Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 1:27

“Lính rừng” canh biển

Khi hỏi về nhiệm vụ, họ không nói khó khăn, gian khổ, không kể về thành tích và sự hy sinh thầm lặng, mà kể về chuyện bắt tội phạm, cứu dân trong đêm tối bịt bùng. Nhiệm vụ của lính biên phòng canh biển không có khái niệm về thời gian, dân cần là đi, nhiệm vụ đột xuất là có mặt ngay lập tức, đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính mang quân hàm xanh ở Đồn biên phòng 518 đóng quân ở phường 10, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) mà người dân quen gọi là “lính rừng” canh biển

Ngày thường tuần tra, ngày nghỉ lấy củi tăng gia

Đến được Đồn biên phòng 518 phải qua nhiều đoạn đường lắt léo ngoặt khúc. Đồn ẩn mình giữa thung lũng ngút ngàn rừng tràm và thông. Đón chúng tôi ngay cổng gác của đồn, Thiếu tá Trần Văn Bảo, Phó đồn trưởng quân sự hồ hởi bắt tay: “Chúng tôi đang tổ chức cho đoàn viên thanh niên lao động phát quang bờ bụi rậm, làm lại hàng rào vườn cây thanh niên theo tinh thần xây dựng nông thôn mới. Đơn vị quân số ít quá, lại quản lý tuần tra trên địa bàn rộng, nên chúng tôi phải tranh thủ thời gian. Những ngày cuối năm này, bọn “xấu” hoạt động dữ lắm. Cả một vùng ven biển TP. Vũng Tàu chiều dài hơn 20km, chúng tôi phải chia nhỏ từng ca tuần tra canh phòng. Lính biên phòng chúng tôi không có ngày nghỉ, ngày chủ nhật. Ngày thường tuần tra huấn luyện, ngày nghỉ lấy củi tăng gia”.

Quan sát mục tiêu.

Tiếng là đóng quân trên địa bàn thành phố, nhưng đồn chỉ có gần 40 cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 518 là tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự vùng biên TP.Vũng Tàu suốt hơn 20km dọc bờ biển bãi tắm Thùy Vân đến bãi tắm Trại Nhái phường 12. Nhiều người bảo: lính biên phòng đóng quân ở khu du lịch Chí Linh sướng vì thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch, nhưng điều đó trái ngược lại với cán bộ chiến sĩ ở đây. Bởi đồn đóng quân xa dân, tiếng là gần bãi tắm du lịch Chí Linh, song đơn vị lọt thỏm giữa rừng tràm, tất cả mọi sinh hoạt học tập đều “cách biệt” với thế giới bên ngoài. “Nói thật, có tiền cũng không mua được gói mì tôm, mà phải đi hơn 3km đường rừng anh ạ. Ở đây chúng tôi nhìn thấy mặt trời nhiều hơn thấy người. Vì xa dân nên rất ít có điều kiện gặp gỡ giao lưu. Thỉnh thoản gặp vài người đi lấy củi bị “lạc” đường anh em chúng tôi đành giữ lại vài tiếng đồng hồ, cốt là để trò chuyện cho vui và thay đổi không khí”, chiến sĩ Nguyễn Văn Thành cho biết.

Khi nói đến cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 518, những người dân trên địa bàn gọi các anh là “lính rừng” canh biển. Bởi chỉ cần nghe có người chết đuối ở bãi tắm Chí Linh là các anh nhanh chóng có mặt; khi nhận được mệnh lệnh bắt tội phạm buôn bán ma túy là các anh khoác áo giáp lên đường, bất kể đêm hay ngày, mưa bão hay sóng gió. Niềm vui nhất của cán bộ chiến sĩ là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân tin yêu mến phục.

Cứu dân - mệnh lệnh từ trái tim

Nói đến nhiệm vụ tuần tra truy bắt tội phạm buôn lậu, phòng chống ma túy, Thiếu tá Trần Văn Bảo kể: “Chiều 30 Tết năm ngoái, trong lúc cán bộ chiến sĩ đang quây quần gói bánh chưng, thì một chị trạc 40 tuổi chạy hớt hải vào đồn kêu thất thanh: “Các chú bộ đội ơi, cứu con tôi với. Bọn nghiện hút bắt con tôi giấu vào rừng tràm để tống tiền gia đình. Chúng tôi đã theo dõi và biết nơi chúng ở nhưng không dám vào”.

