Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xác định nhiều nhà xuất khẩu fillet cá tra từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ; cuộc điều tra diễn ra từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/7/2023.
Cấp đông sản phẩm cá tra fillet xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Bộ Thương mại Mỹ vừa thông báo không có tình trạng sản phẩm fillet cá tra đông lạnh của Việt Nam bị bán dưới mức giá bình thường tại Mỹ; đồng thời cho biết 8 công ty Việt Nam xuất khẩu loại sản phẩm này sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá từ phía Mỹ.
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra hành chính nhằm xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với fillet cá tra đông lạnh của Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/7/2023 (POR20).
Kết luận của Bộ Thương mại Mỹ cho biết 8 công ty xuất khẩu cá tra của Việt Nam bao gồm Thủy sản Biển Đông, Vĩnh Hoàn, Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, Thủy sản Đại Thành, Thủy sản Đông Á, Hùng Cá 6, Nam Việt và Thủy sản NTSF, sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá. Một kết luận chính thức sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/9 vừa qua.
Theo số liệu do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra từ Việt Nam. Trong tháng Tám vừa qua, thị trường này đã nhập khẩu hơn 35 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái./.
Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.