Diễn biến trên dường như khá quen thuộc bởi nó đã lặp lại vài lần trong những năm gần đây, sau mỗi vụ bạo lực súng đạn làm rúng động nước Mỹ.
Nhưng ở cấp độ liên bang, mối quan tâm và sự chú ý đối với đạo luật mới về kiểm soát súng đạn hầu như chẳng dẫn tới bất cứ hành động nào trong nhiều thập kỷ qua, bất chấp nhiều thăm dò dư luận cho thấy đại bộ phận dư luận Mỹ ủng hộ các biện pháp như thắt chặt kiểm tra tiền sử nhân thân của người sở hữu súng và cấm một số loại băng đạn cỡ lớn và súng tiểu liên quân dụng.
Sau vụ thảm sát thương vong cực lớn ở Las Vegas lần này, có lẽ áp lực thay đổi sẽ lớn hơn. Mặc dù vậy, vẫn có 5 rào cản còn lớn hơn thế đối với vấn đề muôn thuở này của nước Mỹ.
Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA)
NRA là một trong những nhóm lợi ích có ảnh hướng lớn nhất trên chính trường Mỹ, không phải chỉ vì số tiền mà tổ chức này chi vào việc vận động hành lang giới chính trị gia mà còn bởi vì sức nặng của 1 hiệp hội có tới 5 triệu thành viên.
NRA phản đối phần lớn các đề xuất nhằm thắt chặt quy định súng đạn và cũng là tổ chức đứng sau những nỗ lực ở cả cấp độ tiểu bang và liên bang nhằm đảo ngược bất cứ lệnh cấm hiện hành nào đối với chủ sở hữu súng. Năm 2016, NRA đã chi đến 4 triệu USD vận động hành lang và đóng góp trực tiếp cho các chính trị gia, cùng hơn 50 triệu USD cho các hoạt động chính trị khác, trong đó đáng chú ý có khoảng 30 triệu USD hậu thuẫn cho việc bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
250 triệu USD. Đó là ngân sách hàng năm của NRA, được phân bổ cho các chương trình giáo dục, các cơ sở súng đạn, sự kiện thành viên, hoạt động tài trợ, vận động pháp lý và những nỗ lực khác có liên quan.
Nhưng hơn cả những con số, NRA đã gây dựng được uy tín ở Washington với tư cách là một lực lượng chính trị có thể dựng lên hoặc kéo đổ thậm chí cả những chính trị gia quyền lực nhất.
Hiệp hội này đánh giá các chính trị gia dựa trên số phiếu và rót nguồn tài nguyên của tổ chức cũng như của các thành viên để hỗ trợ những người ủng hộ họ một cách rõ ràng và quyết liệt.
Như một cựu Nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ đã nói với tờ New York Times năm 2013, “đó là một nhóm mà tôi có thể nói rằng chừng nào còn đương chức, tôi còn không dám đụng đến NRA”.
Liệu điều đó có thể thay đổi? Các nhóm muốn kiểm soát súng đạn, được sự hậu thuẫn của các nhà hảo tâm giàu có như cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, đã hoạt động có tổ chức hơn trong những năm gần đây và đang vươn lên thành đối trọng với quyền lực chính trị của NRA. Nhưng chừng nào các nhóm ủng hộ súng đạn còn giành được thắng lợi về lập pháp và bầu cử thì họ vẫn còn “làm vương, làm tướng” ở “Xứ cờ hoa”.
Do Gerrymandering – cách phân chia khu vực bầu cử ở Mỹ
Phần lớn những nỗ lực gần đây nhằm thông qua các đạo luật liên bang mới về kiểm soát súng đạn bị “chết yểu” ở Hạ viện, vốn thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa từ năm 2011. Quyết định của lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện hồi tháng 6/2016 về việc không tổ chức bỏ phiếu 2 dự luật kiểm soát súng đã khơi mào một cuộc biểu tình ngồi của các chính trị gia Dân chủ.
