Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 7 năm 2023 | 10:0

Báo động tình trạng trộm tổ yến và săn bắt trái pháp luật

Tình trạng trộm cắp tổ yến và săn bắt trái phép chim yến theo kiểu tận diệt đã khiến người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi yến bức xúc và lo lắng… Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Nạn trộm cắp tổ yến ở mức báo động

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến lấy tổ ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam phát triển mạnh, bởi nuôi yến khá nhẹ nhàng, chỉ cần đầu tư chi phí xây dựng nhà yến ban đầu, khoảng 3 năm khi yến vào làm tổ thì thu hoạch và không tốn nhiều chi phí về sau. Theo thông tin từ Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 60.000 nhà nuôi chim yến.

Trong đó, tỉnh Tây Ninh  chiếm khoảng 10% số lượng nhà nuôi yến với gần 600 nhà yến được xây dựng. Hầu hết các nhà yến này thường nằm ở các địa điểm xa khu dân cư, không có người trông coi, một số nhà gắn camera trong nhà yến chỉ để theo dõi từ xa.

Đồ nghề và tang vật của một "yến tặc" khi bị người dân phát hiện phải bỏ lại.

Nắm bắt được điểm yếu này, nhiều vụ trộm cắp nhà yến đã diễn ra, các đối tượng thường sử dụng xe máy hoặc thuê ô tô tự lái, di chuyển đến các khu vực có nhà nuôi chim yến. Các đối tượng này theo dõi trước đó, rồi lợi dụng buổi trưa hoặc ban đêm để phá khóa, đột nhập lấy trộm tổ yến và các thiết bị bên trong nhà yến.

Một trong những vụ trộm tại nhà yến gần đây xảy ra tại nhà yến thuộc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn ở phường 3, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), người trông coi nhà đã phát hiện 1 đối tượng đột nhập vào để trộm tổ yến nên trình báo cơ quan Công an.

Tiền Giang có số lượng nhà yến đứng thứ ba cả nước, trên 1.700 căn.

Nhận được tin báo, Công an phường 3  đã khẩn trương điều tổ công tác gồm 3 công an viên đến hiện trường để truy bắt đối tượng. Bị phát hiện và truy bắt, đối tượng đã leo lên nóc nhà yến, sau đó nhảy xuống đất để tẩu thoát.

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ nhiều tang vật mà đối tượng trộm bỏ lại như thang tự chế bằng tre, đèn pin, kìm, thanh sắt ống tròn hàn 1 con dao nhọn ở đầu dùng để cạy tổ yến; một số tổ yến thô chứa trong bao… Tên trộm lấy khoảng 50 tổ yến thô, nhưng do bị phát hiện nên chưa kịp mang đi. Hiện Công an thị xã Cai Lậy đang tiếp tục xác minh, truy bắt.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, cho biết, trộm từng vào lấy tổ yến của doanh nghiệp nhiều lần đến nay chưa bắt được, gây thiệt hại lớn. Trộm vào cạy tổ tơi tả làm hư hao tổ yến; thay vì để yến bay đi mới khai thác, còn trộm vào cạy lấy yến vô tội vạ làm doanh nghiệp mất tiền.

Camera ghi lại hình ảnh tên trộm đột nhập nhà yến của doanh nghiệp Trí Sơn tại Thị xã Cai Lậy.

Trước đó, một vụ trộm tổ yến gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào năm 2022 tại nhà yến của ông Lý Phước Hiếu tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. "Yến tặc" đã đột nhập lấy hơn 600 tổ yến (5kg) trị giá trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, trộm còn làm hư hỏng nhiều thiết bị, trứng yến và làm chết nhiều yến con. Theo ông Hiếu, thủ đoạn của tên trộm là đập bể lam gió, leo vào nhà yến để trộm. Khi phát hiện camera, tên trộm này đã bẻ camera quay xuống đất rồi lấy trộm tổ yến. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, ông Hiếu đã trình báo công an nhưng vẫn không tìm ra tung tích tên trộm tổ yến.

