Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 5 năm 2023 | 23:59

Bạo lực học đường, đừng đổ hết lỗi cho ngành giáo dục!

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường, hậu quả là đã có học sinh quyên sinh, có em thấy sợ hãi mỗi khi đến trường.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do nhà trường không quản lý, giáo dục học sinh đến nới đến chốn. Tuy nhiên, có vụ bạo lực học đường lại do chính phụ huynh gây ra với thầy, cô giáo thì nguyên nhân từ đâu?

“Bạo lực học đường” với cả cô giáo

Những tưởng hành vi bạo lực học đường chỉ xảy ra đối với học sinh trong trường, không ngờ còn xảy ra với cả giáo viên.

Trường Tiểu học Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. ( Ảnh: Website trường Tiểu học Ngọc Khánh.)

Chiều 12/5, đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đang điều tra, xử lý vụ việc cô L., giáo viên khối lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình), bị phụ huynh hành hung. Sự việc diễn ra khoảng ngày 5/5.

Ông T., phụ huynh của em P.A, đã vào lớp hành hung cô L., giáo viên chủ nhiệm. Ngay sau khi nắm được thông tin, công an phường đã đến khống chế, áp giải ông T. lên trụ sở. Cô giáo L. sau đó đi kiểm tra thương tích, song mức độ ảnh hưởng không quá nghiêm trọng. Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an quận Ba Đình điều tra, làm rõ.

Không khó để tìm những thông tin phụ huynh hành hung, hạ nhục giáo viên được đăng tải trên các báo điện tử, chúng ta có thể bắt gặp những bài báo viết như  “Vụ phụ huynh vào trường dọa chém giáo viên, bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi” xảy ra tại Trường tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào ngày 31/10/2022.

Hay bài viết “Phụ huynh đánh giáo viên nhập viện” xảy ra tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An). Đầu giờ học sáng ngày 19/5, khi cô Đặng Thanh Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 Trường TH-THCS Lộc Giang đang đứng lớp thì ông Nguyễn Hồng Phúc, cha của học sinh N.B.N (đang học tại lớp 1/1) đến lớp học. Khi cô Thúy bước ra ngoài xem chuyện gì, ông Phúc bất ngờ dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu cô Thúy.

Bảo vệ nhà trường cùng một số giáo viên đã kịp thời can ngăn và báo chính quyền địa phương. Cô Thúy được đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa cách đó hơn 10km để điều trị vết thương.

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ việc phụ huynh học sinh “bạo lực” với thầy, cô giáo ngay tại trường học được báo chí phản ánh. Người viết bài này tự đặt câu hỏi: “Bạo lực học đường nguyên nhân do nhà trường thiếu sự giáo dục, quản lý đối với các em”, vậy còn “bạo lực học đường từ phụ huynh học sinh với thầy cô giáo thì nguyên nhân từ đâu?”.

Bạo lực học đường do đâu?

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, vấn đề bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân đầu tiên là học sinh. Bản thân học sinh đang trong quá trình phát triển nhạy cảm thì phải rèn luyện sao cho các em đi đúng định hướng.

Hai là nhà trường, làm sao phải giáo dục đi trước, định hướng trước. Làm sao để các em tuân thủ nội quy, quy trình của nhà trường, rèn luyện ở trong chính môi trường của nhà trường rất quan trọng.

Thứ ba là gia đình. Vì sao gia đình lại đổ hết cho thầy cô giáo. Gia đình, con mình học như thế nào mình phải hiểu. Học sinh chịu rất nhiều áp lực, nhiều gia đình con về thi điểm kém thì gây áp lực lên con. Lẽ ra phải động viên con hôm nay con học kém thì mai phải cố gắng lên, đó chính là động lực cho đứa trẻ.

Thứ tư là xã hội. Chúng ta phải công bằng với học sinh và các thầy. Cả xã hội phải có trách nhiệm tập trung vào động viên các thầy, giúp đỡ các cháu, coi đây là một môi trường tạo ra cơ hội để thầy cô và học trò gặp nhau ở một điểm đó là dạy tốt học tốt như khẩu hiệu lâu nay vẫn đặt ra.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này là do yếu tố giáo dục gia đình, khi bố mẹ lao vào làm kinh tế bỏ bê con cái. Bên cạnh đó, mạng xã hội ngày càng phát triển, các em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và những clip ẩu đả, đánh nhau của các bạn học sinh khác được tung lên mạng không được kiểm soát khiến các em học cách hành xử, ứng xử không đúng.

Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như chỉ là chuyện va chạm trong lúc các em học sinh chơi đùa giờ ra chơi, nói xấu nhau, không cho nhau xem bài, thậm chí có cả lý do nhìn thấy không vừa mắt… Tuy nhiên, hậu quả của nó lại vô cùng nặng nề.

Còn Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích: Đối với những gia đình có tồn tại bạo lực, cha mẹ thường xuyên cãi cọ, nặng lời hoặc bố mẹ thiếu hiểu biết, không kiềm chế được đã coi việc đánh đập với trẻ như là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đã buồn bực, lo lắng và trút đòn roi lên đầu con cái. Với những trẻ phải chứng kiến và chung sống với việc gia đình thường xuyên có bạo lực, cãi cọ thì sự ảnh hướng đến sức khỏe và tinh thần của các em là rất lớn.

Từ việc sợ hãi, lo lắng, buồn rầu trước hành vi bạo lực của gia đình các em dần trở thành những đứa trẻ hay cáu giận, nhút nhát, khó hòa nhập với đời sống. Hình ảnh bạo lực gia đình sẽ in dấu trong tiềm thức các em đến khi trưởng thành, làm thay đổi suy nghĩ của các em về ứng xử, các em dễ dàng quen với bạo lực, không ngần ngại sử dụng bạo lực khi có xích mích. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành nghĩ gia đình không còn yêu thương, bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người. Đó là lí do vì sao trẻ có thể sẵn sàng gây ra bạo lực học đường.

Đối với gia đình cha mẹ mãi mê công việc, có quá ít thời gian để trực tiếp quan tâm chia sẻ với con cái cũng có rất nhiều. Cha mẹ chỉ có thể quan tâm đến con bằng việc cung cấp cho con vật chất đầy đủ, chiều chuộng quá đà và giao khoán trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường, giáo viên. Trong khi ngoài xã hội đầy cám dỗ thì trẻ lại được tự do lựa chọn những cách giải trí, vui chơi do thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Trẻ có thể cảm thấy cô đơn, không cần đến sự quan tâm tình cảm của gia đình. Trẻ có thể bị bỏ rơi, xa cách dễ dàng tham gia vào những nhóm bạn xấu, xa đà vào ăn chơi học có những thói quen cư xử sai lệch do thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ. Trẻ thiếu tình yêu thương, gần gũi của gia đình thường tìm đến bạn bè và những trò tiêu khiển. Điều này làm trẻ dễ sa ngã, có thái độ cư xử không đúng mực, cộng với việc học hành không tốt rất dễ dàng để trẻ tham gia vào bạo lực học đường hoặc cổ vũ cho bạo lực học đường.

Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường đang trở thành  vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục, xảy ra rất nhiều học sinh từ mọi lứa tuổi. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho các em để ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường.

Để bạo lực học đường không còn là nỗi lo cho các gia đình và toàn xã hội, thiết nghĩ, trách nhiệm không chỉ có riêng ngành giáo dục, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trách nhiệm ngay từ chính những gia đình, từ người cha, người mẹ, từ chính những việc làm và hành động của mình.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top