Không chỉ loài chó Pitbull mà trên thực tế có rất nhiều loại chó dữ hiện nay do sở thích đã được người dân đưa về nuôi và thường được thả rông ở nơi công cộng. Chỉ khi xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc thì mới cảnh tỉnh một phần nhỏ ý thức của người nuôi chó.
Những vụ việc thương tâm từ chó dữ
Nuôi thú cưng là sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, nếu chủ nuôi không có kiến thức cơ bản, hiểu và thực hiện đúng các quy định về chăm sóc, quản lý vật nuôi thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích, thậm chí là gây tử vong cho người khác cũng như chính bản thân.
Mới đây nhất, tại Quảng Bình đã xảy ra một vụ việc rất thương tâm, cháu N. G. H. (SN 2020, ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã tử vong sau một tháng bị chó cắn.
Nam sinh bị chó dữ tấn công, nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể.
Cháu H. bị chó của gia đình nuôi cắn vào vùng mặt. Sau đó, cháu được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa để khám. Tối 20/5, cháu H. lên cơn co giật, nói nhảm và có biểu hiện cào cấu, cắn người chăm sóc, nói sảng,.. nên được chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Đến tối cùng ngày, cháu H. đã tử vong. Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chẩn đoán, cháu H. tử vong do bệnh dại.
Hay là vụ việc đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, người mẹ già bị chó Pitbull nặng hơn 40 kg của con gái cắn tử vong tại Bình Dương. Cụ thể, khoảng 19h ngày 17/5, con gái của bà Đ.T.V (82 tuổi, ngụ P. Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dẫn chó Pitbull ra ngoài cho ăn. Lúc này, bà V. đang ngồi trên võng (cách vị trí ăn của con chó khoảng 15 m) nói lớn tiếng vọng ra ngoài.
Con chó Pitbull tấn công bà cụ 82 tuổi tử vong được nhốt ở trong lồng sắt.
Nghe tiếng bà V., con chó Pitbull hoảng loạn, xông lại tấn công bà V. Do lớn tuổi, bà V. không thể chống đỡ được sự hung dữ của con chó. Con gái bà V. cũng chạy lại kéo dây xích kéo chó Pitbull ra xa mẹ nhưng cũng không ngăn cản được.
Công an TP. Dĩ An xác định trong khoảng 2 phút, con chó Pitbull đã cắn xé làm bà V. tử vong tại chỗ.
Tương tự, vào tháng 7 năm ngoái, tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) bé trai 8 tuổi là P.N.T.T trong lúc sang nhà bà nội chơi thì bị con chó pitbull nặng hơn 30kg xích gần đó bất ngờ tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ bé. Mọi người lao vào đuổi đánh con chó, lôi cháu bé ra khỏi miệng nó và đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng bé T. đã tử vong do vết thương quá nặng.
Còn rất nhiều vụ việc chó tấn công người xảy ra trong thời gian qua, gây phẫn nộ trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại huyện Yên Lập, Phú Thọ, bé trai Đ.Đ.G (23 tháng tuổi) cũng bị chó của gia đình cắn rách da, chảy máu vùng đầu cổ mặt phải đi cấp cứu.
Một nạn nhân ở Long An nhập viện vì chó pitbull cắn.
Tiếp đến là vụ xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu) khi bà N đang cắt rau trong vườn thì bị chó nuôi của nhà tấn công. Hậu quả bà N. bị đa vết thương phần mềm phức tạp. Nhiều vết thương rất sâu trên khắp cơ thể, từ lưng, cẳng tay, cánh tay, đùi, chân… dẫn tới mất máu nhiều, nguy hiểm tới tính mạng. Rất may bà N. được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời, hiện an toàn.
Tương tự, anh Nguyễn Anh Tim (SN 1991, Sơn Động, Bắc Giang) đang cùng con gái chơi với chú chó nhỏ ở hiên nhà. Khi anh Tim vừa quay lưng đi vào nhà thì một con chó của hàng xóm lao tới. Thấy vậy, bé gái sợ hãi chạy vào nhà gọi người lớn.
Con chó dữ cắn xé chú chó nhỏ ngay trước mặt bé gái. “Con gái tôi quá hoảng sợ khi chứng kiến chú chó nhỏ yêu thích bị cắn chết ngay trước mắt. Tôi không dám hình dung nếu con chó đó lao vào tấn công con gái tôi thì mọi chuyện sẽ ra sao”, anh Tim chia sẻ.
