Mặc dù không phải là mùa cao điểm về tình trạng vận chuyển hàng giả, hàng nhái, trong đó có vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu nhưng gần đây nhiều địa phương ở ĐBSCL liên tục bắt nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn. Trước thực trạng trên các địa phương đang triển khai các giải pháp để tăng cường công tác ngăn chặn.
Long An triệt phá hàng loạt vụ buôn lậu thuốc lá
Thời gian gần đây, tại Long An lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ các vụ buôn lậu, hàng gian, hàng hàng giả các loại từ Campuchia tuồn về qua các tuyến đường bộ. Trong đó, nổi bật là tình trạng buôn lậu thuốc lá.
Theo thông tin từ công an thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, (Long An), khoảng 3 giờ sáng ngày 25/3, trên đường công tác tuần tra phòng chống tội phạm, chống buôn lậu trên địa bàn khu phố 4, lực lượng công an thị trấn phát hiện hai xe ô tô có biểu hiện nghi vấn.
Hàng nghìn bao thuốc lá đã được lực lượng chức năng tỉnh Long An phát hiện và thu giữ.
Khi phát hiện, bị truy đuổi, hai tài xế đã nhanh chóng tẩu thoát bỏ lại xe cùng tang vật. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe ô tô 66A-21117 có chứa 2.500 bao thuốc lá ngoại các loại, xe 51G- 42969 bên trong có chứa 7.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại. Tổng số tang vật ở cả hai xe là 10.000 bao thuốc lá ngoại hiệu Jet và Hero.
Trước đó, vào khoảng 2 giờ 45 phút ngày 4/3, lực lượng chức năng cũng phát hiện và tiến hành kiểm tra hai xe ô-tô con dừng đỗ trên làn dừng xe khẩn cấp trên trên đoạn đường từ nút giao Bến Lức đến nút giao Tân An, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận để sang hàng hóa.
Khi phát hiện tổ cảnh sát giao thông, một người đàn ông lập tức bỏ chạy khỏi hiện trường, bỏ lại xe ô-tô-tô biển số 62A-317.52. Đội 7 ngay lập tức triển khai lực lượng phối hợp Công an xã Thạnh Đức, Công an huyện Bến Lức, tổ chức vây bắt, truy tìm đối tượng bỏ chạy.
Qua kiểm tra, phát hiện 27 bao nilong màu đen bên trong có chứa 10.900 gói thuốc lá ngoại (4900 gói hiệu Hero, 6000 gói hiệu Jet) không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ. Hiện Đội 7 làm thủ tục, phối hợp và bàn giao Cơ quan Cơ quan cảnh sát công an huyện Bến Lức, Công an tỉnh Long An tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Long An có tổng chiều dài đường biên giới 133 km đi qua 20 xã của năm huyện tiếp giáp với hai tỉnh Svay Rieng và Pray Vieng, Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn tỉnh, ngoài 3 cửa khẩu quốc gia, quốc tế còn có nhiều cửa khẩu nhỏ, đường mòn lối mở… Từ các cửa khẩu, tuyến đường này kết nối thuận lợi vào các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ và quốc lộ đi các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Vì thế từ nhiều năm qua, Long An luôn là địa bàn rất “nóng” về buôn lậu, xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh trái phép.
Đại tá Trương Thùy Dương, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Bộ đội biên phòng đã xác lập đấu tranh 2 chuyên án, 33 vụ việc liên quan đến buôn lậu, tang vật thu giữ trên 2,7 tấn pháo nổ, trên 35.000 gói thuốc lá lậu cùng nhiều hàng hóa khác với tổng giá trị khoảng 2,3 tỉ đồng.
Trước tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, mới đây, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 tỉnh do ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với một số đồn biên phòng trên địa bàn biên giới. Ông Phạm Đức Chinh đề nghị ban chỉ huy các đồn biên phòng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt; đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát chặt chẽ an ninh biên giới cũng như kiểm soát, kiềm chế hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thuộc địa bàn đơn vị quản lý, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh.
Thuốc lá lậu diễn biến phức tạp ở An Giang
Chỉ trong 2 ngày, Công an TP. Châu Đốc, tỉnh An Giangg phối hợp với các lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 vụ buôn lậu trong đêm. Tang vật thu giữ gần 5.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Theo đó, vào hoảng 23 giờ 45 phút, ngày 30/3/2023, tại khu vực mương Thốt Nốt, thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp bắt giữ Nguyễn Gi Khánh (sinh năm 1983, trú tại phường Vĩnh Nguơn) và Nguyễn Trung Bình (sinh năm 1992, trú tại phường Châu Phú A) sử dụng xe mô tô vận chuyển 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Cảnh sát đường thủy tỉnh An Giang bắt giữ phương tiện chứa gần 1.500 bao thuốc lá lậu (ảnh cắt từ video).
