Hoạt động chăn nuôi đang tác động không nhỏ đến môi trường sống. Thực tế cho thấy, để chăn nuôi phát triển bền vững thì vấn đề xử lý môi trường cần được thực hiện tốt.
Xử phạt 2 trang trại nuôi heo hơn 400 triệu đồng
Liên quan các dự án chăn nuôi heo tại huyện Hàm Thuận Bắc có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hai trang trại chăn nuôi heo bị xử phạt là Làng Việt Nam tại xã Hồng Sơn và Làng Việt Nam 1 tại xã Hàm Đức của Công ty TNHH Làng Việt Nam, đều nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Cả 2 trang trại đều bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Thực hiện không đúng một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường đất vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày (24 giờ). Tổng số tiền xử phạt là hơn 433 triệu đồng.
Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn buộc Công ty TNHH Làng Việt Nam phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm.
Hai trang trại nuôi heo trên có diện tích hơn 56 ha, quy mô 5.000 con heo nái và 60.000 con heo thịt và tình trạng phát tán mùi hôi dù được địa phương nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Trong cùng diễn biến biến, thời gian vừa qua, hàng chục hộ dân ở thôn Đông Hòa (xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và vùng lân cận rất nhiều lần có ý kiến, kiến nghị đến chính quyền các cấp phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí từ hoạt động chăn nuôi lợn của trang trại tổng hợp Đông Hòa (thuộc Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á).
Khi sự việc nói trên chưa được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng, vào ngày 23.8 vừa qua, hàng chục người dân thôn Đông Hòa, xã Đông Á đã tập trung đông người, đi xe máy thành đoàn kéo nhau lên thành phố Thái Bình - nơi các cơ quan chức năng có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh đặt trụ sở - để phản đối tình trạng ô nhiễm từ trang trại lợn đã diễn ra từ lâu song chưa được xử lý kịp thời.
Chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi là sự ảnh hưởng không hề nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống của con người. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để.
Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.
Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.
Vì vậy, WHO khuyến cáo phải có các giải pháp tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1...
Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2. Do vậy, hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại).
Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Việc quản lý chặt chẽ, đặc biệt là xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) trong chăn nuôi đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không thực hiện tốt. Do vậy, xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi.
Để đẩy mạnh, khuyến khích sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, đại diện Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đề xuất, thời gian tới, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất là công nghệ vi sinh, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi. Vì thế, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế. Thứ hai là công nghệ ứng dụng nuôi côn trùng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, một tấn trùn quế (giun quế, giun đỏ) có thể xử lý được 30 tấn phân trong vòng một tháng. Trùn quế làm thức ăn chăn nuôi nhưng chất thải từ trùn quế còn được sử dụng làm phân bón rất tốt cho cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Hoặc có thể nuôi ruồi lính đen-một loài côn trùng hiện đang được sử dụng trong chăn nuôi. Mỗi ki-lô-gam ấu trùng ruồi lính đen có thể xử lý được 10kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân của ruồi lính đen lại tốt cho trồng trọt.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc xử lý các phế, phụ phẩm khác như xương, sừng của động vật sau giết mổ, hay vấn đề ô nhiễm không khí... cũng cần được quan tâm hơn nữa trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi chứ chưa tập trung đến việc xử lý tất cả phế, phụ phẩm trong ngành chăn nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc cũng lưu ý việc sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường rất cần có tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá về lĩnh vực chăn nuôi, sớm công bố rộng rãi, kịp thời các tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi, đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp. Bộ NNPTNT cần đối thoại với doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để nắm bắt thông tin và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn. Cơ quan, doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.