Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2024 | 19:46

Cần phải đảm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Nhiều địa phương hiện đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề bởi những trang trại chăn nuôi hoạt động sai quy định, khiến người dân bức xúc.

Đề nghị thu hồi giấy phép, dừng hoạt động 

Thời gian gần đây, người dân xã Liêm Thuỷ, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) phản ánh tình trạng trại lợn trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường.

Trại lợn người dân phản ánh tại thôn Khuổi Tấy B (xã Liêm Thủy), đi vào hoạt động năm 2023. Sau khi trại lợn này hoạt động, người dân sống xung quanh phản ánh tình trạng mùi hôi, nước thải tràn ra môi trường gây ô nhiễm.

Người dân ở đây cho biết, ngày 1/5/2024 phát hiện dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối từ phía trại lợn theo khe nước chảy về phía dưới. Người dân nghi ngờ dòng nước thải này xuất phát từ trại lợn, vì xung quanh khu vực này không có nhà máy, cơ sở sản xuất.

Đêm 9/5/2024, người dân tiếp tục phát hiện nguồn nước phía dưới trại lợn tiếp tục bị ô nhiễm, dòng nước đen, mùi hôi thối chảy ra môi trường. Gần trại lợn này có khe suối, tuy nhiên từ khi trại lợn hoạt động nguồn nước bị ô nhiễm khiến người dân lo lắng.

Ông Hoàng Văn Chính (xã Liêm Thủy) cho biết, gia đình có ao cá gần khu chứa thải của trại lợn, gần đây xảy ra hiện tượng cá bị chết hàng loạt. Sau khi cá bị chết, phía doanh nghiệp vận hành trại lợn đã hỗ trợ, nhưng về lâu dài nếu không khắc phục triệt để khó có thể tiếp tục nuôi cá.

Bên cạnh nguồn nước bị ô nhiễm, người dân cũng phản ánh mùi hôi từ trang trại lợn ảnh hưởng đến cuộc sống. Một người dân (xin giấu tên) ở thôn Khuổi Tấy B cho biết, vào buổi chiều khi có gió là mùi hôi từ trại lợn tràn vào nhà. Nhiều lúc đang ăn cơm cũng phải bỏ dở vì mùi hôi không thể chịu được.

Trước phản ánh của người dân, UBND huyện Na Rì đã vào cuộc kiểm tra, theo đó trại lợn tại thôn Khuổi Tấy B do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Nông nghiệp vận hành. Trại lợn này đã thỏa thuận chuyển nhượng với người dân hơn 57.000m2 đất, xây dựng trại lợn với quy mô 2.500 con lợn nái và 5.000 con lợn thịt.

Cá của người dân thôn Khuổi Tấy B bị chết do nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong hạng mục bảo vệ môi trường, công ty này đã xây dựng hầm biogas, 2 ao sinh học lot bạt HDPE, trạm xử lý nước thải tập trung và một ao sự cố.

Tuy nhiên, từ năm 2023, qua kiểm tra cơ quan chức năng huyện Na Rì đã phát hiện sự cố rò rỉ nước thải từ hầm biogas. Doanh nghiệp đã thu nước rò rỉ từ hầm biogas vào bể chứa (có lót vải địa HDPE, không có nắp đậy) và lắp đặt bơm nước thải trở lại vào hầm biogas để tiếp tục xử lý.

Đêm ngày 9/5/2024, trời mưa to, lượng nước chảy vào bể sự cố nhiều (bao gồm nước thải rò rỉ từ hầm biogas và lượng nước mưa thu qua cống), do vậy công ty đã không thể thực hiện được việc thu nước thải rò rỉ từ hầm biogas để bơm trở lại qua hệ thống xử lý, dẫn đến nước thải từ bể sự cố tràn ra ngoài môi trường.

Trong công văn số 1464, ngày 16/5/2024 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện Na Rì nhận định doanh nghiệp vận hành trại lợn ở thôn Khuổi Tấy B chưa khắc phục sự cố rò rỉ từ hầm biogas (thời điểm kiểm tra) khiến nước thải chảy ra môi trường. Trại lợn cũng có mùi hôi, thối gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

UBND huyện Na Rì cũng cho biết, trong quá trình hoạt động, nguồn nước giếng khoan không đáp ứng nên công ty đã tự ý ngăn dòng nước suối tự nhiên (nước mặt) để sử dụng vào mục đích chăn nuôi, dẫn đến không đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất của người dân.

Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Nông nghiệp dừng các hoạt động chăn nuôi để khắc phục sự cố rò rì nước thải từ bể biogas đảm bảo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thực hiện nghiêm việc khai thác, sử dụng nước ngầm theo đúng Giấy phép số 2184/GP-UBND ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn cấp, dừng ngay hành vi tự ý ngăn dòng suối để không làm ảnh hưởng đến người dân trong việc sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trường hợp công ty không khắc phục, UBND huyện Na Rì đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đất đai, môi trường theo quy định của pháp luật, đồng thời thu hồi giấy phép và dừng hoạt động.

Hiệu quả từ chuyển đổi phương thức chăn nuôi

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi (CN) gia súc, gia cầm. Thi hành Luật CN năm 2018, thời gian qua, ngành CN của tỉnh không ngừng chuyển đổi phương thức CN, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho người CN và cải thiện môi trường.

Trước đây, CN gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phổ biến là hình thức CN nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thường phát sinh nhiều dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Để ngành CN phát triển, đủ sức chống chịu dịch bệnh diễn biến phức tạp và tránh rủi ro trước sức cạnh tranh trên thị trường, ngành nông nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ, khuyến khích người CN từng bước chuyển dần sang CN tập trung, trang trại quy mô lớn, CN theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và thực hành nuôi tốt- VietGAP. Đồng thời, hình thành các mô hình CN tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng lợi nhuận của cơ sở, hộ CN, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành CN và thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh. CN theo hình thức này giúp người CN vừa tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, chủ động trong tiêm phòng, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển CN theo hướng bền vững hơn.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, từ năm 2020, sau khi áp dụng Luật CN năm 2018 về quy mô trang trại, trên địa bàn tỉnh có 645 cơ sở CN đạt tiêu chuẩn quy mô trang trại. Đến cuối năm 2023, số lượng trang trại tăng lên 1.074 cơ sở. Trong khi đó, CN nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần theo từng năm: năm 2022, số lượng CN nông hộ là 73.974 hộ, đến cuối năm 2023 còn 63.233 hộ (giảm 15%). Đặc biệt, CN trang trại đã và đang phát triển theo hướng CN an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh và có 70 trang trại, trại nuôi gà thịt (sản lượng 7.974 tấn/năm), 9 trại nuôi heo (sản lượng 2.948 tấn/năm) được chứng nhận VietGAP và tương đương. Ngoài ra, CN theo hình thức này còn giúp cho các hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CN giữa các trang trại CN- doanh nghiệp chế biến thức ăn- cơ sở chế biến trong tỉnh được đẩy mạnh, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở CN và nông hộ thuận lợi hơn trong sản xuất. Trong năm 2023, tỉnh có 9 cơ sở nuôi heo và 100 cơ sở nuôi gia cầm liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ với sản lượng 19.500 con heo/lứa và gần 3 triệu con gia cầm/lứa.

Nhằm đảm bảo cho việc chuyển đổi CN theo hướng phát triển bền vững, công tác quản lý và giám sát dịch bệnh CN rất được tỉnh quan tâm. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở; đầu tư phương tiện, thiết bị cho cán bộ nông nghiệp xã và đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng dịch, như: tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung giám sát để phát hiện sớm, khống chế kịp thời không để lây lan diện rộng, kết hợp với đẩy mạnh tiêu độc sát trùng môi trường CN. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.

