bệnh viện tư tự chủ về tài chính. Những người quản trị bệnh viện chưa thấu hiểu bản chất mô hình kinh tế mà mình đang quản trị. Các bác sĩ - giám đốc vẫn làm công việc chuyên môn nhiều hơn, hầu hết không có nhiều kiến thức kinh tế, ít kinh nghiệm kinh doanh. Từ đó xuất hiện nhiều bất cập trong quản trị nguồn lực con người, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị bệnh viện, để có một giám đốc điều hành đúng nghĩa vẫn là bài toán khó vì bệnh viện đòi hỏi phải có lợi nhuận để phát triển. Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước đang chuyển dần mô hình hoạt động các bệnh viện công lập sang tự chủ thu chi, tiến đến hạch toán độc lập. Bệnh viện phải tự xây dựng bản cân đối tài chính và báo cáo tài chính, kế hoạch hoạt động theo năm. Điều này có nghĩa là Nhà nước đầu tư ban đầu, sau đó chỉ định nhà quản lý và quản trị bệnh viện. Nhiều nước đã thực hiện thành công đường lối quản trị này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự chia sẻ kinh nghiệm hết sức quí báu về mô hình quản lý của 02 bệnh viện cũng như nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu về dự họp. Nhìn chung các đại biểu tập trung quan tâm đến cơ cấu tổ chức - quản lý điều hành phải tinh gọn, hiệu quả; kỹ năng quản trị của giám đốc; giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ … Vì vậy, chúng ta cần tổ chức hội thảo, góp ý kỹ lượng nhằm xây dựng được một mô hình quản lý bệnh viện theo cơ chế tự chủ nhưng phải đảm bảo hiệu quả để phát triển. Thứ trưởng đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo 7 bệnh viện đăng ký phải chuẩn bị nghiên cứu, đóng góp ý cho bản dự thảo trước lúc triển khai hội thảo sắp tới./.
Minh Tuấn - Công Hoàng