Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2024 | 12:36

Cần kiểm soát chặt khi nhập khẩu "gà già, gà thải"

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc nhập khẩu thịt gia cầm được đảm bảo chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn.

Nền chăn nuôi đáp ứng được nhu cầu của người dân

Trả lời báo chí về việc thời gian qua, lượng thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam tăng, đặc biệt là "gà thải" và với việc nhập khẩu như vậy có đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh hay không; ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia cầm trong nước như thế nào?

Trả lời vấn đề trên, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết nước ta có nền chăn nuôi rất phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Việt Nam có tổng đàn gia cầm khoảng 600 triệu con và trứng gia cầm năm 2023 khoảng 19,2 tỷ quả. 

Lực lượng chức năng Tràng Định, Lạng Sơn kiểm đếm số hàng xuất lậu. Ảnh: Q.T

Theo ông Thắng, hiện nay, chúng ta gia nhập 19 hiệp định thương mại sâu rộng trên thị trường thế giới nên có việc nhập khẩu gia cầm. Song việc này không ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia cầm trong nước. Việc nhập khẩu thịt gia cầm được đảm bảo chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn.

"Chúng ta có tổng đàn gia cầm rất lớn, nhu cầu rất lớn, khi vào sân chơi lớn phải chấp nhận chia sẻ với các nước trong khu vực cũng như quốc tế", ông Thắng nói và cho biết thêm, trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển có loại "gà già" và loại gà này vẫn được bán trên các kệ hàng thực phẩm, có giá rẻ hơn. 

Loại gà này khi được nhập về Việt Nam đều được kiểm duyệt chặt chẽ về chất lượng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tham mưu với Chính phủ trong việc phòng, chống buôn lậu gia cầm và đạt được những hiệu quả tích cực.

Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Tất Thắng khẳng định ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân. 

Những năm gần đây, chúng ta hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới, các sản phẩm về chăn nuôi như mật ong, lợn sữa, tổ yến, gà chế biến,... được xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu,...Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước nói chung và thế giới nói riêng có những khó khăn nhất định như biến động thị trường, thức ăn chăn nuôi, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...

Đây là những vấn đề cấp bách mà ngành chăn nuôi cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững cần nhiều khía cạnh đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi động vật.

Do đó, xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần phát triển, đáp ứng đồng bộ, sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn,...

Chính vì vậy, chủ đề của Vietstock 2024 là "Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn".

"Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành phát triển, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam", ông Thắng nói.

Phát hiện vụ vận chuyển lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc ở khu vực biên giới

Ngày 7/8, tại khu vực giữa cột mốc 1016/1 và 1016/2 biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc đồi Kéo Đi Mi, Thôn 3, xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn lực lượng chức năng phát hiện 6 người đàn ông đứng cách hàng rào biên giới khoảng 5m, bên cạnh có nhiều bao tải dứa màu nâu. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra xác minh tại hiện trường gồm 38 bao tải chân gà đã qua sơ chế, không có giấy tờ hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có tổng trọng lượng là 1.116 kg.

Tổ công tác đã yêu cầu 6 đối tượng trên cùng phương tiện và toàn bộ tang vật về trụ sở Công an xã Tân Minh, huyện Tràng Định để làm rõ sự việc. Các đối tượng gồm: Trần Văn Thương,Trịnh Văn Định, Triệu Hà Mạnh, Đàm Văn Bắc, Hứa Văn Hoàng, Hứa Văn Anh ( đều trú tại xã Đào Viên và Tân Minh, huyện Tràng Định) khai nhận đã được chủ hàng lạ mặt thuê vận chuyển số hàng hóa trên tập kết tại đây để xuất lậu sang Trung Quốc với tiền công là 1,5 triệu đồng.

Hiện, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lào Cai: Bắt giữ lô hàng hơn 8 tấn trứng gia cầm nhập lậu

Trước đó, ngày 3/8, tại điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung 13BBC09 của Công ty TNHH Logictic 379 (thành phố Lào Cai), Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện xe tải mang biển số 29H-829xx; xe Trung Quốc biển số 0016 - rơ móc A70U vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng với khai hải quan về lượng, tên hàng, chủng loại mà không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định của pháp luật về hải quan về khai bổ sung.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có lô hàng 8.040 kg trứng gia cầm non đông lạnh với tổng giá trị hơn 723 triệu đồng được đóng trong hộp xốp, được ghép chung hàng hóa nhập khẩu không khai báo hải quan vào hàng hóa có khai báo hải quan trên cùng phương tiện vận chuyển.

Lô hàng trên của Công ty TNHH một thành viên nông sản 1986 có địa chỉ trụ sở tại số nhà 033, đường Nguyễn Khuyến, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, do ông Nguyễn Danh Ba làm giám đốc.

Ngay sau khi phát hiện, lực lượng Hải quan đã tiến hành lập biên bản, bắt giữ lô hàng hóa trên và báo cáo Cục Hải quan Lào Cai, Văn phòng Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); tiếp tục xác định tính chất, mức độ vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Giải pháp “trị” tận gốc

Hiện nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.

Tại cuộc họp về vấn đề này mới đây, ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm trong ngành nông nghiệp trước hết thuộc về Cục Chăn nuôi. Buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của Sở NN&PTNT từng địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. “Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thẳng thắn cho biết tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chăn nuôi tăng trưởng từ 3 – 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”.

Hiện nay, ở nước ta, mật độ vật nuôi đang ở mức cao nhất thế giới, dẫn tới tổng cung vượt cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp kiểm soát nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục bấp bênh.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ dantri, thuonghieucongluuan, tienphong...)
Ý kiến bạn đọc
Top