Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 10:13

An ninh lương thực toàn cầu “nóng” lên trước các lệnh cấm xuất khẩu gạo

Vấn đề an ninh lương thực toàn cầu tiếp tục nóng lên khi Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga vừa thông báo về việc cấm xuất khẩu gạo.

Cấm xuất khẩu gạo ở một số quốc gia

Ngày 29/7, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. Lệnh cấm này không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng như Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo.

Trước thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo của Nga một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo.

Các quốc gia đồng loạt thông báo tạm thời ngưng xuất khẩu gạo nhằm ổn định thị trường nội địa.

Hiện cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của hai quốc gia này khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm chao đảo. Bởi, trước đó một tuần, Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới - thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường.

Các chuyên gia đánh giá, việc tạm ngừng xuất khẩu của UAE và Nga chủ yếu có tác động dây chuyền về mặt tâm lý, ít ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới nói chung. Tuy nhiên, những hành động trên cũng cho thấy thực tế trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung và giá gạo đang có nhiều biến động.

Lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu

Nguồn cung gạo được dự báo căng thẳng hơn khi El Nino diễn ra trên toàn cầu, trong đó nhiều khu vực trồng lúa ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng, sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh.

Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - cũng lo ngại sản lượng gạo trong năm nay có thể giảm vì nhiều vùng trồng lúa xứ chùa Vàng đối mặt tình trạng hạn hán, mất mùa.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho gạo trên thế giới ước giảm 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023; dự kiến năm 2023-2024 còn 170,2 triệu tấn. Dự báo gạo còn thiếu hụt nhiều hơn trong những năm tới.

Gạo cung cấp lương thực cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới. Nguồn cung gạo toàn cầu căng thẳng khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc nhập khẩu, mặc dù giá gạo những ngày gần đây tăng dựng đứng.

Ngày 29/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ lo ngại về tình hình nguồn cung lương thực toàn cầu.

Philippines là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. dự báo, nguồn cung có thể hạn chế vì nhiều bên mua khác cũng tìm đến Việt Nam.

Do đó, quốc gia này đang phải tìm kiếm thêm gạo từ nguồn cung khác để nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu ngày 25/7 từ kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực và động thái này nên được đảo ngược.

Phát biểu trước báo giới, ông Gourinchas cho biết, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao.

“Trong môi trường hiện tại, những hạn chế này có thể làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực ở phần còn lại của thế giới, và cũng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa”, ông Gourinchas nói.

Ông Gourinchas nhận định, giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay. Chúng tôi khuyến khích loại bỏ các loại hạn chế xuất khẩu này vì chúng có thể gây hại trên toàn cầu.

Dự báo giá gạo xuất khẩu có thể lên đến 1.000 USD/tấn

Giới quan sát nhận định, việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam - hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

Nhiều thương nhân quốc tế nhận định, giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Ngay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhiều đối tác đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét”.

Bên cạnh đó, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết, họ vẫn đang tập trung xử lý các đơn hàng đã ký khi hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Một số đơn vị cho biết “gần như vét sạch kho để thực hiện các hợp đồng hiện tại” và buộc phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng để giao tiếp. Do đó, việc ký các hợp đồng mới khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường còn nhiều biến động sẽ đối mặt rủi ro cao.

Chuyên gia gạo trên thế giới ước tính, mức tăng tối thiểu là 50 USD/tấn và có thể lên tới 100 USD hoặc hơn. Cả bên bán lẫn bên mua đều đang đợi xem thị trường sẽ lên cao tới đâu.

Trong khi đó, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hội xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết: “Các nhà xuất khẩu không muốn bán ra vì không biết niêm yết giá nào. Một số thương gia dự đoán giá gạo có thể lên tới 700-800 USD/tấn”.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, giá gạo dự báo còn tăng mạnh. Với nguồn cung gạo trên toàn cầu thiếu hụt lượng lớn, ông nhận định, giá gạo có thể tăng lên ngưỡng 1.000 USD/tấn như thời điểm năm 2008.

Tích trữ gạo như từng tích trữ khẩu trang

Nhiều người Ấn Độ sống ở các nước như Mỹ, Canada và Úc được cho là đang tích cực dự trữ gạo. Nhiều cửa hàng đã phải áp đặt một số giới hạn mua, một số khác lợi dụng thời điểm này để tăng giá. Các cửa hàng Ấn Độ cũng đang lo ngại về việc thiếu nguồn cung cho gạo Ấn.

“Những ngày qua, người ta mua gạo gấp đôi mức bình thường. Vì vậy, chúng tôi phải đặt ra giới hạn”, Shishir Shaima - quản lý cửa hàng MGM Spices Shishir tại khu Surry Hills, bang New South Wales, Úc - chia sẻ.

Cửa hàng của Shaima hiện chỉ cho phép mỗi khách hàng mua một túi gạo 5kg.

Tại Mỹ, tình hình cũng không khá hơn. Cô Ramya, chuyên gia phần mềm người Ấn Độ sống tại thành phố Dallas, bang Texas, cùng nhiều người Ấn Độ khác cũng đang đối mặt với tình thế phải chạy đến mua gạo ngay ở cửa hàng gần nhất khi giá gạo hiện tăng gấp đôi.

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua lấy vài túi như một biện pháp đề phòng mặc dù giá gạo tăng đột ngột”, cô Ramya nói.

Arun Patlolla, chuyên gia phần mềm sống tại bang Virginia, Mỹ phân tích: “Các trang tin tức và thông tin được chia sẻ trong các nhóm (chat) gia đình là nguyên nhân cho sự hoảng loạn. Khi mọi người mua gạo trữ cho 6 tháng, các cửa hàng sẽ hết hàng hoặc sẽ lợi dụng kiếm tiền bằng cách tăng giá”,

Một số cửa hàng tạp hóa Nam Á tại thành phố Toronto (Canada) cũng đã thực hiện hạn chế mua hàng và tăng giá bán lẻ, theo trang CityNews.

Ông Govindasamy Jayabalan, Chủ tịch Hiệp hội Chủ các nhà hàng Malaysia Ấn Độ, cho biết,  đang lo ngại về việc thiếu nguồn cung gạo sẽ khiến một số món ăn tăng giá.

“Chúng tôi đang rất lo lắng về điều này. Hầu hết khách hàng của chúng tôi đến từ tầng lớp có thu nhập thấp. Dù không muốn tăng giá, nhưng tình huống hiện nay đặt chúng tôi vào thế khó”, ông Jayabalan nói.

Shirley Mustafa, nhà phân tích thị trường gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) cho biết: "Các hạn chế xuất khẩu vốn dĩ đã làm giảm niềm tin vào tính đáng tin cậy của thương mại quốc tế… vì vậy, có thể dẫn đến việc các nước nhập khẩu xem xét các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ để đảm bảo nguồn cung".

 

 

Phạm thị Tô lịch
Ý kiến bạn đọc
Top