Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 3 năm 2023 | 14:22

Cần xây dựng vùng trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu người dân

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật nan y mà nhiều người dân hiện nay đang mắc phải, đó là sử dụng quá nhiều rau, củ quả vẫn còn nhiều dư lượng hóa chất trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế, rất cần có những vùng trồng rau xanh thật an toàn toàn cho nhu cầu của người dân.

Có quá nhiều hóa chất tồn dư trong rau củ quả

Trong một cuộc kiểm tra vào giữa năm 2022 của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tại các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện có gần 50% mẫu rau quả ở đây có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép. Đây mới chỉ là kết quả ở TP Hồ Chí Minh, nhìn rộng ra thị trường tiêu dùng thực phẩm trong nước ở các địa phương khác càng đáng lo ngại hơn nhiều.

Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mẫu rau, trái cây

Tồn dư hóa chất trong rau quả ở đây là do người trồng chăm bón và phun các loại hóa chất bảo vệ cây trồng, diệt côn trùng, nhưng thời gian chưa đảm bảo để các hóa chất này phân hủy hoặc không còn tồn dư mà đã đem tiêu thụ.

Trong thực phẩm khác là tồn dư của thức ăn công nghiệp, các chất tạo nạc, hoặc các chất bảo quản khác đối với thủy hải sản được bơm vào với mục đích bảo quản lâu dài, vẫn còn trong sản phẩm nhưng vẫn được đem đi tiêu thụ.

Đã có nhiều vụ việc bơm tạp chất vào tôm, ngâm tẩm hóa chất để tẩy rửa các loại thịt đã bị ôi thiu, sau đó chế biến thành các loại thức ăn chín, đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ và tiêu hủy.

Ai cũng biết việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng các chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu ngoài danh mục trong chế biến, dùng vật liệu gây hại đóng gói, bao bì thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay tất cả loại hóa chất BVTV đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.

Các chuyên gia y tế cho hay, khi sử dụng các loại rau quả tồn dư hóa chất, chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư…

Con số mà các Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra giữa năm 2022 chỉ là con số rất nhỏ, so với thực tế trên cả nước nếu được kiểm tra và công bố công khai. Tuy chỉ là ở TP Hồ Chí Minh nhưng cũng rất đáng báo động cho các cơ quan chức năng ở các địa phương khác làm cơ sở để kiểm tra trên địa bàn của mình, từ đó đề ra những biện pháp xử lý, khắc phục, thậm chí xây dựng vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Cần mở rộng xây dựng vùng nông nghiệp an toàn

Đứng trước thực trạng nhiều rau quả, thịt gia súc, gia cầm có nhiều tồn dư hóa chất và để bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, an toàn.

Chăm sóc rau hữu cơ tại Hợp tác xã Sản xuất rau công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng). Ảnh: Ánh Ngọc

Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) có diện tích 15ha, đã đầu tư công nghệ cao xây dựng mô hình nuôi cá “sông trong ao”, quy mô khoảng 15 bể nuôi. Các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa..., nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao; sản lượng đạt 50-60 tấn/ha/năm. Không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà hợp tác xã còn cung cấp ra thị trường nguồn thủy sản chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại Hợp tác xã Sản xuất rau công nghệ cao Cuối Quý, đã chuyển hướng trồng rau hữu cơ từ năm 2017, trên diện tích 15ha được thiết kế hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại. Nhờ chất lượng sản phẩm rau, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp thực phẩm sạch cho 16 trường mẫu giáo và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố, 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại…

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay, toàn thành phố duy trì vùng sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 5.000ha, trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Có thể nói việc Thủ đô Hà Nội mở rộng vùng nông nghiệp an toàn là một trong những hướng đi mới, vừa phát triển được kinh tế nông nghiệp vừa có trách nhiệm với người tiêu dùng Thủ đô trước tình hình dư lượng hóa chất trong các sản phẩm rau quả không kiểm soát được.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, rất cần các địa phương và người trồng trọt, chăn nuôi, đề cao trách nhiệm của mình đối với sức khỏe cộng đồng trồng. Trong quá trình sản xuất, chăn nuôi không cung cấp ra thị trường sản phẩm còn tồn dư lượng hóa chất.  

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top