Châu Á được xem là khu vực đi sau nhưng lại là nơi có tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, bằng chứng là số lượng các nghiên cứu của châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.
Hoàn thiện khung pháp lý
Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị “Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật - Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững”.
Cập nhật từ các báo cáo cho thấy, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới hoàn thiện hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen; trong đó, các quốc gia châu Mỹ, Australia là những nước đi đầu. Châu Á được xem là khu vực đi sau nhưng lại là nơi có tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen tăng trưởng vượt bậc trong những năm trở lại đây, bằng chứng là số lượng các nghiên cứu của châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, đang dẫn đầu thế giới. Nhiều nước châu Á đã hoàn thiện khung pháp lý cho các loại cây trồng này.
Xu hướng chung trong những hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ mới; đồng thời cần dựa trên đánh giá khoa học để đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gen.
Giáo sư David Jackson Viện NC Cold Spring Harborphát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gen cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống. Mặc dù không phải châu lục có các chính sách ban đầu cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu đang đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung. Một số quốc gia châu Phi cũng đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý hoặc đang đệ trình đề xuất quản lý pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
Theo báo cáo của Giáo sư Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nước ta hiện đã hoàn tất các định hướng và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học - coi đây là một giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy vậy, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể cho việc đánh giá và quản lý cây trồng chỉnh sửa gen.
Từ những năm 1980, năng suất nông nghiệp của Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực quốc gia và nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và môi trường. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu trong tương lai.
Gần đây, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc giúp chúng ta hiểu sâu hơn về bộ gen thực vật và đưa ra các giải pháp đổi mới cây trồng để góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu. Trong số các công nghệ đó, chỉnh sửa gen là một công cụ nổi bật khi đã cho phép các nhà khoa học và lai tạo giống cây trồng tạo ra những tính trạng cải tiến một cách chính xác, hiệu quả và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Sự ra đời của CRISPR-Cas9 và các kỹ thuật chỉnh sửa gen khác đã mở ra nhiều khả năng thú vị cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tạo ra các giống cây trồng có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống chịu và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu thay đổi và thời tiết bất thuận. Khi công nghệ này tiếp tục phát triển, hứa hẹn sẽ chuyển đổi nền nông nghiệp và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ tương lai.
Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững
Giáo sư David Jackson, thuộc Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, cho biết: “Hội nghị Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật - Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra một diễn đàn để chia sẻ những tiến bộ khoa học mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa gen trên cây trồng, từ những phát triển công nghệ đột phá đến các giải pháp bền vững nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững. Hội nghị cũng là cơ hội chia sẻ thông tin và kết nối các các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực chỉnh sửa gen nói riêng và công nghệ sinh học nông nghiệp nói chung.”.
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị.
Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết thêm: “Chúng tôi kỳ vọng hội nghị không chỉ là cơ hội trao đổi thông tin cho các nhà khoa học trong nước với các chuyên gia đầu ngành quốc tế mà còn tạo điều kiện để các đơn vị liên quan trong ngành cùng trao đổi phương thức tiếp cận và quản lý phù hợp cho việc ứng dụng giải pháp cây trồng này tại nước ta.”
Các diễn giả tham gia hội nghị đến từ nhiều quốc gia như như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines… và Việt Nam đã có các bài trình bày giải thích cụ thể hơn về bản chất khoa học cũng như cơ chế chỉnh sửa gen trên thực vật cùng những nghiên cứu mới nhất trên những cây trồng quan trọng như lúa gạo, đậu tương, cà chua, mía đường…
Các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh những tính trạng nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra cho cây trồng đó là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu và bước đầu thành công trong việc tạo ra lúa gạo có khả năng chịu hạn và kích thích tăng trưởng.
Một ruộng ngô biến đổi gen (GM) thí điểm của tập đoàn Dabeinong tại Trung Quốc.
Đa dạng nguồn gen là nền tảng cải tạo giống cây trồng
Từ khi có hoạt động sản xuất nông nghiệp, con người đã luôn cải tiến giống cây trồng để tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, tốt cho sức khỏe. Người ta biến đổi các loài bằng cách xác định lặp đi lặp lại các cá thể hoạt động tốt nhất và sau đó nhân giống chúng trong thế hệ tiếp theo.
Ví dụ như ngô ngày nay hầu như không giống với tổ tiên và họ hàng thân cỏ của chúng, cả về cấu trúc và năng suất. Độ dẻo về hình thái và chức năng của thực vật phát sinh từ những thay đổi trong bộ gen của cây do đột biến tự phát, sao chép bộ gen hoặc lai với họ hàng xa. Trái cây và rau quả đang được sắp xếp đa dạng trong những khay hàng bày bán tại các cửa hàng là kết quả của quá trình chọn lọc của con người dựa trên sự đa dạng di truyền xảy ra một cách tự nhiên. Chọn tạo giống cây trồng hiện đại vẫn chủ yếu dựa vào sự đa dạng di truyền đang có tại các ngân hàng gen hoặc phát sinh tự phát.
Dựa trên những nguyên lý này, nhiều quốc gia đã tính toán đến việc đảm bảo an ninh lương thực bằng ứng dụng chuyển, sửa gen. Theo ghi nhận của CropLife Việt Nam, hiện nhiều quốc gia ban hành chính sách “mở cửa” đối với giống cây trồng, nông sản biến đổi gen.
Thời gian gần đây, con người ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra những đặc tính có giá trị cho cây trồng. Kỹ thuật chuyển gen liên quan đến việc bổ sung các gen mới vào bộ gen thực vật mang lại các đặc điểm mong muốn như khả năng kháng côn trùng hoặc chống chịu thuốc trừ cỏ. Những gen này thường bắt nguồn từ các sinh vật có họ hàng xa, chẳng hạn như vi khuẩn và do đó không thể đưa vào bộ gen thực vật bằng cách lai chéo. Thực vật có DNA ngoại lai trong bộ gen của chúng được coi là sinh vật biến đổi gen (GMO).
Đến nay, kỹ thuật chuyển gen mới chỉ được triển khai trên một số ít cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cây trồng biến đổi gen được quản lý chặt chẽ và việc hoàn thành quy trình đăng ký rất tốn kém. Hơn nữa, những lo ngại của người tiêu dùng đối với sinh vật biến đổi gen đã hạn chế việc sử dụng rộng rãi công nghệ này trên toàn cầu.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…