Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 8 năm 2024 | 19:54

Bắt giữ gần 2 tấn chân gà chảy nước và bốc mùi tại Lai Châu

Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu vừa liên tiếp bắt giữ hai vụ kinh doanh, vận chuyển chân gà không rõ nguồn gốc.

Lô hàng không nguồn gốc, xuất xứ

Theo đó, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Lai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, thu giữ 1,9 tấn hàng vi phạm.

Qua nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân, vào hồi 17 giờ ngày 9-8, tại khu vực đường giao thông Bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng PC03 (Công an tỉnh Lai Châu) tiến hành kiểm tra lô hàng đang để trên đường giao thông cạnh cổng nhà ông Lý Văn Mìn gồm 30 bao tải dứa màu trắng được phủ bạt màu xanh.

Chân gà đã qua chế biến đang chảy nước và bốc mùi hôi thối.

Trên các bao tải chứa đựng đều không có nhãn hàng hóa, không có thông tin căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa bên trong là chân gà đã qua chế biến có tổng trọng lượng 930 kg, trị giá ước tính là 23,2 triệu đồng.

Quá trình làm việc xác minh, chủ sở hữu là ông Lý Văn Mìn tại thời điểm khám không xuất trình được giấy tờ, tài liệu, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đội QLTT số 4 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Tiếp đến, ngày 10/8, tại Thị trấn Phong Thổ, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng PC03, Đội Cảnh sát Giao thông số 1 thuộc Phòng PC08 (Công An tỉnh Lai Châu) tiến hành khám xe tải nhãn hiệu Hino mang BKS: 24H-018.44.

Tại thời điểm khám, phát hiện trên thùng xe tải hàng hóa gồm 1 tấn chân gà đã qua chế biến đựng trong 36 bao tải dứa đang chảy nước và bốc mùi hôi thối. Trị giá hàng hóa ước tính là 25 triệu đồng.

Cùng với đó, ông Nguyễn Đức Tới là lái xe kiêm chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra. Đội Quản lý thị trường số 4 tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Cần phải có chế tài mạnh để xử lý các vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.000 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2022, cho thấy, tình trạng vi phạm ATTP ngày càng đáng báo động.

Một điều dễ dàng nhận thấy là hễ cứ sau mỗi vụ ngộc độc thực phẩm xảy ra, là các ngành chức năng lại vào cuộc. Các đoàn kiểm tra liên ngành lại ngay lập tức được thành lập và tổ chức kiểm tra ngay đơn vị vi phạm, rồi kết luận và ra quyết định xử phạt. Nhưng tất cả “đâu lại vào đấy” các vụ ngộ độc vẫn xảy ra, nhẹ thì tiêu chảy, nặng thì dẫn đến tử vong. Người tiêu dùng luôn bất an nhưng không biết làm cách nào để tránh, còn việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối trong quá trình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vẫn bị xem nhẹ và coi thường.

Thực phẩm bẩn vẫn đang hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý thực phẩm bẩn chưa được như kỳ vọng, chưa đủ sức răn đe. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, ý thức một bộ phận người dân còn dễ dãi trong lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm…Vì thế, rất cần phải có những chế tài thật mạnh để xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó vẫn cần phải có những biện pháp, hình thức tuyên truyền để người dân biết cách bảo quản thực phẩm, tự bảo vệ sức khỏe của gia đình mình trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên cao.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top