Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 7 năm 2024 | 8:0

Công ty TNHH hai thành viên Thái Học tự ý xây dựng nhà máy nước trên đất nông nghiệp

Chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn xã Thọ Ngọc (huyện Triệu Sơn), thế nhưng, Công ty TNHH hai thành viên Thái Học đã tự ý đầu tư xây dựng và bán nước cho nghìn hộ dân trên địa bàn với mức giá khá cao.

Xây dựng nhà máy không phép

Tháng 4/2024, Công ty TNHH hai thành viên Thái Học gửi đơn xin thuê đất đến UBND tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Nhà máy nước sạch Thọ Ngọc, đóng trên địa bàn xã Thọ Ngọc, với diện tích gần 1,6ha để thực hiện dự án.

Ngày 24/6/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước sạch lần 2 cho doanh nghiệp. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hồ sơ và thủ tục cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, Nhà máy nước sạch Thọ Ngọc đang vận hành, cung cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn. Hiện trạng công trình được đầu tư xây dựng bao gồm: ao chứa, đường ống phục vụ xử lý, hệ thống máy móc, bồn xử lý nước phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã hoàn thành.

Nhà máy sản xuất nước sạch xây dựng trái phép trên đất lúa tại địa bàn xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: Dự án nhà máy nước sạch xã Thọ Ngọc của Công ty TNHH hai thành viên Thái Học chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất thực hiện dự án, nhưng đã xây dựng các hạng mục công trình và đưa vào sử dụng. Ngay sau khi phát hiện, do vượt quá thẩm quyền, huyện đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất đai.

Khu nhà xử lý nước sạch đã xây dựng hoàn thiện.

 

“Ngày 20/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 1343 về xử phạt vi phạm hành chính đối Công ty TNHH hai thành viên Thái Học 120 triệu đồng với hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa với diện tích gần 1,6ha tại khu vực nông thôn”, bà Xuân cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Chiết, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Thái Học thừa nhận, đơn vị vừa hoàn tất thủ tục xin thuê đất với UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự án đưa vào xây dựng đầu năm 2020, đến tháng 8 / 2021 đưa vào vận hành cung cấp nước miễn phí cho các hộ dân một thời gian. Đến nay, nhà máy cung cấp cho 1.000 hộ dân trên địa bàn các xã (Thọ Ngọc, Thọ Cường, Xuân Thọ) của huyện Triệu Sơn.

“Dự án Nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch xã Thọ Ngọc, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 09/01/2020, với tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng, trên diện tích  gần 2ha. Công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm. Dự án có mục tiêu cung cấp nước sạch cho 11 xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn, gồm: Thọ Ngọc, Thọ Cường, Xuân Thọ, Thọ Tiến, Thọ Sơn, Bình Sơn, Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành, Triệu Thành và Thọ Bình”, ông Chiết nói.

Bán nước giá cao

Ngoài việc xây dựng nhà máy sản xuất nước trên đất lúa, Công ty TNHH hai thành viên Thái Học còn bán nước cho người dân với giá cao trong nhiều năm qua.

Ông N.N.T. (thôn 7, xã Thọ Ngọc) cho biết: Ga đình sử dụng nước sạch 3 năm theo vận động của thôn về sử dụng nước sạch, một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Giá nước đang bán đến tay người dân sử dụng là 9.500 đồng/m3, cao hơn so với các khu vực khác. Về thủ tục, giấy tờ, chúng tôi không nắm rõ, chỉ thấy họ gửi phiếu thanh toán về thì thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hai ao chứa và hệ thống đường ống nước sạch đã được đấu nối từ nhiều năm để phục sản xuất, kinh doanh.

 

Theo ông N. V.T (thôn 6, xã Thọ Ngọc), hàng tháng nhân viên công ty đến ghi số đồng hồ, đưa giấy biên nhận thanh toán, không có hóa đơn thanh toán. Để có đường nước sử dụng, ông T. phải đóng 3,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống, người dân ký hợp đồng thỏa thuận với phía công ty chứ không có hóa đơn.

Đối với giá nước sinh hoạt cao hơn so với mặt bằng chung của một số đơn vị cấp nước khác, ông Chiết cho rằng: “Do người dân sử dụng ít, không bù đắp được khoản lỗ về điện và chi phí nhân công. Do vậy, tạm thời doanh nghiệp phải nâng giá thành lên để bù lỗ”. 

Theo bà Xuân, để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền địa phương chưa giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, không phát hiện kịp thời để báo cáo lên cấp trên xử lý theo quy định. UBND huyện Triệu Sơn đã buộc doanh nghiệp này phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp hơn 7,1 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các hồ sơ thủ tục giao đất cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND  “Về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng rừng”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa bàn nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng rừng ngay từ cơ sở. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp; chuyển nhượng, giao đất, cho thuê đất nông nghiệp và cho thuê rừng trái pháp luật; kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng rừng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, không đúng đối tượng; xây dựng, trình phê duyệt phương án để sử dụng hiệu quả quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý và giao lại cho người dân nhằm ổn định nơi ở, tạo điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo điều kiện đời sống thiết yếu, lâu dài cho người dân.

Chỉ thị cũng nêu rõ: Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn mình quản lý thì Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng trái phép, không đúng đối tượng, giao đất, thuê đất không đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm..

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top