Tại Cơ quan Công an, Bình và Khánh khai nhận cùng nhau thuê người canh đường để vận chuyển số thuốc lá lậu trên từ Campuchia về Việt Nam bán lại kiếm lời. Chiều ngày 31/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Châu Đốc-An Giang ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Gi Khánh và Nguyễn Trung Bình để tiếp tục điều tra về hành vi “Buôn bán hàng cấm”.
Đến khoảng 03 giờ 25 phút sáng ngày 31/3, Tổ công tác tiếp tục phát hiện xung quanh nhiều nhà dân thuộc Tổ 20, khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, có cất giấu 14 bọc nilong màu đen, bên trong chứa 3.470 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại. Tại thời điểm phát hiện, không ai thừa nhận là chủ sở hữu số thuốc lá lậu trên nên tiến hành lập biên bản tạm giữ.
Mới đây nhất vào khoảng 1h30 phút ngày 14/4/2023, tại khu vực ấp Mỹ Phú, xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, Tổ công tác đang làm nhiệm vụ truần tra thì phát hiện 2 đối tượng điều khiển xe mô tô chở nhiều hàng hoá, nghi vấn là thuốc lá ngoại nhập lậu. Tổ công tác tiến hành ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.
Khi phát hiện lực lượng tuần tra, lợi dụng đêm tối các đối tượng đã nhảy xuống kênh bỏ trốn, bỏ lại phương tiện cùng hàng hoá. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 2 xe mô tô đối tượng bỏ lại có chở 10 bọc nylon, bên trong chứa 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Kiểm tra khu vực xung quanh, Tổ công tác tiếp tục phát hiện, tạm giữ thêm 3 xe mô tô và 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu chứa trong các giỏ xách và bọc nylon màu đen.
Đối tượng Ngô Hoàng Oai bị bắt tại hiện trường.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Ngô Hoàng Oai, 53 tuổi, trú tại khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang đang canh coi đường cho các đối tượng vận chuyển thuốc lậu.
Bạc Liêu không có ‘vùng cấm’ trong xử lý hàng giả, hàng lậu
Mặc dù tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn để phòng chống các loại vi phạm, tội phạm. Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại và thách thức xã hội, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như điện thoại, điện tử điện lạnh, mỹ phẩm, bia rượu, bánh kẹo, thuốc lá lậu, sữa vẫn còn diễn ra tại một số địa bàn trọng điểm, tổ chức theo các đường dây, ổ nhóm với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, chặt chẽ. Đối tượng hoạt động chủ yếu là các cửa hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp nhỏ lẻ tại các khu vực xung quanh chợ và vùng nông thôn.
Đáng chú ý, gần đây xuất hiện hoạt động núp bóng kinh doanh bằng hệ thống thương mại điện tử (kinh doanh online) để buôn bán hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2022, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra phát hiện, bắt giữ 1.463 vụ gian lận thương mai và hàng giả, xử lý trên là 660 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước là trên 7,6 tỷ đồng (tăng gần 220% so với năm 2021). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra được 250 vụ, qua đó phát hiện 108 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Tỉnh Bạc Liêu kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác xử lý hàng giả, hàng lậu.
Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Bạc Liêu cho biết, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Ban chỉ đạo tập trung quyết liệt kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm ở một số lĩnh vực quan trọng và nếu phát hiện phải xử lý mạnh tay, đảm bảo tính nghiêm minh, nhằm tạo răn đe. Đồng thời phản ánh kịp thời, trung thực về kết quả kiểm tra, xử lý và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật xem đây là biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng phải thực hiện theo quy chế phối hợp và thực hiện đúng trách nhiệm, tránh việc kiểm tra riêng lẻ, gây ra sự chồng chéo trong kiểm tra, hoặc kiểm tra nhiều lần/năm gây phiền hà cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- kinh doanh. Đồng thời yêu cầu các địa phương không đứng ngoài cuộc mà phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý những cơ sở, địa điểm có hành vi buôn lậu, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý mạnh mạnh, không có giới hạn, không có vùng cấm hay kiêng nể, ông Cận cho biết thêm.