Các loại bệnh như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm giảm, từ đầu năm 2024 đến nay trong tỉnh không xảy ra bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc. Song song đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động các cơ sở, hộ CN đầu tư xây dựng những mô hình xử lý chất thải, CN an toàn sinh học bảo vệ môi trường khá tốt, đặc biệt là xây dựng công trình khí sinh học biogas, mang lại nhiều lợi ích kinh tế lẫn môi trường. Hiện 1.074 trang trại CN trong tỉnh đa số đều thực hiện các biện pháp xử lý môi trường bằng HPDE, hầm biogas và công trình khí sinh học bằng chất liệu composite, giúp cho người CN an toàn trong công tác phòng, chống dịch được đảm bảo, an tâm trong hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm về vấn đề môi trường. Ở nông thôn trong tỉnh, những hộ CN quy mô tương đối lớn đã xây dựng công trình để sử dụng khí biogas như túi nilon và xây dựng công trình kiên cố bằng gạch xây, bê tông cốt thép.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm CN; vận động người CN sử dụng giống có chất lượng và khai thác, tận dụng triệt để thức ăn tại chỗ, sẵn có để giảm chi phí CN... Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người CN trong phát triển CN, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trong CN gia súc, gia cầm. Hiện, tổng đàn heo của tỉnh hơn 88.300 con; đàn bò hơn 75.000 con, đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng) gần 12 triệu con. Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, tổng đàn vật nuôi trong tỉnh đến năm 2030 là: đàn heo 350.000 con, đàn bò 85.000 con, đàn gia cầm duy trì ở mức 10 triệu con, xây dựng được ít nhất 25 cơ sở CN an toàn dịch bệnh; duy trì và phát triển 5 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm CN… và tiếp tục phát triển CN theo hướng an toàn sinh học, giữ ổn định tổng đàn gia cầm, phát triển CN heo và bò ở mức hợp lý.

Trong quy hoạch này, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình CN gia súc, gia cầm (nhất là heo, gà) đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm tại các huyện: Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ, Trà Ôn, Bình Tân và Vũng Liêm nhằm thúc đẩy hình thức CN theo hướng mới (CN trang trại, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm) phát triển hơn nữa, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất của ngành CN nói riêng, ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung trong thời gian tới.

Hà Nội hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Trong năm 2024-2025, UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho các huyện thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nhằm cải thiện chất lượng môi trường thành phố, giảm phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, Kinh phí của UBND thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện bảo vệ môi trường trong 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Trong trồng trọt, thành phố dự kiến chi khoảng 68 tỷ nhằm cung cấp chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng và mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2024, thành phố sẽ cấp khoảng 6,2 tỷ đồng mua chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng, hỗ trợ cho các huyện/thị xã Mỹ Đức, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai trên diện tích khoảng hơn 5.181 ha.

Ngoài ra, cũng trong năm 2024, thành phố hỗ trợ 27 tỷ đồng để các huyện/thị xã Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Đông Anh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2025, thành phố tiếp tục hỗ trợ 35 tỷ đồng cho các huyện thực hiện bảo vệ môi trường trong trồng trọt.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khoảng 27,8 tỷ đồng sẽ được thành phố bố trí hỗ trợ các địa phương mua chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi.

Trước mắt, trong năm 2024 sẽ thực hiện hỗ trợ tại các huyện: Mỹ Đức, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng cơ sở được hỗ trợ là 341 cơ sở; tổng kinh phí hỗ trợ: 11,731 tỷ đồng.

Sang năm 2025, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ thực hiện chính sách tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm. Dự kiến sẽ có 457 cơ sở được hưởng lợi. Tổng kinh phí hỗ trợ theo ước tính vào khoảng 16,042 tỷ đồng.

Trong nuôi trồng thủy sản, UBND TP Hà Nội sẽ bố trí gần 32,3 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản. Chính sách hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Trong năm 2024, TP dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Quốc Oai. Diện tích hỗ trợ: 1.181ha. Tổng kinh phí hỗ trợ: 17,131 tỷ đồng.

Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên và Gia Lâm. Tổng kinh phí thực hiện chính sách: 15,15 tỷ đồng. Diện tích hỗ trợ: 1.054ha.

UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND TP Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua tại các địa phương trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội.

Ô nhiễm xuất phát từ các nguồn như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi, hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, trong những năm qua, hiện tượng đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch tại các huyện ven đô của Hà Nội gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các huyện/thị xã cũng như các quận nội thành.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, baovinhlong, moitruong...)
Ý kiến bạn đọc
Top