Trong ánh chiều muộn, tiếng khèn Mông cất lên từ thung lũng Nặm Mèng ở thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) ngân vang giữa núi rừng như khúc nhạc ngợi ca sự đổi thay của bản làng.
Từ nơi nghèo khó, tách biệt, Nặm Mèng hôm nay đã rực sáng ánh điện, rộn ràng tiếng cười và tràn đầy sức sống hiện đại. Hành trình dựng xây nếp sống mới của đồng bào Mông nơi đây là khúc ca đẹp về sự nỗ lực, tình đoàn kết và ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Trưởng thôn Ly Seo Áo thường xuyên sát sao với dân bản trong thực hiện nếp sống văn hoá mới.
Câu chuyện đổi thay trên bản vùng cao
Trưởng thôn Tổng Kim – ông Ly Seo Áo từng nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ đến tương lai của Nặm Mèng. Ngày ấy, bản nằm lọt thỏm giữa rừng quế, tách biệt với thế giới bên ngoài. “Cả bản có 16 hộ, ai cũng nghèo” - ông trầm ngâm kể - “Đường đất lầm bụi mùa hè, còn mùa mưa thì lầy lội. Nhà cửa tạm bợ, trâu - bò nuôi ngay cạnh chỗ ngủ. Ma chay diễn ra nhiều ngày, chôn gần nhà, tảo hôn, hôn nhân cận huyết như bóng ma đeo bám bao thế hệ”. Những năm tháng ấy, khèn Mông cứ réo rắt nỗi buồn của đói nghèo, của những giấc mơ chẳng dám mơ trọn vẹn.
Mọi thứ thay đổi rõ rệt nhất là vào năm 2023, khi mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông xây dựng nếp sống văn hóa mới” được triển khai. Từ chỉ đạo của Huyện ủy Bảo Yên, Ban Dân vận huyện phối hợp chặt chẽ với UBND xã Vĩnh Yên và các đoàn thể chính trị như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... tiến hành khảo sát thực tế, lập kế hoạch chi tiết.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên - bà Lý Thị Bầu cho biết: “Đây là mô hình triển khai toàn diện về mọi mặt trong đời sống của đồng bào Mông. Chúng tôi cử cán bộ cắm chốt tại bản, phối hợp với trưởng thôn, già làng có uy tín để kiên trì vận động từng hộ dân. Cứ 2-3 ngày, cán bộ lại đến từng nhà, lắng nghe và thuyết phục. Đồng thời, tổ chức cho bà con tham quan những bản làng người Mông ở Tam Đường (Lai Châu) để học hỏi cách làm homestay, cơ sở để họ có thể thay đổi tư duy”.
Vận động dân bản hiến đất làm đường không phải là chuyện dễ. Ai cũng sợ mất đất trồng quế, nguồn thu nhập duy nhất. Nhưng ông Ly Seo Áo không nản, ông hăng hái đến từng nhà, giải thích rằng có đường, bản sẽ đổi đời. Và rồi, sau những buổi họp bản sôi nổi, cả thôn đồng lòng. Kết quả là, người dân tự nguyện hiến hơn 1.200m2 đất, chặt gần 1.000 cây quế, đóng góp hàng trăm ngày công lao động để mở rộng đường. Với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, trong đó bà con đóng góp 382 triệu đồng bằng sức người, khiến tuyến đường bê tông dài 755m đã hoàn thành, nối Nặm Mèng với trung tâm xã. “Giờ thì ai cũng nhìn thấy bản làng đã thực sự đổi thay, người dân mình đã hiểu, đã chung sức”, ông Áo cười, ánh mắt đầy tự hào.
Người dân có thu nhập ổn định từ cây quế.
Đường lớn đã mở, các cấp chính quyền lại tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng cổng chào và nhà đốt rác trị giá hàng trăm triệu đồng. Tất cả 16 hộ dân trong bản giờ đây đều có nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng và mái cứng). Đặc biệt, chương trình bảo hiểm y tế toàn dân đã giúp 100% hộ dân trong bản có bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2023, bản giảm được 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, và hiện không còn hộ nghèo nào trên địa bàn. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và phụ nữ sinh con trước 18 tuổi hoàn toàn chấm dứt.