Lý do Hạ viện nghiêng về các nhóm ủng hộ quyền sở hữu súng cũng giống với lý do cơ quan này thường do đảng Cộng hòa kiểm soát những năm gần đây. Đó là vấn đề nhân khẩu học và cách phân chia khu vực bầu cử Mỹ, theo đó ngày càng có nhiều chiếc ghế an toàn cho phe Cộng hòa hơn là phe Dân chủ ở Hạ viện.
Ở các khu vực bầu cử, chính trị gia thường chạy theo nhóm cử tri cốt lõi của họ, những người mà lá phiếu thường bị chi phối bởi những vấn đề nóng như quyền sở hữu súng đạn. Cái giá của việc bỏ qua số cử tri này lại cao hơn rất nhiều so với việc cô lập những người muốn kiểm soát súng đạn, vốn cũng là những người ít đi bầu cử sơ bộ.
Nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng đối với động thái của Hạ viện trước vấn đề súng đạn. Bởi ngày càng có nhiều khu vực bầu cử vùng nông thôn với số lượng người sở hữu súng cao hơn là vùng thành thị. Vì thế việc quy tụ được sự ủng hộ của đông đảo những người ủng hộ kiểm soát súng đạn ở thành thị không tạo thay đổi đáng kể cán cân chính trị ở Hạ viện.
Liệu điều đó có thể thay đổi? Nếu không có một làn sóng những người theo tư tưởng tự do ở các thành phố lớn cảm thấy quá nhức nhối vì vấn đề này, cơ cấu nhân khẩu học sẽ vẫn như vậy. Đã có những nỗ lực nhằm vẽ lại “bản đồ” bầu cử Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã coi đây là một trong những mục tiêu khi “nghỉ hưu” của mình. Hay như việc Tòa án Tối cao đang xem xét kiến nghị về khu vực bầu cử Wisconsin vốn đang mang lại lợi thế rõ rệt cho phe Cộng hòa. Tuy nhiên, đây là một sứ mệnh vô cùng khó khăn.
Filibuster
Filibuster là thủ tục rất nổi tiếng của Thượng viện Mỹ, theo đó Thượng nghị sĩ không bị giới hạn thời gian phát biểu tại nghị trường. Họ được quyền nói cho đến khi kiệt sức để ngăn chặn hoặc trì hoãn Thượng viện ra một quyết định nào đó.
Các chính trị gia thường tung ra “chiêu bài” Filibuster với hầu hết các dự luật cần tới 60 phiếu thuận trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện thay vì đa số đơn thuần 51 phiếu. Chỉ có khi nào hội tụ đủ ít nhất 60 phiếu thì thủ tục Filibuster mới bị bỏ qua.
Năm 2013, sau vụ xả súng thảm khốc tại trường tiểu học ở Newtown, bang Connecticut, dư luận ngỡ rằng đã có sự ủng hộ chưa từng thấy của cả 2 đảng ở Thượng viện đối với nỗ lực tăng cường kiểm tra tiền sử nhân thân của người mua súng. Nhưng sau chiến dịch vận động hành lang dày đặc của NRA, dự luật này chỉ nhận được 56 phiếu thuận, thiếu 4 lá phiếu để bỏ qua thủ tục Filibuster.
Bên cạnh đó, những phân chia nông thôn – thành thị cũng có tác động ở Thượng viện tương tự như ở Hạ viện. Những bang có đông cử tri ở những thành phố lớn như New York, Massachusetts hay California bị lép vế tại Thượng viện so với những bang có nhiều vùng nông thôn và bang ở miền Nam, nơi tâm lý phổ biến của cử tri là ủng hộ quyền sở hữu súng đạn.
Kể từ đó, chưa có biện pháp súng đạn nào chạm tới gần ngưỡng được thông qua đến thế.