Loài động vật có bản năng hoang dã và hung dữ tự nhiên
Là người yêu chó và có thâm niên nhiều năm huấn luyện đào tạo các loài thú cưng, anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm huấn luyện vật nuôi làm thú cưng quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, chó pitbull có bản năng hoang dã và hung dữ tự nhiên. Trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì pitbull xếp số 1. Ban đầu người ta lai tạo giống chó pitbull thành loài chó chiến, phục vụ những cuộc đấu đẫm máu. Nhờ có thân hình vạm vỡ, bộ hàm khỏe, bản năng sát thủ mạnh mẽ và can đảm, chó pitbull được sử dụng để chọi chó và tham chiến ở các môn thể thao máu lửa.
Nó rất hiếu chiến, gan lỳ với sức mạnh cơ thể to lớn, trọng lượng trung bình từ 30-40kg, cao từ 45-55cm, hàm răng sắc nhọn. Cơ hàm chó pitbull có cấu tạo đặc biệt, vì vậy khi nó đã cắn đối thủ thì không dễ nhả ra. Cơ hàm cực khỏe giúp nó cắn và giữ chặt không cho đối phương thoát. Vết thương do chó cắn để lại sẽ rất sâu và rộng vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn. Một đặc điểm chúng ta cần lưu ý khi vô tình tiếp xúc với loài chó này là chúng có tập tính lãnh thổ cao, tấn công bất cứ đối thủ nào đi vào vùng của chúng. “Bản thân tôi chưa từng khuyến khích nuôi chó pitbull và trung tâm của tôi cũng không huấn luyện hoặc mua bán loài chó này. Nó là sát thủ tiềm tàng hơn là một người bạn trung thành”, anh Thành khuyến cáo.
Anh Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm huấn luyện vật nuôi làm thú cưng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo không nên nuôi và làm bạn với chó pitbull
Ngay cả những người yêu thích chó cũng lên tiếng phản đối việc nuôi chó pitbull và huấn luyện làm chiến binh của một số người chủ. Anh Nguyễn Chiến Thắng, chuyên viên chăm sóc vật nuôi tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh nhận định, phần lớn những vụ việc đau lòng xảy ra khi người nuôi không có nghiệp vụ nuôi chó, nuôi rất phản khoa học, cho ăn đồ sống, cắn giẻ rách, kích động tấn công vô tội vạ…
Một bộ phận người nuôi chó nói rằng, đó chỉ là cá biệt, là tai nạn hy hữu để biện minh cho sở thích nuôi chó pitbull của mình. Họ thờ ơ và vô cảm trước những cái chết thương tâm, trước nỗi đau, sự ám ảnh của nạn nhân và những người chứng kiến. Nuôi chó pitbull cũng giống như nuôi hổ vậy, rất nguy hiểm nhưng chính quyền lại chưa có biện pháp mạnh dẫn đến rất nhiều vụ chó tấn công và cắn chết người. Nhiều người vẫn cố tình nuôi loài chó nguy hiểm này, con nào càng nuôi nhốt thì nó càng hung dữ và sẽ dễ tấn công người lạ khi được tự do.
Đã có trường hợp một con chó pitbull cắn chó khác mà cả chục người vào đá đấm, lấy gậy đập vào người nó, xịt hơi cay, dùng dụng cụ chích điện... mà vẫn không ăn thua. Mãi khi có người cầm chân lôi nó ra, kéo giật đủ kiểu mới ngăn được con vật hung tợn... Thế nên, anh Thắng cho rằng phải cấm nuôi chó pitbull. Đồng thời cần có quy định cấm thả rông chó ngoài đường. Chó, mèo dại cắn gây chết người thì chủ cũng phải chịu tội ngộ sát, phải bị xử lý hình sự. Như vậy, mọi người mới có trách nhiệm, không vì sở thích của bản thân mà gây hại cho người khác".
Ông Dương Tất Thắng chia sẻ về vụ việc chó pitbull cắn chết người vừa qua.
