Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024 | 10:25

Tăng cường hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP làng nghề

Hiện, toàn thành phố Hà Nội có tới hơn 2.900 sản phẩm OCOP được công nhận, thì đã có tới hơn 770 sản phẩm đến từ các làng nghề. Nhiều địa phương đã có những chính sách để hỗ trợ cho các sản phẩm đạt OCOP này để nâng cao thêm giá trị của các làng nghề.

Sản phẩm OCOP từ các làng nghề được đánh giá cao

Hiện nay, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.

Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của người dân nơi đây, hầu hết các sản phẩm này đều được sản xuất và chế biến từ những phụ phẩm của nền nông nghiệp lúa nước, hay từ những cây, con được nuôi, trồng gắn với cuộc sống của bàn con nông dân từ hàng trăm năm qua.

Đây có thể nói là một trong những thuận lợi của các địa phương có sản phẩm OCOP, nếu biết khai thác, phát triển để nâng cao giá trị sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân ở nông thôn.

Xã Võng La (huyện Đông Anh) nổi tiếng với nghề làm đậu phụ có từ lâu đời, đậu phụ được chế biến từ những hạt đậu tương được bà con trong vùng và các địa phương lân cận trồng, đậu phụ Võng La đã nổi tiếng trong hàng trăm năm qua cùng với đậu phụ được sản xuất ở vùng Chợ Mơ (Hà Nội). Để gìn giữ và phát triển sản phẩm đậu phụ của làng nghề truyền thống, từ năm 2019, Hợp tác xã Thanh niên Võng La được thành lập để phát triển sản phẩm đậu phụ trên thị trường Thủ đô.

Nghề làm đậu phụ làng Võng La (Đông Anh)

Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La Phan Văn Đạt chia sẻ, hợp tác xã thành lập với mong muốn tiếp tục giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống của ông cha để lại; đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động trên địa bàn xã, nhất là thanh niên.

Đến nay, hợp tác xã có 3 sản phẩm đậu chính, là: Đậu phụ trắng, đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy. Cả 3 sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, cung cấp cho nhiều siêu thị, nhà hàng… trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Phan Văn Đạt cho biết.

Làng nghề gỗ Thiết Úng, xã Vân Hà (huyện Đông Anh) được coi là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng, có từ hàng trăm năm qua, nhiều sản phẩm được chế tạo và sản xuất tại đây đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3-4 sao. Nhờ vào sự phát triển kinh tế xã hội, nghề chạm khắc gỗ tại đây đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nhân dân tại đây, diện mạo nông thôn tại làng Thiết Úng thay đổi từng ngày.

Sản phẩm chạm gỗ của làng Thiết Úng có giá trị cao

Bà Đào Thị Thanh Vân (thôn Thiết Úng, xã Vân Hà) cho hay, gia đình bà có 25 năm làm nghề sản xuất đồ gỗ. Nhờ được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao nên đồ gỗ của gia đình bà đã xuất khẩu sang một số quốc gia.

Bát Tràng là một làng nghề có nghề làm gốm nổi tiếng từ hàng trăm qua, các sản phẩm của làng nghề đã vươn ra thế giới từ rất lâu, vì thế mà cuộc sống của nhân dân ở đây cũng rất khá giả. Bát Tràng là làng nghề điển hình của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang được bảo tồn và phát triển rất thành công. Đây cũng là làng nghề gốm sứ có đóng góp nhiều sản phẩm OCOP của thành phố.

Theo lãnh đạo xã Bát Tràng cho biết, hiện cả xã có khoảng 50 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng; trong đó có sản phẩm được xếp hạng 5 sao - thứ hạng cao nhất trong thang đánh giá OCOP hiện nay. Nhờ tham gia vào Chương trình OCOP, những sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của làng nghề đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh là minh chứng thành công trong phát triển nghề truyền thống tại Bát Tràng này. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh, công ty đã có 4 sản phẩm: “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen” tham gia OCOP và được đánh giá 5 sao. Hiện sản phẩm gốm sứ của doanh nghiệp đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay đã có 771/2.924 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đến từ các làng nghề, làng có nghề. Tổng giá trị sản xuất của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân cho người lao động hiện đạt 7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,5-2 lần so với thu nhập lao động thuần nông.

Tăng cường hỗ trợ sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị làng nghề

Theo thống kê của huyện Đông Anh, toàn huyện hiện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 86 sản phẩm 3 sao, chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh đã được các cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại tín nhiệm đặt hàng.

Thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng trên khắp thế giới

Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP làng nghề xây dựng thương hiệu, huyện Đông Anh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ, quản lý hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch thông tin sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng... Huyện Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025, toàn bộ 24 xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, cùng với việc kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ: http://da.check.net.vn, huyện Đông Anh còn hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với 100% các sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Hiện tại, toàn huyện đã có 710 sản phẩm đăng ký mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản (check.net.vn), xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm. Trong 6 năm qua, huyện Đông Anh đã chi hơn 11 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức kinh tế, chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới, nâng cấp sản phẩm đã có, hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến phân phối, kể cả tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có những sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại doanh thu khá lớn cho các làng nghề.

Để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, thành phố đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, thành phố đã xây dựng được hàng chục trung tâm ở các làng nghề: Mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Ngoài cơ chế, chính sách chung, thành phố Hà Nội còn ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề. Theo đó, để tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, hiện tại, UBND thành phố đang giao Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương xây dựng “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thành phố cũng đã tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho cá nhân và tập thể trong các làng nghề về năng lực quản lý, tổ chức sản xuất hợp lý hơn, có hiệu quả hơn, từ đó giúp các làng nghề tham gia sâu vào Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm…

Từ hàng trăm năm qua, làng nghề ở Hà Nội đã gắn liền với bản sắc và văn hóa của người dân nơi đây, các sản phẩm của làng nghề đã tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân trong những lúc nông nhàn, đồng thời cũng tạo ra được giá trị kinh tế. Trong thời kỳ phát triển như hiện nay, sản phẩm của các làng nghề đã được bà con nông dân nâng cao hình thức mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị rất cao. Bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm làng nghề là một trong những hướng đi đúng đắn.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hải Phòng phân loại rác tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường

    Hải Phòng phân loại rác tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường

    Ngày 20/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 331 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

  • Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trao tặng heo giống và cá giống cho người dân vùng cao

    Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trao tặng heo giống và cá giống cho người dân vùng cao

    Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức trao 4 cặp heo giống và 1.000 con cá giống để tạo sinh kế cho nhiều hộ gia vùng cao ở tỉnh Quảng Trị.

  • Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

    Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

    Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số trang trại chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi gây bức xúc trong nhân dân. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên để trả lại môi trường sống trong lành cho bà con.

Top