Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo, truyền thông cũng đã thông tin về những vụ ngộ độc do rượu gây ra, tác hại của ngộ độc rượu nhưng sao vẫn còn những vụ ngộ độc rượu xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ngộ độc do uống rượu
Ngày 14/2, thông tin từ UBND xã Quỳnh Thạch (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 5 người phải nhập viện cấp cứu.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An và cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra
Sự việc xảy ra vào chiều tối 13/2 tại nhà ông H.D.Đ (67 tuổi, ở xóm 7, xã Quỳnh Thạch). Theo đó, vào thời điểm trên, một nhóm thợ xây gồm 4 người cùng với con trai chủ nhà tổ chức ăn uống. Các món ăn gồm cá khô, bánh đa, cam, bánh kẹo và rượu.
Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, 5 người tham gia bữa ăn uống xuất hiện triệu chứng khó thở, nôn ói, sùi bọt mép và co giật nên đã được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa H.Quỳnh Lưu.
Sau khi cấp cứu, nhận thấy cả 5 bệnh nhân có chuyển biến nặng nên Bệnh viện Đa khoa H.Quỳnh Lưu đã chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục cấp cứu và điều trị.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết trong số 5 bệnh nhân có 3 bệnh nhân đã tỉnh, còn 2 bệnh nhân là ông N.VS (54 tuổi) và V.V.H (46 tuổi) phải tiến hành lọc máu cấp cứu.
Những nạn nhân này cho biết có uống một mẫu rượu ngâm thân cây nghi là nấm linh chi. Mỗi người uống khoảng 2-3 chén nhỏ, lượng rượu rót mỗi lần hơn nửa chén. Người nhà khai là đã uống nhiều lần và không thấy có bất thường sau khi uống ở những lần trước đó.
Sau khi uống rượu ngâm thân cây nghi nấm linh chi trên, năm người đàn ông tiếp tục uống một rượu khác do ông Nguyễn Bá Hiền (44 tuổi, con rể ông Điền) đưa sang.
Khoảng 3 phút sau, các bệnh nhân lần lượt xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, tím tái, co giật, kích thích.
Về loại rượu ông Hiền đưa sang nhà ông Điền để uống, ông Hiền kể lại rằng mua gói thân lá cây đã chặt nhỏ của đồng bào dân tộc về ngâm với rượu cách đây khoảng 3-4 năm, đến ngày 13/2 mới mang sang nhà ông Điền để uống. Hiện tại cơ quan chức năng chưa tìm được chai rượu này.
Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân của vụ ngộ độc do rượu xảy ra tại đây.
Cẩn trọng khi uống rượu ngâm rễ cây
Đã có rất nhiều vụ ngộ độc do rượu ngâm bằng các loại rễ cây gây ra, nhiều vụ ngộ độc rượu đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho người sử dụng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu ngâm bằng rễ cây là do những rễ cây được ngâm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Rượu ngâm rễ cây không rõ nguồn gốc là nguyên dân dẫn đến ngộ độc
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết: Uống rượu ngâm lá cây, rễ cây không rõ nguồn gốc, người uống dễ gặp phải rủi ro về sức khỏe. Chúng ta cần thận trọng, không nên mua những loại lá, rễ cây để ngâm rượu nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Trong quá trình ngâm có thể lẫn tạp chất, việc bảo quản không đúng cách hoặc khi ngâm lẫn lộn nhiều loại có thể gây tương tác giữa các loại dược phẩm với nhau. Bên cạnh đó, cách bảo quản trong quá trình ngâm rất quan trọng, nếu bảo quản không đúng rất dễ dẫn đến ngộ độc”, BS. Phan Thanh Hải cho biết.
Do đó, người dân không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đồng thời, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Hôn mê, rối loạn nhịp tim, tổn thương não...
Theo các kết quả xét nghiệm của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các mẫu rượu mà bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện thành phần salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để điều trị giảm đau. Tuy nhiên, salicylate có độc tính nhất định, nếu việc sử dụng không bảo đảm về liều lượng, cách dùng. Do đó, khi người dân uống các loại rượu ngâm rễ cây có chứa salicylate một cách “thoải mái”, thì rất dễ bị ngộ độc.
“Ngộ độc salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân xuất hiện biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.
Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nhiều loại rễ, củ cây rừng chứa độc tính cao, có thể dẫn đến chết người.
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có sự chỉ định của các bác sĩ đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp…, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố. Đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn 45-55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, 40-50 độ. Tuyệt đối không được dùng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) không rõ nguồn gốc để ngâm. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu ngâm với rễ hay củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị. Nếu làm như vậy, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.
Để không có những vụ ngộ độc do rượu gây ra dẫn đến hậu quả khôn lường, người sử dụng rượu nói chung và sử dụng rượu ngâm rễ cây, các loại thảo dược khác nói riêng, cần cẩn trọng trước các loại thảo dược ngâm rượu, nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ không được ngâm rượu và sử dụng rượu ngâm rễ cây và thảo dược đó. An toàn tính mạng là trên hết.