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, trước mỗi sự việc chó pitbull cắn chết người, là người phụ trách ngành chăn nuôi ông cảm thấy rất đau lòng. Hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định cấm nuôi chó pitbull. Cục Chăn nuôi đang xây dựng một thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó mèo, để ban hành trong khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu 2024. Thông tư này Cục sẽ dự thảo đưa các loài chó dữ như pitbull vào danh mục kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, việc này cần được bàn bạc kỹ lưỡng với nhiều cơ quan chuyên môn, với mong muốn kiểm soát được loài chó dữ như pitbull, từ đó đi đến triệt tiêu mối nguy hiểm cho cộng đồng từ loài chó.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Người nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Khi nuôi chó phải chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định. Chủ nuôi chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Hiện nay, ở Việt Nam đang có một số người nuôi các loài "chó chiến", chó dữ như Pitbull, ngao Tây Tạng… Các chủ chó không quản lý chặt chẽ, dẫn đến chó cắn người, khiến dư luận bức xúc. Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ có ý kiến để bổ sung các quy định quản lý các đối tượng "chó chiến", chó dữ, nhằm quản lý chặt chẽ hơn, góp phần giảm thiểu tình trạng chó cắn chết người và những rủi ro đối với người tiếp xúc, kể cả chủ chó. |
Cần có quy định về nuôi chó dữ ở Việt Nam?
Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng do chó Pitbull và các giống chó dữ (Rockweiler, Doberman, ngao Tây Tạng,... ) gây ra, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.
Do tính chất nguy hiểm của chúng, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm nuôi nhốt hoặc có những quy định để hạn chế người dân nuôi tự phát những loại chó này.
Theo Tuổi trẻ, có khoảng 39 quốc gia hoặc một số tỉnh/bang của quốc gia cấm nuôi chó Pitbull như Argentina, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Ukraine,…
Săn bắt chó thả rông chỉ là biện pháp tức thời, về lâu dài cần phải có các quy định nghiêm ngặt quản lý loài vật này.
Mặc dù Pháp luật Việt Nam không cấm người dân nuôi chó. Vì thế, có nhiều người chọn nuôi các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư.
Ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nếu người nuôi chó không chấp hành các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể phạt hành chính. Thậm chí, nếu để chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi chó có thể bị xử lý hình sự”.
Ngoài ra, ông Minh cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi giống chó hung dữ ở khu đông dân cư. Nếu có nuôi chó thì người dân chỉ nuôi ở trong khuôn viên gia đình mình.
Có quy định nhưng chưa đủ sức răn đe
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X), chó là một loại vật nuôi cần được quan tâm và để ý khi đưa ra các khu vực công cộng hay kể cả việc nuôi trong nhà. Khi để xảy ra tình trạng chó dữ tấn công người trách nhiệm đầu tiên thuộc về người nuôi khi đã thiếu ý cộng đồng, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác, không tuân thủ quy định về quản lý vật nuôi.
Trên thực tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến cáo để người dân có nhận thức đúng đắn về việc chăn nuôi thú cưng, đặc biệt là khi nuôi chó thì phải khai báo với chính quyền địa phương, đồng thời phải tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ cũng như nuôi nhốt đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
Theo luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X).
Có thể kể đến các chế tài xử phạt đối với việc chủ nhân của vật nuôi khi lơ là việc trông chó trong các văn bản pháp luật như là Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự hay trong Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT...
Tuy nhiên có thể thấy rằng các quy định này chưa thực sự đủ sức răn đe đến chủ của các vật nuôi. Chỉ khi đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc thì mới có thể cảnh tỉnh một phần nhỏ ý thức của mỗi cá nhân nuôi chó.
Chính vì vậy, việc thắt chặt hơn các quy định và đưa ra những giải pháp cứng rắn để ngăn ngừa những hành vi lơ là trong ý thức của người nuôi chó đặc biệt là các loại chó dữ là rất cần thiết.
Chủ nuôi có thể bị án tới 12 năm tù nếu để chó cắn chết người
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Trong trường hợp chó không rọ mõm cắn chết người hoặc gây thương tích cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật hình sự.
"Mức hình phạt đối với chủ chó có thể tới 5 năm tù (nếu 1 người chết) hoặc đến 12 năm tù (nếu 3 người chết trở lên). Bên cạnh đó, chủ chó còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị chó cắn. Đây là quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự", Luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh.
Nhận diện và cách tự bảo vệ khi bị chó tấn công
Làm thế nào để nhận biết chó chuẩn bị tấn công? Theo huấn luyện viên dạy chó tại nhà Đồng Minh Toàn, các vụ tấn công liên quan đến chó thường chia thành 2 giai đoạn trước và sau khi tấn công.