Bản Nặm Mèng hôm nay rộn ràng hơn bao giờ hết. Ánh điện sáng rực cả bản làng, tiếng cười nói rộn rã từ những ngôi nhà mới, và đâu đó tiếng khèn Mông cất lên, uốn lượn như dòng suối trong, khi da diết, khi rộn ràng ca ngợi sự đổi thay vang vọng cả thung lũng Nặm Mèng.
Hướng về nếp sống mới
Đêm ở bản Nặm Mèng, thung lũng rì rào trong hơi thở của núi rừng. Những ngọn gió se lạnh phả xuống từ đỉnh Pha Luông mang theo hương quế, hương của sự ấm no. Cả bản thi nhau làm kinh tế, 100% hộ dân trồng quế, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hộ trồng nhiều như gia đình ông Ly A Chảo có hơn chục hecta quế, nhiều diện tích đang cho thu hoạch tạo nguồn thu ổn định, bền vững. Ngày càng có nhiều ngôi nhà to, đẹp, hiện đại mọc lên.
Diện mạo bản làng hôm nay.
Các hộ đồng loạt thực hiện nếp sống văn hóa mới, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Cuối tuần, bà con tự giác tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh làm cảnh quan. Trong bản có Tổ giúp việc thường xuyên đi kiểm tra nếp sống, kịp thời nhắc nhở các gia đình chưa có ý thức thu gom rác thải đúng quy định. Để giữ vững thành quả, bản Nặm Mèng tiếp tục có những kế hoạch mới. Cả bản bàn nhau tự bỏ mỗi nhà 1 triệu đồng tiếp tục đổ bê tông 400m đường nội thôn. Bà con sẽ trồng cây xanh dọc các tuyến đường, xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng, khôi phục nhà truyền thống để phát triển du lịch văn hóa.
Ông Giàng Seo Hồ là nghệ nhân trong bản còn giữ được nghệ thuật thổi khèn Mông. Cái khèn gỗ của ông, từng một thời bị bỏ quên trong góc nhà, giờ đây lại được mang ra chỉnh sửa. ”Khi bản còn nghèo, người ta lo miếng ăn trước, đâu ai nghĩ đến tiếng khèn”, ông nói. Nhưng mọi thứ đã khác. Câu lạc bộ văn hóa trong thôn được thành lập, các lớp dạy thổi và múa khèn được mở ra. Ông Hồ không chỉ dạy thanh niên trong bản mà còn truyền lại nghệ thuật này cho cả con cháu. Nhiều thanh niên trong bản đã thành thạo nghệ thuật truyền thống này, được mời đi biểu diễn ở các thôn bản khác trong vùng, khiến tiếng khèn Mông cứ bay bổng vang xa.
Dưới ánh trăng, tiếng khèn Mông rộn ràng cùng đôi chân múa lượn của những chàng trai, cô gái trong điệu xòe hội. Câu lạc bộ văn hóa của bản thành lập với sự hỗ trợ của chính quyền, nay đã trở thành nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giúp thanh niên thêm tự hào về bản sắc của dân tộc mình. Ông Ly Seo Áo đứng lặng giữa sân nhà văn hóa, ánh mắt rưng rưng nhìn cảnh bản làng rực sáng ánh điện, lấp lánh những mái nhà kiên cố, con đường bê tông chạy dài thẳng tắp. Bản làng này, nơi từng chìm trong bóng tối của đói nghèo và lạc hậu, giờ đã thay da đổi thịt. Tiếng khèn hôm nay không chỉ là âm thanh của niềm vui mà còn là khúc nhạc ngợi ca những nỗ lực bền bỉ của bà con, và cả sự tận tâm, tận lực của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương.
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Sáng nay (12/12), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ hưởng ứng, ủng hộ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tại buổi lễ, các cơ quan báo chí: Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Xây dựng, Báo Tiền Phong và Tạp chí Nhà Đầu tư đã đóng góp hỗ trợ cho Chương trình, với tổng kinh phí 200 triệu đồng…
Ngày 20/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 331 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số trang trại chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi gây bức xúc trong nhân dân. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên để trả lại môi trường sống trong lành cho bà con.