Tại xã Long Giang, Long Phước, Long Chữ (Bến Cầu), cơ quan chức năng ghi nhận xảy ra nhiều vụ đột nhập, trộm cắp gần 2.179 tổ yến và gây thiệt hại tương đương 400 triệu đồng. Những nhà nuôi yến bị trộm đột nhập thường vào các khung giờ vắng người qua lại, các nhà nuôi yến thường nằm cách xa khu dân cư. Đối tượng trộm cắp đã sử dụng dụng cụ bẻ khóa, khoan tường nhà sau đó đột nhập vào trong để thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Công an huyện Bến Cầu nhận tin báo từ Công ty cổ phần yến sào H.Y. (trụ sở ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) về việc một số nhà nuôi yến của công ty ở huyện Bến Cầu bị kẻ gian đục tường đột nhập lấy trộm hơn 2.000 tổ yến thô.

Tình trạng trộm cắp tại các nhà yến khiến nhiều chủ đầu tư tại Tây Ninh thấp thỏm, không yên.

Công an huyện Bến Cầu phối hợp Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh và các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, điều tra, truy xét các đối tượng nghi vấn. Từ những manh mối, chứng cứ tại hiện trường, lực lượng chức năng Công an tỉnh Tây Ninh xác định Nguyễn Bé Tư và Nguyễn Minh Trạng là những đối tượng nghi vấn.

Qua làm việc, hai đối tượng khai nhận, do cần tiền tiêu xài và trả nợ, Nguyễn Bé Tư và Nguyễn Minh Trạng đã bàn bạc đến Tây Ninh để trộm cắp tổ chim yến tại các nhà yến, cả hai đã trộm được 1.165 tổ yến và đem bán ở tỉnh Bạc Liêu được số tiền hơn 80 triệu đồng. Trạng chia cho Tư 29 triệu đồng. Liên quan tới vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

PC02 cảnh báo thủ đoạn và hướng dẫn biện pháp ngăn chặn "yến tặc"

Do trên địa bàn  thường xuyên xảy ra trộmcắp tại các nhà yến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ đầu tư, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an tỉnh Tây Ninh đã ra Thông báo số 16/TB-PC02 nhằm thông tin đến người dân phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp nhà yến trên địa bàn.

Cần làm gì trước nạn yến tặc?

Mặc dù hầu hết các vụ đột nhập đều đã bị điều tra, bắt giữ nhưng PC02 cũng cảnh báo, những hộ dân kinh doanh mô hình nhà yến cần đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp bảo vệ và gắn thêm thiết bị an ninh. Cần lắp đặt camera giám sát, hệ thống còi báo động khi phát hiện người lạ đột nhập, gia cố thêm cửa và tường tầng trệt, chuẩn bị nguồn điện dự phòng (khi các đối tượng cắt điện tổng, hệ thống an ninh vẫn hoạt động).

Nạn "yến tặc" không chỉ gây thiệt hại cho các hộ nuôi, làm giảm khả năng tăng trưởng bầy đàn và sản lượng chim của cơ sở mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành nghề nuôi chim yến đang cực kỳ phát triển tại địa phương.

Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng Ban Kỹ thuật kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội yến sào Việt Nam

Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng Ban Kỹ thuật kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội yến sào Việt Nam cũng khuyến cáo, những khu vực bị trộm cắp thường xuyên nên báo cáo, phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành tuần tra ban đêm. Đồng thời, chủ cơ sở cần lắp đặt thêm hệ thống camera và thiết bị chống trộm từ xa. Những nhà yến có quy mô 500 tổ nên sắp xếp thêm nhân sự bảo vệ, giám sát.

Nhằm góp phần chống “yến tặc” hiệu quả, các hộ nuôi nên thiết lập hệ thống báo động và rào lưới xung quanh để vật nuôi, gia cầm không thể xâm nhập. Ngoài ra, cần gia cố cửa sắt, khóa nhiều lớp và xây dựng tường gạch đôi kiên cố ở khu vực tầng thấp.

Giăng lưới hủy diệt chim yến là hành vi “bất nhân tính”

Không chỉ trộm tổ yến, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn báo động tình trạng nhiều đối tượng giăng “lưới tàng hình” bắt chim trời và bắt cả chim yến để bán như là nghề có thu nhập bất chính khá cao. Các đối tượng này trang bị những tấm lưới có lỗ rất nhỏ, sợi lưới màu trắng, li ti và dài hàng chục mét, giăng mắc trong vườn cây, ruộng lúa có kèm theo máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến. Khi các loại chim trời gồm cả chim yến bay ngang chạm vào lưới sẽ mắc bẫy và không thoát ra được.

