Dạy trẻ trồng cây xanh vừa là cách xây dựng tình yêu thiên nhiên vừa tốt cho sức khỏe của bé về sau.
Để bảo vệ trí não thai nhi, mẹ bầu cần tránh không khí ô nhiễm
Ðể thai nhi có sự phát triển tốt nhất, các mẹ bầu thường được hướng dẫn tuân thủ một số điều cơ bản trong thai kỳ, bao gồm ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, kiêng dùng thức uống chứa cồn và caffeine… Mới đây, các nhà khoa học Mỹ vừa bổ sung một khuyến nghị mới - đó là người mẹ cần tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thai kỳ để bảo vệ sự phát triển trí não của em bé.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao trong thời kỳ mang thai có liên quan đến sự phát triển thần kinh kém ở trẻ trong độ tuổi đến trường. Nghiên cứu mới nhất của Ðại học Colorado-Boulder (Mỹ) là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm lúc mang thai và sự phát triển não bộ của trẻ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Cụ thể, các chuyên gia đã theo dõi sức khỏe của 161 cặp mẹ con khỏe mạnh sống ở Southern California. Trong đó, người mẹ cung cấp lịch sử chi tiết về nơi sinh sống trong thời kỳ mang thai, sau đó nhóm nghiên cứu sử dụng Hệ thống Chất lượng Không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ để tính toán khả năng người mẹ tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp, khói cháy rừng và các nguồn ô nhiễm không khí khác. Khi được 2 tuổi, trẻ được kiểm tra sự phát triển thần kinh để đánh giá các kỹ năng nhận thức, vận động và ngôn ngữ.
Kết quả phân tích cho thấy con của những mẹ thường xuyên tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí trong thời gian mang thai có điểm số nhận thức thấp hơn. Những trẻ có mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao nhất khi còn trong bụng mẹ có điểm số đánh giá về phát triển thần kinh thấp nhất, đặc biệt là trong giai đoạn từ giữa đến cuối thai kỳ.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ không khí ô nhiễm gây tổn thương thần kinh là vì chất ô nhiễm mà người mẹ hít vào có thể xâm nhập vào bào thai, kích hoạt hệ miễn dịch, gây viêm quá mức và căng thẳng ôxy hóa - tình trạng cản trở sự phát triển não bộ ở thai nhi.
Lợi ích của môi trường sống gần gũi thiên nhiên
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc không gian xanh đối với sự phát triển và sức khỏe tổng thể của trẻ em.
Trong nghiên cứu công bố gần đây, các chuyên gia Ðại học Exter (Mỹ) đã khảo sát hơn 15.000 người ở 18 quốc gia và phát hiện, việc tiếp xúc với các không gian xanh trong thời thơ ấu có thể mang lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe khi trưởng thành.
Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Ðan Mạch đã tổng hợp thông tin của gần 1 triệu người sinh từ năm 1985-2003, bao gồm sức khỏe tâm thần, nơi cư trú theo thời gian, thu nhập gia đình và tiền sử các bệnh tâm thần, đồng thời lập bản đồ cây xanh xung quanh nhà họ từ lúc sơ sinh đến năm 10 tuổi. Họ phát hiện những người lớn lên gần không gian xanh như công viên và rừng ít có nguy cơ phát triển 16 chứng rối loạn tâm thần khi trưởng thành (như trầm cảm, lo âu và nghiện rượu) so với người không lớn lên trong điều kiện tương tự.
Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha thì phát hiện những trẻ học ở trường có nhiều cây xanh có kết quả kiểm tra nhận thức tốt hơn học sinh ở các trường có ít thảm thực vật xung quanh. Theo các tác giả, không gian xanh mang đến cho trẻ em nhiều cơ hội vận động và giao lưu với người khác - điều rất tốt cho não bộ. Ngoài ra, cây cối cũng giúp loại bỏ không khí ô nhiễm, một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Tuy không phải nhà nào cũng có điều kiện thiết lập sân vườn để con em dễ dàng tiếp cận mảng xanh. Nhưng các nghiên cứu nói trên cũng là động lực để phụ huynh tìm cách nâng cao sức khỏe cho con, bằng cách cho con ra ngoài nhiều hơn để hòa mình với thiên nhiên - dù là đi dạo trong công viên, đi cắm trại hoặc về miền quê chơi.