Từng đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ, xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tiên phong thực hiện mô hình hợp tác xã mua chất thải chăn nuôi. Đây là mô hình mới, giúp giải quyết hiệu quả bài toán môi trường, hứa hẹn trở thành giải pháp xử lý chất thải bền vững cho các vùng chăn nuôi ở Ba Vì và địa phương lân cận...
Bán chất thải thu tiền triệu
Xã Minh Châu hiện có khoảng 5.000 con bò thịt, chủ yếu được nuôi theo quy mô hộ gia đình, 2-5 con/hộ. Tuy nhiên, lượng chất thải lớn từ chăn nuôi xả thẳng ra hệ thống cống rãnh, ao, hồ trong khu dân cư, gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí. Khí amoniac (NH3), mê-tan (CH4) từ chuồng trại thải ra, không chỉ giảm chất lượng môi trường sống, mà còn tăng nguy cơ bệnh về hô hấp, da liễu...
Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý thành nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch của địa phương. Ảnh: Hữu Nghị
Trước thực trạng này, xã Minh Châu xác định xử lý chất thải chăn nuôi là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ bảo vệ môi trường Minh Châu (Hợp tác xã (HTX) Minh Châu Organic Farm) đuợc thành lập, đóng vai trò tiên phong trong xử lý chất thải chăn nuôi.
HTX Minh Châu Organic Farm đã triển khai chương trình thu mua chất thải từ các hộ chăn nuôi với mức giá 4.000 đồng/thùng. Người dân chỉ cần gom chất thải tại chuồng trại và vận chuyển đến HTX. Mỗi tháng, HTX xử lý hàng trăm tấn chất thải, trị giá khoảng 300 triệu đồng, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Chất thải sau xử lý trở thành phân bón hữu cơ, thúc đẩy nền nông nghiệp sạch.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Minh Châu Organic Farm Ngô Thị Thanh Vân cho biết: "HTX được thành lập từ tâm huyết của các thành viên, nhằm bảo vệ môi trường và lan tỏa đến khu vực lân cận. Chúng tôi đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải ngay tại địa phương, biến chất thải thành nguồn tài nguyên giá trị. Ngoài việc thu mua chất thải, HTX còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội thảo, phát tờ rơi, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc xử lý chất thải đúng cách. Nội dung bảo vệ môi trường cũng được lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từng bước xây dựng ý thức tự giác trong mỗi người dân. Môi trường không chỉ là tài sản của hiện tại, mà còn là di sản cho thế hệ mai sau"...
Anh Nguyễn Danh Nhật, một hộ chăn nuôi 40 con bò sữa tại thôn Chu Châu, xã Minh Châu chia sẻ: "Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng gây áp lực lớn đến môi trường. Nhờ HTX đứng ra thu mua chất thải, mỗi tháng, gia đình tôi vừa có thêm thu nhập 10-15 triệu đồng, vừa cải thiện môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, các loại rác thải hữu cơ trước đây bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường, nay cũng bán được. Đây thực sự là mô hình nên nhân rộng"...
Hướng tới môi trường xanh, sạch, bền vững
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt, với sự phối hợp hiệu quả từ HTX Minh Châu Organic Farm và địa phương, xã Minh Châu đã giảm lượng chất thải thải ra môi trường lên đến 50%. Hiện, toàn xã đã có 1.500 hộ được phát miễn phí 1.500 thùng chứa để thu gom chất thải và phân loại rác ngay tại nguồn. Các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng tham gia tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân thu gom nước thải vào hầm chứa biogas, xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài.
Song song với hoạt động thu gom chất thải để bán, địa phương đang triển khai xử lý ô nhiễm hai ao trong khu dân cư tại các thôn: Chu Tràng, Chu Châu. "Tới đây, toàn bộ hệ thống cống rãnh, ao hồ của địa phương cũng được thu gom chất thải, làm sạch triệt để. Nếu thành công, cách làm này sẽ được nhân rộng sang nhiều khu vực khác, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, mà vẫn bảo đảm phát triển nông nghiệp, chăn nuôi", Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho rằng, Ba Vì là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải chăn nuôi vẫn là thách thức lớn, khi địa phương có đàn bò thịt và bò sữa với số lượng đứng trong tốp đầu của thành phố. Các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, song chưa được quản lý chặt chẽ, chất thải xử lý không triệt để, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và định hướng phát triển du lịch sinh thái... Vì vậy, mô hình thu gom, mua chất thải chăn nuôi sẽ được địa phương nhân rộng.
