Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 16 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024 | 10:16

Giảm nghèo bền vững, chính sách kinh tế nhân văn của Đảng ta

Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật của Việt Nam trong gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Chính sách giảm nghèo được ví như “một cuộc cách mạng” với nhiều chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia.

Việt Nam vươn mình

Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỉ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa.

Chính sự “thay da, đổi thịt” của nhiều địa phương đã phản ánh sinh động sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, đã có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo.

Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo tăng từ 200 tỷ đồng (năm 1993) lên 12.000 tỷ đồng (năm 2020).

Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; Tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị - nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 - 2022.

Theo Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, tăng 8 bậc, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá thành công của Việt Nam trong các chương trình giảm nghèo được công nhận rộng rãi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam đã giảm từ 45% (năm 1992) xuống chỉ còn 1% (hiện nay).

Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia, không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm cả các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch. Từ năm 2016, Chính phủ đã theo dõi chặt chẽ các chỉ số nghèo đa chiều, sử dụng các chỉ số đó để thực hiện các chương trình giảm nghèo khu vực và quốc gia.

Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững cùng với việc tạo công ăn việc làm chính là động lực giảm nghèo. Sự chuyển dịch ổn định từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ đã gia tăng tỷ lệ người lao động có thu nhập ổn định, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp.

Chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giảm nghèo thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển nông thôn, cũng như các chương trình chính thống nhằm đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục và y tế.

Chính quyền thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) trao hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo. 

Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều

Trên thực tế, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”, đồng thời đặt mục tiêu “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm”. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện, Quốc hội đã phê duyệt triển khai thực hiện thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nguồn lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành 06 nghị quyết đối với 06 vùng trong cả nước về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng vùng.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: “Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn”.

Chúng ta đi được gần hết chặng đường giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Gần 4 năm triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đó là: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Năm 2023, 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.

100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận  các sản phẩm dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

“Không để lại ai ở phía sau”

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo đã tái nghèo chỉ sau 2 năm.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Trong khi đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Người dân xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn - Nghệ An) chuyển từ trồng lúa nương sang trồng lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Văn Tý

Để đạt mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Bà Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam có nhiều điều đáng tự hào về giảm nghèo. Những lợi ích của phát triển kinh tế đã được chia sẻ công bằng và chỉ còn một số ít người đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, những mối đe dọa mới đối với cuộc sống của người dân liên tục xuất hiện, cần kịp thời điều chỉnh chính sách để có thể ứng phó với những thách thức này.

“Giờ đây, khi nghèo đói cùng cực gần như đã được xóa bỏ, Việt Nam chuyển sang giải quyết các nguy cơ khác liên quan đến biến đổi khí hậu, thách thức môi trường, thay đổi cơ cấu dân số, thay đổi công nghệ và bất bình đẳng giới”, bà Ramla Khalidi nói.

Dù phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với quyết tâm cao “không để lại ai ở phía sau”, Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều để đảm bảo tốt hơn đời sống của một bộ phận dân cư, giúp người nghèo tự mình vươn lên và thoát nghèo bền vững.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

  • Bài cuối: “Mối duyên” hợp tác đưa Sếu đầu đỏ bảo tồn tại Việt Nam

    Bài cuối: “Mối duyên” hợp tác đưa Sếu đầu đỏ bảo tồn tại Việt Nam

    Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim được thực hiện trong thời gian 10 năm (2022 – 2032). Đây là đề án “dài hơi”, mang tầm vóc quốc tế, do đó, cần sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

  • Gấp rút hoàn thiện Làng Nủ mới

    Gấp rút hoàn thiện Làng Nủ mới

    Còn 3 ngày nữa là đến thời điểm bàn giao căn hộ đón người dân vào nhà mới, trên công trường thi công khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), từng hạng mục công trình đang chạy đua với thời gian.

  • Bài 3: Đôi mắt giữ sếu

    Bài 3: Đôi mắt giữ sếu

    Như “đôi mắt” luôn canh gác cho rừng, người đàn ông ấy không rời mắt khỏi từng góc tràm, từng mảng xanh nơi Vườn Quốc gia Tràm Chim. “Giữ mảng xanh cho Sếu đầu đỏ”, tâm niệm ấy đã níu ông lại với công việc giữ rừng suốt hơn 30 năm qua.

Top