Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi được nghe và thấu hiểu những khó khăn của nghề y từ bác sĩ CKII Lê Quang Phú, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, người gần 40 năm cống hiến cho ngành y tế ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Thừa - Thiên Huế.
Đi bộ nửa ngày để khám, chữa bệnh
Sinh ra ở miền quê Quảng Bình đầy nắng và gió, năm 1982, bác sĩ Lê Quang Phú tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Thoáng cái, 39 năm công tác trên vùng đất đầy khó khăn gian khổ đã trôi qua, A Lưới trở thành quê hương thứ hai của ông.
Bác sĩ Lê Quang Phú người có gần 40 năm cống hiến cho ngành y ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ y sĩ lên công tác tại huyện A Lưới, dù cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe còn hạn chế, nhưng với tình yêu nghề và cảm thông nỗi đau của người bệnh, anh đã không ngừng học tập, trau dồi đạo đức, nâng cao kiến thức chuyên môn. Mong muốn đem kiến thức khoa học góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào đã giữ chân anh ở lại và gắn bó với vùng đất này.
Bác sĩ Phú kể, thời điểm anh lên nhận nhiệm vụ, huyện A Lưới còn hoang sơ, giao thông đi lại rất khó khăn, người dân thiếu đủ mọi thứ, nhất là trang thiết bị, cơ sở vật chất chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Theo bác sĩ Phú, thời điểm đó, bệnh sốt rét, tiêu chảy vẫn còn đe dọa tính mạng nhiều người dân địa phương. Cơ sở y tế thì thiếu bác sĩ và trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Nhớ về kỷ niệm của nghề trong lần đi khám - chữa bệnh, bác sĩ Phú cho biết: Khoảng năm 1992, Trung tâm Y tế huyện A Lưới thực hiện phòng chống sốt rét cho người dân. Tổ y tế của tôi có 5 người, đi từ trung tâm huyện A Lưới đến thôn Dòng của Hương Nguyên phải mất hơn 12 giờ đồng hồ, trong đó phải lội bộ khoảng 5 giờ. Trên đường đi con vắt nó bám vào chân và cắn chảy máu ướt cả quần mà không hay biết.
Trung tâm Y tế huyện A Lưới giờ đây trở thành điểm tựa sức khỏe cho người dân địa phương.
Cũng theo bác sĩ Phú, y tế địa phương khi đó thiếu bác sĩ chuyên môn sản khoa nên người dân tự sinh và tự thực hiện các biện pháp y tế tại nhà. Đến năm 1996, có chương trình đào tạo y tế thôn bản, “cô đỡ thôn bản” đã đem lại sự an toàn hơn cho người dân trong quá trình sinh.
Từ y sĩ đa khoa, quá trình học tập, cống hiến và vươn lên, nay là bác sĩ chính, chuyên khoa cấp II, bác sĩ Lê Quang Phú luôn tự nhủ, phải thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, góp sức lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người bệnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân vùng cao A Lưới.
Người bác sĩ đầy nhiệt huyết
Luôn coi trọng y đức, bất kì ở cương vị nào, bác sĩ Phú cũng giành hết tâm huyết cho nghề với mục đích cao cả là giúp người và giúp đời. Năm 2006, bác sĩ Lê Quang Phú được tín nhiệm giao chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới. Nhiều năm liền, bác sĩ Phú được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Bác sĩ Phú tâm sự: “Qua thời gian làm việc với trách nhiệm và được bà con tín nhiệm, tôi cũng được huyện quan tâm, động viên tôi ở lại, đặc biệt người dân cũng mong muốn mình ở lại. Từ đó, tôi xác định dù đi đâu, ở đâu mà được Nhân dân yêu quý, tín nhiệm, đó là nguồn động viên lớn cho chúng tôi”.
Trung tâm Y tế huyện A Lưới.
Ngoài khám - bệnh chữa bệnh giúp người dân, dưới sự đảm nhiệm của Giám đốc Phú, Trung tâm Y tế A Lưới từ cơ sở y tế nghèo nàn về vật chất, thiếu và yếu về nhân lực, nhiều năm gần đây, Trung tâm đã phát huy nội lực để vượt khó, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám - chữa bệnh cấp thiết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn và trở thành cơ sở y tế khang trang và điểm tựa cho người dân ở địa phương. Trung tâm Y tế A Lưới đã được Bộ Y tế công nhận là đơn vị xuất sắc toàn diện từ năm 2006 đến nay.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện A Lưới có thế mạnh về chuyên khoa Ngoại sản, triển khai tốt các kỹ thuật như cắt tử cung viêm xơ; mổ thai lần 2, lần 3; mổ u nang buồng trứng; mổ kết hợp xương bàn tay, chân; mổ trĩ logo, ruột thừa các loại... Riêng sản nhi, mỗi năm phẫu thuật từ 300 - 400 trường hợp. Nhờ đó, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến.
Đặc biệt, Trung tâm đã thành công với đơn nguyên sơ sinh, thuộc Khoa Nhi là đơn vị đầu tiên tuyến huyện miền núi. Đây là địa chỉ tạo dấu ấn cho Trung tâm Y tế A Lưới, mỗi năm cứu sống hàng chục trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân và bị nhiễm trùng huyết, sức đề kháng kém, vàng da...
Ngoài nhiệm vụ khám - chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện A Lưới còn quản lý hệ thống y tế tuyến xã thực hiện tốt công tác khám sức khỏe ban đầu và làm “rào chắn” phòng, chống dịch bệnh từ cơ sở. Hiện, 34/34 trung tâm y tế xã, trị trấn trên địa bàn đã được tầng hóa, có đầy đủ các phòng chức năng, máy siêu âm xách tay, máy điện tim, xét nghiệm nước tiểu... Đặc biệt, hầu hết các trung tâm y tế đều có bác sĩ, nhiều trạm có 2 bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám điều trị cho bà con địa phương.
Bác sĩ Hồ Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, cho hay, Trung tâm Y tế A Lưới hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định về trang thiết bị máy móc, nhân lực lĩnh vực y tế mũi nhọn như nội sản, ngoại khoa... Đây là những rào cản khiến Trung tâm chưa phát triển theo kịp ở các đơn vị đồng bằng. Đó cũng là lý do hiện nay đơn vị đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng các dịch vụ điều trị; đồng thời, mạnh dạn đề xuất nâng số giường điều trị từ 80 lên 100 giường theo kế hoạch; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, giúp các y, bác sĩ tiếp cận kỹ thuật mới từ tuyến Trung ương.
Hiện, Trung tâm Y tế huyện A Lưới hiện thuộc hạng III, có 16 phòng khoa chức năng, với 80 giường bệnh theo kế hoạch nhưng hiện thực kê 120-150 giường; có 134 cán bộ;, trong đó có 28 bác sĩ, số còn lại là cử nhân, cao đẳng, trung cấp, dược sĩ, điều dưỡng, hộ lý... Mỗi ngày, Trung tâm đón 200-250 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị nội và ngoại trú,
“Bác sĩ Lê Quang Phú là tấm gương y đức đầy nhiệt huyết cho những người trẻ học tập và noi theo. Trong quá trình công tác, bác sĩ Phú không chỉ đem hết tâm huyết nghề y để giúp đồng bào vùng cao A Lưới mà còn giúp người dân nước bạn Lào. Nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật đã nói bác sĩ Phú giờ là người A Lưới rồi”, bác sĩ Hồ Bách Thắng cho biết.