Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023 | 8:22

Đất trồng cây lâu năm ở xã Sơn Long dần biến thành khu du lịch sinh thái trái phép

Sau khi mua lại khu đất (45.843m2) trồng cây lâu năm của người dân thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà (Phú Yên), ông Nguyễn Văn Cư (ngụ TP. Nha Trang, Khánh Hoà) ngang nhiên cải tạo, xây dựng công trình..., dần biến thành khu du lịch sinh thái trái phép.

Có mặt tại hiện trường, phóng viên không khỏi ngạc nhiên trước sự “chịu chơi” của chủ khu đất nói trên. Hiện khu đất có những con đường bậc cấp lên đỉnh đồi. Hai bên đường lối vào khu đất này, gia chủ tạo cảnh quan bắt mắt. Ngoài ra, gia chủ còn ngang nhiên múc đào đá để đắp đường, trang trí tạo cảnh quan hàng rào xung quanh khu đất. Vì vậy mà hình thành bãi tập kết đá nằm ngổn ngang bên vệ đường ĐT650.

Chủ đất còn mở con đường cong uốn lượn nối từ mặt đường ĐT650 đi lên đỉnh đồi

Theo tìm hiểu của phóng viên, mảnh đất nói trên là đất trồng cây lâu năm do ông Nguyễn Văn Cư (SN 1979, TP.Nha Trang, Khánh Hoà) mua lại của người dân địa phương. Ngày 31/12/2021, UBND xã Sơn Long đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Văn Cư với số tiền 4 triệu đồng. Trước đó, tổ công tác UBND xã Sơn Long phát hiện ông Cư đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 180m2 từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép để xây dựng nhà ở tại thửa đất số 86, tờ bản đồ số 31 thuộc thôn Suối Phèn, xã Sơn Long. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Cư chưa khôi phục hiện trạng theo yêu cầu của cơ quan chức năng và vẫn ngang nhiên cải tạo đất đồi, đào múc khoáng sản và dần hình thành khu du lịch sinh thái tự phát.

Sử dụng xe múc để đào đất đá

Ngày 29/11/2022, UBND xã Sơn Long có biên bản làm việc với ông Nguyễn Văn Cư về lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo của UBND xã, ngoài phần xây nhà ở, ông Cư còn sử dụng xe đào để lấy đá vận chuyển khoáng sản trong cùng thửa đất để trang trí tạo cảnh quan.

Theo ông Nguyễn Văn Cư, do mua đất nông nghiệp nên ông xây dựng nhà nhỏ với diện tích 180m2 để có chỗ ở và làm kho cất vật tư nông nghiệp. Còn việc sử dụng xe đào lấy đá thì dùng trang trí tạo cảnh quan do đất đá nhiều chứ không tận dụng khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề nói trên, trao đổi với phóng viên, ông Đào Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, khu vực đất đồi đang cải tạo là đất trồng cây lâu năm, sai phạm của chủ đất này cũng đã được UBND xã lập biên bản xử lý, xử lý vi phạm hành chính. UBND xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện và đang chờ chỉ đạo xử lý.

Theo ông Hải, ông Nguyễn Văn Cư không trình được hồ sơ xin phép cải tạo cũng như những thủ tục liên quan, các công trình xây dựng trên đất trồng cây lâu năm chưa được cấp phép xây dựng… “Với thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý theo đúng quy định”, ông Hải nói.

Sự việc trên đã diễn ra trong thời gian dài, chủ đất công khai xây dựng, cải tạo nhiều hạng mục, đề nghị chính quyền, ngành chức năng  huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên khẩn trương có biện pháp xử lý dứt điểm.

* Luật pháp không quy định thế nào là đất vườn. Còn theo hướng dẫn lập biểu kèm theo Quyết định số 507/1999/QĐ-TCĐC ngày 12/10/1999 của Tổng cục Địa chính ban hành hệ thống biểu mẫu thống kê diện tích đất đai sử dụng thống nhất trong cả nước quy định: 

Đất vườn tạp là: "Diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại".

* Đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp. Cũng theo quyết định trên, đất trồng cây lâu năm là:

"Là diện tích đất chuyên trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâu năm khác kể cả trong và ngoài khu dân cư, có thời gian sinh trưởng trên một năm mới được thu hoạch sản phẩm và đất vườn ươm cây giống nông nghiệp lâu năm.

Tạm quy ước đất trồng chuối, dứa (thơm), nho, thanh long cũng thống kê ở chỉ tiêu này".

* Điểm khác biệt giữa đất vườn và đất trồng cây lâu năm là mục đích sử dụng. Đất vườn khác đất trồng cây lâu năm là vừa có thể trồng cây lâu năm lại có thể trồng cây hàng năm.

Còn đất trồng cây lâu năm, chỉ được trồng những loại cây chỉ cần trồng một lần nhưng sinh trưởng và thu hoạch trong nhiều năm.

Điểm giống nhau của hai loại đất này  là chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép như: xây dựng nhà ở, công trình phụ... Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt.

Theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì trường hợp cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp là đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha;

- Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 ha;

- Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 ha trở lên.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top