Được quảng cáo trên mạng Facebook là giống lúa “siêu” năng suất, “siêu”chất lượng nhưng khi mua về gieo cấy, đến ngày thu hoạch đợi mãi không thấy lúa trổ bông. Nhiều người đã phải ngậm "trái đắng" khi bỏ ra số tiền lớn nhưng sản phẩm nhận được chỉ là giống cây giả, kém chất lượng.
Khốn đốn vì giống lúa kém chất lượng
Thực tế không thể phủ nhận về sự phát triển của các mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích cho xã hội, trong đó có bà con nông dân. Thông qua mạng xã hội, người dân có thể biết đến những mô hình sản xuất hay, những kinh nghiệm quý trong trồng trọt, chăn nuôi… và có thể áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là công cụ mà nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo, bán vật tư nông nghiệp, giống cây trồng kém chất lượng. Hậu quả là “tiền mất, tật mang”.
Đơn cử như tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, qua thống kê, vụ chiêm xuân 2024 có hơn 300 hộ gieo cấy lúa VST-899 với diện tích hơn 20ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Tân Sơn (8,3ha), Lai Đồng (3,28ha), Thu Ngạc (2,8ha), Kiệt Sơn (2,0ha)…Toàn bộ diện tích lúa cấy giống này không có bông hoặc bông bị lép, dẫn đến người nông dân mất trắng mùa, thiệt hại kinh tế.
Cụ thể, theo phản ảnh, bà Hà Thị Bường (82 tuổi) ở khu Bình Thọ, xã Thạch Kiệt (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, đầu vụ, con trai bà đi mua mấy cân giống lúa VST 899 để ngâm cấy cho 4 sào ruộng của nhà và đưa cho bà 3 gói (loại 1kg/ gói). Nhưng bà ngâm mãi mà đến tận 5 ngày mới thấy lên tuy không đều bà vẫn đem cấy xuống 2 sào ruộng.
Càng phát triển giống lúa VST 899 càng có những biểu hiện lạ thường, cây cao như cỏ voi, lá mềm như lá liễu, sau mỗi cơn gió lại nằm rạp xuống. Chúng cứ xanh tốt như thế mà chẳng chịu trổ bông nên nhiều người ví von giống lúa trẻ mãi không già. Đến khi những giống khác ở các thửa ruộng kế bên chín cong đầu rồi thì lúa VST 899 mới lác đác có vài bông ngắn và hầu như không có hạt.
Người dân Phú Thọ bên bó lúa VST 899 nhiều lửng, lép. Ảnh: Dương Đình Tường.
Lòng bà Bường như có lửa đốt bởi chắc chắn sắp tới sẽ không có gạo ăn trong khi gia cảnh lại nghèo, tiền trợ cấp người già chỉ có 360.000 đồng/tháng.
“Ở trong xóm ngoài mẹ con bà còn mấy nhà nữa cũng cấy phải giống lúa đểu này. Vừa rồi có người đến mượn cái vỏ bao bì của bà về để so sánh nên bà mới biết thế”, bà Bường cho biết.
Trong tình trạng tương tự, bà Hà Thị Hạt và Hà Thị Minh Hoạt thấp thểnh bước xuống thửa ruộng trồng giống lúa VST899 của gia đình đang không thể trổ bông cho biết: “Chúng tôi mua 6kg giống với giá 75.000đ/kg ở nhà cô Tuyên, trên bao bì chỉ thấy toàn tiếng nước ngoài. Thấy giống mới, ai cũng bảo giá đắt thế chắc năng suất hơn giống cũ. Nhiều hộ dân ở đây cũng cấy giống đấy, đến khi không thấy ra bông họ đã cắt cho trâu bò nhưng chúng không ăn mấy. Chúng tôi cố để chờ, đến giờ cũng thấy lác đác có bông nhưng lại không có hạt. Báo cho người bán thì họ bảo chỉ biết bán chứ không biết tại sao lại như thế”.
Theo UBND huyện Tân Sơn, việc hơn 20ha giống lúa VST-899 được gieo cấy vụ xuân 2024 là do người dân xem thông tin quảng cáo về giống lúa VST-899 qua mạng xã hội Facebook, rồi đặt mua về gieo trồng.
Không riêng tại Phú Thọ, trước đó tại TP, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra tình trạng như trên. Gia đình chị Trương Thị Vinh, xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). phải cắt lúa xanh cho bò ăn khi mua giống lúa trên mạng xã hội về gieo cấy. Chúng tôi được biết, gia đình chị Vinh có 7 sào ruộng. Vụ xuân năm nay, gia đình chị cấy 6 sào giống HDT10 (đây là giống lúa thơm, chất lượng cao do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Việt Nam chọn tạo, khảo nghiệm sản xuất từ năm 2012 tại các tỉnh phía Bắc) và 1 sào cấy giống VST899 được đặt mua trên Facebook.
Chi Vinh cho hay: Trước khi sản xuất vụ xuân, tôi vào mạng Facebook và thấy một fanpage quảng cáo về giống lúa nhập khẩu VST899, có các ưu điểm như: tỷ lệ nảy mầm 98%, chống chọi thời tiết khắc nghiệt 3 miền; năng suất lên tới 3,5 tạ/sào; thân lúa cao chắc khỏe, bông to; chịu mặn; mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, hạt gạo mẩy tròn; thời gian thu hoạch từ 85-90 ngày nên tôi đã đặt mua ngay 1kg với giá 70 nghìn đồng về gieo cấy.
