Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 9 năm 2021 | 11:1

Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Ngày càng nhiều khó khăn

Nếu như trước đây, Trung Quốc được coi là thị trường “dễ tính”, thì gần đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, nước này triển khai hàng loạt quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc,... đối với nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, “chạm mặt” nhiều khó khăn khi đặt chân đến thị trường lớn này.

 

thanhlong.JPG
Thanh long là 1 trong 9 loại trái cây của Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

 

Khó cạnh tranh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, lượng trái cây của Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm khoảng 70 - 80%, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Trung Quốc siết buôn bán tiểu ngạch, các loại nông sản của Việt Nam xuất sang thị trường này biến động mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng của năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt trên 6 tỷ USD, chiếm 18,6% thị phần (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện, Việt Nam là một trong bốn nước xuất khẩu trái cây lớn nhất vào thị trường này sau Thái Lan, Chi-lê và Philippines. 

Theo ông Phú, nông dân Trung Quốc  bắt đầu tăng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, nhãn, xoài… Đây cũng là những sản phẩm được xem là chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư trồng các loại cây nói trên tại Thái Lan, Campuchia, Lào…

“Trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Sản phẩm của họ  ngày càng được cải tiến chất lượng, giá thành thấp. Nếu sản xuất nông sản Việt vẫn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, sẽ khó giữ được thị phần”, ông Phú cho hay.

Nếu như trước đây Trung Quốc được coi là thị trường “dễ tính” của nông sản Việt Nam, thì trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 18/8/2021, Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới tại cửa khẩu, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc mà phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe phía nước bạn sẽ đánh xe trở lại bãi để trao trả.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quy định mới này khiến doanh nghiệp Việt phải tốn  thêm chi phí và bị động trong kinh doanh, “chạm mặt” hàng loạt khó khăn.

Việc tiêu thụ được hàng sẽ phải phụ thuộc vào nước bạn và quá trình giao hàng bị chậm lại, trước kiểm tra theo container thì nay thậm chí kiểm tra từng thùng, từng lô hàng. Thời gian giao hàng tăng lên gấp đôi, chi phí cũng tăng thêm 5-6 triệu đồng/chuyến mà chất lượng trái cây bị hao hụt, giảm nhiều.

Áp dụng chính sách mới từ ngày 1/1/2022

Không chỉ vướng phải rào cản từ cơ quan chuyên ngành Trung ương của nước bạn, xuất khẩu nông- lâm- thủy sản còn phải đối mặt với những cản trở ở cấp địa phương.

Từ tháng 7/2021, Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn. Đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam.

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các tỉnh có cửa khẩu biên giới mới đây, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Hải quan Trung Quốc gửi văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Khi văn bản có hiệu lực, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Chuẩn bị kỹ lưỡng từng công đoạn

Thực tế cho thấy, do quá lệ thuộc vào một thị trường tiêu thụ; năng lực sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn thiếu và yếu; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua còn chưa được chú trọng… khiến nhiều nông sản rơi vào tình cảnh bấp bênh, nông dân thua lỗ, ít có động lực đầu tư tái sản xuất.

 

Hiện nay, nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại nông sản, thủy sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm; là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông, thủy sản. 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, để đáp ứng và không bị động trước những quy định mới từ phía Trung Quốc, chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng mọi công đoạn, từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển.

Các doanh nghiệp, thương nhân cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh việc xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc sang hình thức chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, giảm xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch qua các cặp chợ vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thiếu bền vững.

Để nâng sức cạnh tranh, ông Nguyên đề nghị miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở hàng rau quả xuất sang Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh của năm 2021 và 2022.

Về dài hạn, ông Nguyên kiến nghị, cần sớm tổ chức đàm phán ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật với phía Trung Quốc cho 9 mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch nhằm giúp giảm bớt thời gian xe đợi thông quan, giảm giá thành vận chuyển đường bộ, tăng thời gian quay vòng xe đáp ứng sản lượng sẽ tăng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Không tăng sản lượng các mặt hàng rau quả có nguồn cung cao tại thị trường Trung Quốc như thanh long (nhất là thanh long ruột đỏ), chuối, nhãn… Tổ chức, chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc (tiêu chuẩn VietGAP...), tăng cường sản xuất trái vụ với hàng nội địa Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm phải từng bước cải tiến vượt trội về giống, vệ sinh an toàn thực phẩm, để cạnh tranh với hàng các nước xung quanh và nội địa Trung Quốc.

Chính phủ tranh thủ các cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn ách tắc tại cửa khẩu biên giới và đàm phán thúc đẩy mở rộng thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh dây, bơ, dừa… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất đối với nhà đầu tư để phục hồi và phát triển sản xuất. Tạo dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản bền vững.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top