Có thể nhận biết các dấu hiệu trước khi bị chó tấn công. Nếu thấy chó có các hành vi như nhe răng, gầm gừ hoặc xù lông cổ, quặp đuôi vào bụng, mắt nhìn không bình thường (trợn mắt hoặc lấm lét nhìn) thì người đối diện phản cảnh giác bởi đây chính là các dấu hiệu chó chuẩn bị tấn công.
Đặc biệt cảnh giác, chú ý cao độ nếu bắt gặp pitbull (và các loài chó to) thả rông, không rọ mõm xuất hiện tại nơi bạn đi qua. Nếu chó gầm gừ, nhìn chằm chằm và bắt đầu sấn lại gần, cần giữ bình tĩnh. Kiếm một vật khiến bạn trông cao lớn hơn như áo khoác, bạt, gậy gộc... rồi hướng ra trước mặt. Khi đó, cần duy trì tư thế phòng thủ và từ từ lùi lại tạo khoảng cách. Tuyệt đối không quay lưng bỏ chạy, điều này sẽ kích hoạt bản năng săn đuổi ở chó, khiến chúng lao tới tấn công bạn ngay lập tức.
Chó có các hành vi như nhe răng, gầm gừ hoặc xù lông cổ, quặp đuôi vào bụng... cần thận trọng.
Để hạn chế trường hợp chó tấn công, anh Toàn cho biết với những giống chó săn có bản tính hung dữ, người chủ phải trang bị rọ mõm và xích lại để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu trong trường hợp chó tấn công người, người giải cứu có thể giữ chân 2 chân sau của con chó thật chắc rồi giật, vật chó lại ra đằng sau để chó bị hoảng và không tấn công người nữa.
Trong trường hợp con chó vẫn lao tới tấn công, quật ngã bạn - bộ phận mà chúng sẽ nhắm vào trước tiên là mặt và cổ nạn nhân. Trong tình huống này phải thật bình tĩnh, không được hoảng loạn, quan sát nhanh chó và xung quanh tìm vật hoặc người hỗ trợ. Hãy làm mọi cách để che đầu và cổ cũng như ra sức đạp vào cổ chó, la lớn kiếm tìm sự giúp đỡ.
Tuyệt đối không bỏ chạy, không vừa chạy vừa ngoái lại nhìn, không nhìn vào mắt chó, đánh lạc hướng chó bằng các vật khác (ném thức ăn, đồ chơi, chai lọ nhựa… ra xa để chó đuổi theo) và di chuyển chậm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS Việt Nam, điều đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, không nên hoảng sợ mà bỏ chạy, vì chó có tập tính săn mồi nên càng bỏ chạy càng kích thích tập tính của chó.
"Trường hợp bỏ chạy áp dụng nếu khi trên tay mình có áo khoác hoặc đồ ăn, nếu là áo thì cố gắng tìm cách che đầu chó lại, nếu là đồ ăn thì vứt ra chỗ khác để đánh lạc hướng. Trong thời gian đó bạn có thể chạy đi" - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (PDS)
Lưu ý thứ hai, khi bị tấn công thì cần một tay che phần cổ, một tay che bộ phận sinh dục, đồng thời hai bàn tay nắm chặt và đứng nguyên. Phần cổ là nơi tập trung nhiều động mạch và tĩnh mạch chính nên rất dễ bị tổn thương. Nếu trong trường hợp khi đang chạy mà bị ngã thì phải nằm úp xuống, hai tay nắm chặt che gáy, như thế độ sát thương khi bị chó cắn sẽ giảm đi.
Nếu lỡ đã bị chó cắn thì cần cố gắng chịu đựng nằm yên vì chúng có thể chỉ cắn một đến hai cái rồi bỏ đi, nếu càng chống cự chúng sẽ càng cắn mạnh và hung hăng. Thậm chí nếu chống cự khi bị chó cắn có thể sẽ làm cho vết thương nghiêm trọng hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng điều quan trọng nhất sau khi bị chó cắn là làm sạch vết thương, dùng bông và nước sạch nhẹ nhàng rửa để vệ sinh ban đầu vết cắn. Tiếp đó dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn y tế hoặc nước ôxy già để loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.
Sau khi rửa sạch vết thương, nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Trường hợp vết thương lớn quá thì cần phải đến ngay bệnh viện để được xử lý và tiêm phòng dại.