Tại một số nơi như huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công có hàng chục tấm lưới giăng bẫy chim trời với chiều dài gần 1.000 mét. Người dân địa phương rất bức xúc vì việc giăng lưới vừa tận diệt tất cả các loại chim cò trong tự nhiên, mất cân bằng sinh thái, còn làm cho mô hình nuôi chim yến thương phẩm bị thiệt hại. Khi phát hiện các trường hợp giăng lưới bắt chim yến trái phép, chính quyền địa phương chỉ áp dụng biện pháp thu gom lưới, buộc các đối tượng cam kết không tái phạm chứ chưa có biện pháp chế tài mạnh tay nên chưa đủ sức răn đe, đẩy lùi nạn trộm yến.

Tình trạng săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt xảy ra ở nhiều địa phương.

Ông Lê Quang Hùng, người nuôi yến tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây bức xúc: Việc bắt chim yến bằng lưới gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế. “Mấy năm rồi, mỗi năm tôi thu hoạch trên 300 kg tổ yến nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ thu hoạch được trên 60 kg tổ yến. Sản lượng giảm do nạn săn bắt, bẫy lưới khiến chim yến nhát bỏ đi hết. Đề nghị cơ quan Công an phải vào cuộc quyết liệt, xử lý hình sự các đối tượng gây ra tình trạng này.

Do đó, các ngành các cấp ở tỉnh Tiền Giang cần có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng săn bắt chim yến, trộm cắp tổ yến để bảo vệ thành quả lao động của người nuôi động vật có giá trị này.

Tương tự, trên địa bàn huyện Thăng Bình và Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cũng xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã giăng những tấm lưới “tàng hình” có sợi rất nhỏ, khó có thể nhìn thấy từ xa. Lưới được các đối tượng săn bắt giăng trên các cánh đồng, rồi bật loa dẫn dụ chim yến dính bẫy.

Những con yến bị sa lưới được các đối tượng phân loại, chim chết sẽ bán vào các hàng quán dưới mác chim sẻ; chim còn sống được bán cho các đầu nậu để bán phóng sinh. Nhiều cơ sở nuôi yến thức khuya dậy sớm để bắt quả tang “yến tặc”, thậm chí từng xảy ra xô xát...

Với những lưới tàng hình thế này thì các loài chim khó thoát. Ảnh: An Thượng

Ông Trần Hữu Long, chủ cơ sở yến sào Đất Quảng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) bức xúc: “Tôi đến chợ để bắt người bán đám chim, quay clip thì bị hất văng hư điện thoại. Tôi giữ xe cũng không được, gọi điện thoại cũng không có người hỗ trợ.

Còn ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hội yến sào Quảng Đà nêu ý kiến: “Vì mưu sinh mà nhiều người săn bắt bừa bãi gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành yến Việt Nam. Cần có những chế tài mạnh tay hơn chứ theo Nghị định 14 chỉ phạt hành chính thì không đủ sức răn đe".

Giá 1 con chim yến được các "yến tặc" bán với giá chỉ khoảng 7 ngàn đồng. Nhưng với cặp chim yến đó, trong điều kiện sống tại các nhà yến thì một năm sẽ cho ra 2 - 3 tổ, thu hoạch tốt thì trị giá tầm 1 - 1,5 triệu đồng. Việc bẫy bắt theo kiểu tận diệt đã gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành yến sào.

Hạt Kiểm lâm trung Quảng Nam cắm bảng tuyên truyền không săn bắt động vật hoang dã tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép chim yến và các sản phẩm từ tổ yến

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung, ưu tiên nguồn lực, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép, trong đó tập trung: tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép;  thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, chim yến trái pháp luật trên địa bàn.

Khẩn trương tham mưu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định vùng nuôi chim yến theo đúng quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định pháp luật về chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm; triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định trong quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ tổ yến, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với việc bố trí nguồn lực và có công cụ kiểm tra, kiểm soát.

Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể và các tiêu chuẩn liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở chăn nuôi; ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu trực tuyến liên quan đến cơ sở nuôi, khai thác và chế biến sản phẩm tổ yến phục vụ giám sát an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.

Chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và các cơ quan liên quan, phấn đấu trong năm 2023 hoàn tất việc đánh giá, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc và xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khác.

Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu thị trường các nước, thúc đẩy giới thiệu quảng bá các sản phẩm tổ yến thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường các nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim yến theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt chim yến trái phép.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, trong đó có chim yến.

Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang các nước./.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top