Thế nhưng, mặc dù gieo cấy đúng khung thời vụ, chăm sóc như giống HDT10 nhưng đến nay, sau hơn 100 ngày, giống VST899 vẫn chưa có đòng, trong khi đó, các loại giống lúa khác đã ngả vàng và sẽ cho thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Chị Vinh cho biết: Gia đình tôi định phá bỏ để làm phân cho vụ tiếp theo, nhưng may mắn có một hộ dân trong xóm hỏi mua lại với giá 400 nghìn đồng để làm thức ăn cho bò.
Giống lúa VST-89 là giống giả
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định: Giống lúa VST-899 là giống giả, giống cấm sử dụng và quyết định số 766/QĐ-BNN-TT ngày 7/3/2022 lưu hành trên mạng là giả mạo.
Có 2 lý do để chứng minh giống lúa VST-899 là giống giả: Thứ nhất, giống lúa VST-899 chưa được cấp quyết định công bố lưu hành; chưa được bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện cấp quyết định lưu hành.
Thứ hai, quyết định 766 ngày 7/3/2022 là giả bởi từ ngày 1/1/2020 Luật Trồng trọt đã có hiệu lực nên “quyết định về việc công nhận giống cây trồng” do Cục trưởng Cục Trồng trọt ký. Trong khi đó văn bản quảng cáo trên môi trường mạng là “quyết định về việc công nhận chính thức giống cây trồng mới” ghi căn cứ pháp lý là Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 và quyết định 95/2007 là sai về cơ sở pháp lý (pháp lệnh giống cây trồng và các văn bản hướng dẫn hết hiệu lực từ ngày 1/1/2020).
Trước tình trạng trên, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, và các địa phương cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về vấn đề giống giả.
Đã bắt 7 đối tượng “sản xuất” giống lúa giả
Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố 3 nhóm đối tượng có hành vi bán thóc giống VST-899 “giả” trên mạng xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều người dân trên cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình phản ánh việc đã mua phải giống lúa kém chất lượng mang nhãn mác VST-899 được rao bán trên các trang Facebook.
Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã nhanh chóng thu thập thông tin tài liệu và xác định được 3 nhóm với 7 đối tượng cùng trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có hành vi dùng thủ đoạn gian dối bằng cách lấy thóc thu hoạch của gia đình và mua thêm các loại thóc giá rẻ sau đó tự đóng túi nilong loại 1kg, đặt in nhãn mác giống lúa VST-899 dán lên bao bì của túi thóc.
Một số trang mạng Facebook rao bán giống lúa giả
Các đối tượng lấy các hình ảnh, video trên mạng sau đó chạy quảng cáo trên các trang Facebook để tiếp cận nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam không có giống lúa VST-899, thông tin mà các đối tượng đưa ra đều không có thật.
Qua điều tra, từ khoảng tháng Năm năm 2023 đến nay, các nhóm đối tượng trên đã giao được trên 23.000 đơn hàng đến người dân trên khắp cả nước, tương đương với số tiền chiếm đoạt khoảng 7,8 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên không gian mạng và khởi tố 7 bị can gồm: Nguyễn Văn Thịnh, Trần Thị Hương, cùng sinh năm 1987; Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Tiến Lâm, cùng sinh năm 1988; Nguyễn Văn Đại (SN 1981), Nguyễn Văn Dương (SN 1986), Hà Thị Châm (SN 2000). Các đối tượng này cùng trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ nhiều công cụ, phương tiện phạm tội gồm: thóc các loại, túi nilong, nhãn mác VST-899, các loại máy móc, thiết bị…
Cần mua giống tại những cơ sở uy tín
Tại phường Tân Dân (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nông dân cũng mua phải giống lúa "lạ", cho năng suất thấp, ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, Chi cục đang cử cán bộ kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn tỉnh.
Từ vụ việc công an triệt phá đường dây bán giống lúa giả VST-899, ông Tráng cho rằng, nguyên nhân chính là do người dân "nhẹ dạ cả tin" từ lời mời chào "về giống lúa cho năng suất cao gấp 4 đến 5 lần các giống lúa bình thường" của những đối tượng kinh doanh trên mạng.
"Các đối tượng thường lợi dụng facebook để giới thiệu, quảng cáo về những giống lúa kém chất lượng, không được cho phép lưu hành. Sau đó, giống được ship đến tận nhà người mua, bởi vậy các cơ quan chức năng rất khó để quản lý, kiểm soát", ông Tráng nói.
Ông Tráng khuyến cáo bà con cần mua giống tại những cơ sở uy tín. Riêng đối với giống lúa, bà con phải mua giống đã được Bộ NNPTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh và Sở NNPTNT đưa vào cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng của địa phương.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội tình trạng buôn bán, kinh doanh giống cây trồng diễn ra sôi động nhưng cũng không ít bát nháo. Nhiều người đã phải ngậm "trái đắng" khi bỏ ra số tiền lớn nhưng sản phẩm nhận được chỉ là giống cây giả, kém chất lượng.
"Khi mua bán qua mạng xã hội, người mua hàng không thể trực tiếp kiểm tra xem giống cây trồng đó có nguồn gốc từ đâu, chất lượng ra sao, có đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn không. Trong khi đó chỉ nghe các đối tượng quảng cáo từ các hình ảnh, clip cắt ghép rồi đăng tải lên mạng để lừa dối khách hàng", ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, hiện nay, khi các đối tượng giao bán giống cây trồng là các loại hạt thì người mua rất khó nhận biết, chỉ khi nào đem về trồng, vài tháng sau không cho trái hoặc năng suất thấp thì mới phát hiện là đã bị lừa.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán giống cây trồng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội, ông Khanh cho rằng, cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc "mạnh tay" hơn nữa. Đồng thời, khi mua giống, nông dân phải tìm đến những cơ sở cung ứng chất lượng, uy tín.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, và các địa phương cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về vấn đề giống giả.