Lúc đó đã 5 giờ chiều, trời xẩm tối. Tất cả công việc gói bánh, gói giò dừng lại. Chúng tôi nhanh chóng hội ý xác định mục tiêu và triển khai vây bắt. Đêm tối mịt mùng, rừng sâu lắm vắt và muỗi, mình ở ngoài dễ bị lộ, chúng ở trong không chịu ra. Hơn 3 giờ đồng hồ thuyết phục không có hiệu quả, bọn chúng ngoan cố tuyên bố: “Nếu bộ đội không rút khỏi bìa rừng, chúng sẽ tiêm thuốc phiện vào em bé”. Bình tĩnh, Thiếu tá Bảo chỉ huy 1 tiểu đội luồn rừng phía sau. Phía trước kiên trì thuyết phục nhưng kỳ thực là nghi binh. Một số chiến sĩ trinh sát trèo lên cây phục sẵn. Bất ngờ từ trên cây tụt xuống, dưới đất chui lên tóm gọn bọn nghiện hút, kịp thời giải cứu cho em bé, trao trả cho gia đình ngay trong đêm 30 Tết an toàn. “Công việc xong đã hơn 11 giờ đêm, và thế là chúng tôi lại gói bánh chưng rồi luộc cho tới sáng. Đêm đó mệt nhưng vui lắm. Tưởng Tết đó sẽ ăn ngon ngủ yên ai dè chiều mồng 3 Tết lại phải đi cứu người chết đuối ở bãi tắm Chí Linh. Số là có 5 em học sinh cùng gia đình đi tắm biển đầu xuân, chẳng biết bơi thế nào mà ra xa phao quy định, đúng vùng xoáy nước, 3 em chỉ còn một chiếc phao tròn. May mà chúng tôi kịp thời cứu hộ. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất từ khi tôi về đồn đến nay. Mỗi lần cứu dân thoát khỏi nguy hiểm hay bắt bọn nghiện hút mệt nhưng rất vui. Không chỉ vui vì đã hoàn thành một chiến công mới mà cũng là thêm một dịp giúp cuộc sống của nhân dân thêm bình yên”, Thiếu tá Bảo chia sẻ.

Tuần tra hàng ngày.

- Trong nhiệm vụ tuần tra đường biển, cái khó khăn nhất là gì thưa anh?.

- Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ bảo đảm an ninh vùng biển dọc đường biên, mà còn canh gác bảo đảm an ninh cho bãi tắm Chí Linh và Trại Nhái. Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là phương tiện kỹ thuật xuống cấp, xuồng cơ động không có. Mỗi lần cứu người chết đuối hoặc bắt bọn hải tặc, bọn buôn lậu chạy trốn chúng tôi phải kết hợp với lực lượng dân phòng, nên không chủ động được phương tiện, thời gian. Vừa qua chúng tôi đã bắt hai vụ ngư dân sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản. Mặt khác, hiện tại đơn vị không có nước ngọt, tuy đóng chỉ cách thành phố hơn chục kilômét. Chúng tôi phải huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đào giếng lấy nước ăn, sinh hoạt. Do ở giữa đồi cát nên chỉ dùng được ít ngày thì giếng lại bị vùi lấp do cát tự chảy ra. Trước đây, đơn vị phải đi mua nước ngọt, nay thì có nước giếng đóng nhưng phèn và nhiễm mặn nhiều. Vì điều kiện đơn vị đóng quân ở xa dân, nên tất cả mọi hoạt động vui chơi cho chiến sĩ đều do anh em tự “thiết kế”.

Chia tay cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 518, tôi cứ xao động mãi hình ảnh chiến sĩ đi hái rau rừng về cải thiện bữa ăn chiều thứ bảy. Xao động vì đời sống của họ còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chưa có nước ngọt để sinh hoạt, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Song khâm phục vô cùng tinh thần, nghị lực, ý chí của các anh luôn vững vàng không bị sa ngã trước cám dỗ vật chất, biết vươn lên gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Tiễn tôi ra tận cổng doanh trại của đồn, nắm chặt tay tôi, anh Bảo nói: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, nhân dân trên địa bàn đóng quân là anh em ruột thịt. Với chúng tôi, cứu dân là mệnh lệnh chiến đấu từ trái tim người lính”.

Minh Quang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top