Thời gian gần đây, các bệnh viện vùng ĐBSCL liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng và dự báo khả năng thiếu thuốc điều trị khi dịch tăng cao vào tháng 7-9 tới. Trước diễn biến phức tạp của bệnh nhiều khuyến cáo về cách phòng ngừa, điều trị khi trẻ bị mắc đã được đưa ra.
Ca mắc tăng nhanh và nỗi lo thiếu thuốc điều trị
Từ khoảng 1 tháng trở lại đây dịch bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL có chiều hướng gia tăng nhanh về số lượng. Thông tin từ các bệnh viện, sở y tế, những năm gần đây cứ đến mùa này dịch có xu hướng gia tăng. Ngày 16/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, diễn biến bệnh tay chân miệng hiện tương đối phức tạp, từ tháng 5 số ca tăng cao lên đến 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Số ca tăng mạnh khoảng 2 tuần nay, đã có thêm 390 ca mắc, trong đó 80 ca điều trị nội trú. Bệnh viện đã ghi nhận 1 trường hợp độ 4 tử vong, 5 trường hợp nặng độ 3 đã được chuyển tuyến trên tại TP. HCM.
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng nhanh ở một số tỉnh ở ĐBSCL.
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, hàng năm cứ đến mùa này bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Thời gian qua, lực lượng bên hệ thống CDC đang ráo riết tiến hành các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân nắm để phòng ngừa. Giai đoạn này các em học sinh đang nghỉ hè nên sẽ giảm được tình trạng lây lan theo nhóm giữa các em với nhau…
Không chỉ riêng Cần Thơ, tình hình dịch tay chân miệng ở các tỉnh ĐBSCL hiện vẫn đang tăng. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, tuần qua, địa phương ghi nhận 75 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay là 485 ca. Trong đó, không có xảy ra trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng. Tình hình dịch tay chân miệng ở An Giang cơ bản ổn. Tuy nhiên, dự báo khả năng thiếu thuốc điều trị khi dịch tăng cao vào tháng 7,8,9.
Tại tỉnh Đồng Tháp, số ca mắc cũng đang có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 ca, tăng 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi tuần gần 70 ca. Ngoài ra, tỉnh đã xử lý 24 ổ dịch, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong tổng số ca mắc đa phần ghi nhận độ 1 và 2 thể nhẹ, tuy nhiên vẫn ghi nhận các trường hợp có phân độ lâm sàng nặng. Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, trong 5 tháng đầu năm 2023, địa phương ghi nhận hơn 332 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca.
Bà Đỗ Thị Yến, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết, trong thời gian gần đây bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, gần đây bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca độ nặng, tăng nhiều so với cùng kỳ. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 2 ca độ 4, bệnh nhân viêm phổi nặng phải lọc máu, thở máy. Trong đó, có một ca đã khỏi bệnh và xuất viện.
Khoảng 60% bệnh nhân mắc bệnh là trẻ em.
Bên cạnh số ca đang có xu hướng tăng thì các bệnh viện lại lo ngại có thể thiếu thuốc để điều trị. Chia sẻ về khó khăn trong việc bổ sung thuốc đặc trị Immunoglobulin đang bị cạn dần, ông Trần Văn Dễ, Giám đốc bệnh viện Nhi Cần Thơ cho biết, đây là thuốc đặc trị phải nhập nếu mua ngoài rất đắt trong khi số lượng không nhiều. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Sở Y tế, Sở cũng đã báo cáo, kiến nghị lên Bộ sớm phân bổ thuốc. Hiện Bệnh viện cũng đã có những phương án dự trù thiếu thuốc điều trị trong những ngày tới…
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, hiện tại một số bệnh viện cũng lo lắng về tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, đây là loại thuốc đặc trị phải nhập từ nước ngoài nên chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị lên Bộ Y tế có hướng tăng cường nhập khẩu thuốc này để phân bổ về cho bệnh viện.
Ngành Y tế Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (để điều trị từ độ 2b trở lên) đã “cạn kiệt” và vẫn đang phải chờ Bộ Y tế phân bổ về.
Đưa ra nhiều khuyến cáo
Trước thực trạng dịch có xu hướng gia tăng, BS Phạm Hồng Trinh, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, bệnh tay chân miệng thường lây qua đường tay, chân, ăn uống và những bé từ 3-5 tuổi rất dễ mắc bệnh do các bé. Phụ huynh cần phải chú ý theo dõi sát các bé, vệ sinh tay, chân, miệng, ăn uống sạch sẽ. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đưa đến khám ở những cơ sở y tế gần nhất.
PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1 cho biết, trong khoảng 1 tháng gần đây, các BV tuyến tỉnh ở ĐBSCL đã tiếp nhận các bệnh nhi tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch (độ 3, 4). Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn từ xa cứu nhiều bệnh nhi nặng vì chuyển viện rất nguy hiểm.
Các bậc phụ huynh cần chú ý bệnh đã bắt đầu vào mùa, đặc biệt có sự xuất hiện của Enterovirus 71 (EV71) là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời, PGS-TS Phạm Văn Quang nói.
PGS-TS Phạm Văn Quang lưu ý, bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi có kèm dấu hiệu giật mình chới với. Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Về cách phòng ngừa, các bác sĩ cũng khuyến cáo. Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,...) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa. Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng.
Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng như trên.
Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng. Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.
Bộ Y tế ra công điện khẩn
Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng đang tăng tại một số tỉnh, thành, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường công tác điều trị bệnh.
Theo đó, để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh tay chân miệng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; kiểm tra đánh giá về nhân lực cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, thuốc hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Các đơn vị tăng cường theo dõi người bệnh đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, để phát hiện điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Các Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện; phân tuyến điều trị; tổ chức sàng lọc phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức ở tuyến tỉnh.
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng; công tác truyền thông; bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị. Giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.