Liệu điều đó có thể thay đổi? Đương kim Tổng thống Donald Trump là một trong những người phản đối rất mạnh mẽ thủ tục Filibuster vì ông coi nó là một rào cản đối với chương trình nghị sự của mình. Nhưng đa số Thượng nghị sỹ Mỹ lại phản đối việc thay đổi Filibuster.
Tòa án
Với việc Quốc hội muốn đảo ngược các quy định hiện hành về súng đạn hơn là ban hành các quy định mới, các bang nghiêng về cánh tả của Mỹ đã thể hiện vai trò lớn hơn trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát súng đạn. Cụ thể, sau vụ xả súng ở Connecticut, 21 bang đã thông qua luật súng đạn mới, trong đó có việc cấm vũ khí sát thương ở các bang Connecticut, Maryland và New York.
Nhưng những luật này lại đụng phải rào cản khác. Đó là hệ thống tư pháp Mỹ.
Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã 2 lần ra phán quyết rằng quyền sở hữu vũ khí cá nhân, chẳng hạn như súng cầm tay, được bảo đảm bởi Hiến pháp Mỹ.
Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ nói rằng: “một lực lượng dân quân được điều phối tốt, cần thiết cho sự an toàn của một đất nước tự do, thì quyền của người dân đối với việc cất giữ và mang theo vũ khí là không được phép xâm phạm”.
Các nhà hoạt động ủng hộ việc kiểm soát súng đạn đã cố gắng chỉ ra bằng chứng rằng Tu chính án này chỉ cơ bản nhằm tạo “một lực lượng dân quân được điều phối tốt”. Tuy nhiên, năm 2008, một phiên tòa gây chia rẽ sâu sắc đã phán quyết rằng Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ đảm bảo quyền sở hữu súng rộng rãi, theo đó cấm thắt chặt yêu cầu đăng ký vũ khí cá nhân.
Liệu điều đó có thể thay đổi? Thẩm phán Tòa án Tối cao Neil Gorsuch mà Tổng thống Donald Trump mới chỉ định đã nói rõ rằng, ông coi những quyền mà Tu chính án thứ hai quy định là phổ quát. Trong khi đó, Tổng thống cũng đang lấp đầy các vị trí ở tòa án cấp dưới bằng những thẩm phán có khuynh hướng ủng hộ sở hữu súng. VÌ thế nếu có thay đổi thì có chăng đó là sự dịch chuyển của bộ máy tư pháp Mỹ về phía cánh hữu trong vấn đề này.
Sự yếu thế của phe muốn kiểm soát súng
Chướng ngại vật lớn nhất đối với việc thông quan luật kiểm soat súng đạn mới có lẽ ở chỗ khi phe phản đối luật này rất kiên định với niềm tin cố hữu của họ thì phe ủng hộ dường như chỉ tạo được những gợn sóng dư luận sau mỗi vụ bạo lực súng đạn xảy ra.
Chiến thuật của NRA là “để lâu cứt trâu hóa bùn. Họ đợi những gợn sóng dư luận đó tan đi bằng cách trì hoãn những nỗ lực sửa đổi luật cho đến khi sự chú ý bị dồn sang vấn đề khác.
Những chính trị gia vốn ủng hộ sở hữu súng đạn cũng chia sẻ đau thương và dành phút im lặng cho nạn nhân các vụ xả súng, để rồi những nỗ lực thay đổi luật súng đạn cũng chìm vào sự im lặng đó.
Liệu điều đó có thể thay đổi? Theo một thăm dò dư luận trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, súng đạn là một vấn đề quan trọng đối với cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng 2 ngày sau vụ xả súng ở Las Vegas, Tổng thống Donald Trump cho biết, các chính trị gia “sẽ bàn đến luật súng đạn trong thời gian tới”. Và khi thời gian trôi đi, e rằng câu chuyện súng đạn ở Mỹ lại trở về vạch xuất phát./.
Theo BBC/VOV
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…