Về phía huyện, Ba Vì đang đầu tư cho các hợp tác xã và hộ chăn nuôi chuyển đổi sang phương thức sản xuất an toàn, thân thiện môi trường. Những chính sách hỗ trợ, gồm: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, xây dựng cơ chế khuyến khích người dân tham gia chuỗi giá trị bền vững.
Có thể thấy, việc nỗ lực bảo vệ môi trường ở xã Minh Châu đang hướng đến tương lai bền vững và xanh hơn. Đây là mô hình hay cần được nhân rộng.
Thu nhập khá từ chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ
Với sự siêng năng và nghị lực của một người lính Cụ Hồ được rèn luyện trong quân ngũ, anh Đỗ Ngọc Hiệu - 34 tuổi ở thôn Gia Lạc, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) đã khai thác tối đa lợi thế sẵn có của gia đình và địa phương để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp và cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh hoạt động có hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và một số lao động tại địa phương.
Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hiệu làm nhiều công việc khác nhau nhưng với ước mơ và khát vọng làm giàu, anh luôn tìm tòi, học hỏi các mô hình làm ăn có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Sau thời gian nghiên cứu, năm 2015, anh quyết định tận dụng điều kiện đất đai của gia đình và địa hình đồi núi ở địa phương để chăn nuôi dê. Ban đầu, anh đầu tư làm chuồng trại mua 26 con dê giống về thả nuôi. Nhờ tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh định kỳ và nguồn thức ăn dồi dào nên đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt và chỉ sau 1 năm nuôi anh đã có dê bán, thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư nhân rộng đàn.
Nhờ tận dụng chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương ủ phân hữu cơ vi sinh, anh Hiệu có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Trường Giang.
Theo anh Hiệu, dê con sau 9 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 30kg/con và có thể bán thịt (giá khoảng 130 ngàn đồng/kg) hoặc bán giống (150 ngàn đồng/kg). Bình quân đàn dê của anh duy trì khoảng 140 con, mỗi năm xuất bán 2 lứa (10 – 12 con/lứa) với giá từ 4 – 5 triệu đồng/con, doanh thu khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh còn tự nhân giống thả nuôi thêm gà và vịt bán thịt. Mỗi lứa anh nuôi 150 con gà và 200 con vịt xiêm. Nhờ lựa chọn con giống kỹ, nguồn thức ăn dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp, thực hiện vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh định kỳ nên đàn gà, vịt phát triển tốt, ít dịch bệnh. Mỗi lứa gà sau 8 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 2,6kg/con, với giá bán từ 110 – 130 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng/lứa (tương đương khoảng 30 triệu đồng/năm).
Mỗi lứa vịt sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 3,5 – 4,5kg/con, giá bán 60 ngàn đồng/kg, thu lãi khoảng 5 triệu đồng/lứa (tương đương khoảng 20 triệu đồng/năm). Như vậy, mỗi năm anh thu lãi từ chăn nuôi dê và gà, vịt khoảng 100 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ dùng cho cây trồng ngày càng tăng, trong khi nguồn phân chuồng từ chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương khá dồi dào nên từ năm 2019, anh Hiệu sản xuất thêm phân bón hữu cơ vi sinh. Ban đầu, từ nguồn phân chuồng chăn nuôi sẵn có, anh thu mua thêm một số phụ phẩm nông nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ – dây đậu, xác đậu, mùn cưa, vỏ dừa và các loại thân cây khác... cùng một số chế phẩm sinh học để phối trộn, ủ làm phân hữu cơ vi sinh bán cho những người trồng rau, cây cảnh...
Anh Đỗ Ngọc Hiệu cho biết: “Lúc đầu làm phân bón hữu cơ vi sinh cũng gặp nhiều khó khăn nên vừa làm vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm để phối trộn từng loại phân phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bình quân mỗi năm tôi bán ra thị trường khoảng 130 tấn phân hữu cơ vi sinh, chủ yếu phục vụ những người trồng rau, cây cảnh và trồng cà phê, hồ tiêu... ở các tỉnh Tây Nguyên với giá bán 2.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 80 triệu đồng/năm”.
Không những tạo thu nhập ổn định cho gia đình với mức khá cao (180 triệu đồng/năm), cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của anh Hiệu còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập hơn 300 ngàn đồng/người/ngày.
Đặc biệt, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Cát Minh đã triển khai nhiều biện pháp vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và chính anh là người đảm nhận thực hiện việc thu gom rác thải hữu cơ vừa để vừa ủ làm phân bón hữu cơ, vừa giải quyết được vấn đề xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Được chính thức khởi động từ tháng 9/2022, Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đến nay cơ bản đạt mục tiêu đề ra, bước đầu tạo ra những kết quả rất đáng phấn khởi.