Từ vùng đất gò đồi cằn cỗi, xã Dương Hòa (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đã chuyển mình nhờ phát triển kinh tế rừng và cây ăn quả, nhất là cây thanh trà. Người dân nơi chiến khu Dương Hòa hôm nay đang tiếp tục xây dựng quê hương trở thành xã nông thôn mới nâng cao.
Thay da, đổi thịt
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta vào giai đoạn quyết định, nhận thấy Dương Hòa là địa bàn có vị trí chiến lược, điều kiện địa hình, cư dân, truyền thống lịch sử, xã hội thuận lợi cho hoạt động xây dựng và bảo vệ chiến khu cách mạng, tỉnh Thừa Thiên- Huế quyết định chuyển các cơ quan từ chiến khu Hòa Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) vào căn cứ Dương Hòa. Chiến khu Dương Hòa được thành lập và trở thành nơi đứng chân an toàn cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng vũ trang; cung cấp nguồn lực to lớn về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; đồng thời làm bàn đạp xuất phát của các lực lượng vũ trang để tiến công về thành phố Huế.
Với vai trò, vị trí, ý nghĩa và những giá trị lịch sử của chiến khu Dương Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, năm 2016, Dương Hòa được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đến năm 2018, Dương Hòa được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chiến khu cách mạng Dương Hòa.
Chiến khu Dương Hòa là một minh chứng lịch sử về việc vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân Thừa Thiên - Huế trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Sau giải phóng, mặc dù là xã miền núi với xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; cùng đó là chính sách giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế vùng gò đồi, đời sống của người dân Dương Hòa không những được ổn định mà ngày một nâng cao. Tận dụng lợi thế địa hình đất gò đồi, rừng núi, nhiều nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, những vùng đất hoang hóa dần được phủ màu xanh.
Đường nông thôn mới sáng, sạch, đẹp.
Năm 2015, xã Dương Hòa được công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thon mới (XDNTM), cũng là một trong những địa phương dẫn đầu thị xã Hương Thủy về XDNTM.
Với việc hạ tầng nông thôn được đầu tư nhiều hơn, các công trình công cộng được nâng cấp, kinh tế của người dân phát triển mạnh nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Ngoài phát triển trồng rừng, người dân Dương Hòa còn trồng thanh trà, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến nay, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn Dương Hòa khởi sắc rõ rệt, hầu hết đường thôn, đường nội đồng, liên gia đều được đổ bê tông, nhiều tuyến đường được đầu tư điện thắp sáng, tuyến đường hoa hình thành. Nhà ở của người dân cũng được xây mới kiên cố, khang trang, toàn xã không còn nhà tạm.
Phát triển kinh tế gò đồi
Dương Hòa có hơn 26.160ha đất tự nhiên, với 23.341 ha đất nông nghiệp. Thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, xã đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như thanh trà, bưởi da xanh, cam...
Từ xã vùng núi nhiều khó khăn, từng bước chuyển mình trở thành địa phương đầu tiên ở Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) được công nhận đạt chuẩn NTM, Dương Hòa đang tập trung XDNTM nâng cao với việc phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn.
Dương Hòa xây dựng NTM nâng cao bằng việc phát triển kinh tế vùng gò đồi.
Đến nay, xã có trên 75ha thanh trà, hơn 10ha bưởi da xanh, khoảng 4ha cam; trong đó, tổng diện tích cho quả là 35ha (năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha). Riêng về thanh trà, theo tính toán, giá trị kinh tế của loại cây đặc sản này đạt bình quân 350 -400 triệu đồng/ha, có hộ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha.
Không chỉ làm giàu từ trồng rừng và kinh tế vườn, nhiều hộ gia đình ở Dương Hòa còn mạnh dạn đầu tư kết hợp thêm trang trại chăn nuôi gia súc, vận dụng các mô hình kinh tế dưới tán rừng, trong đó có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, như 02 gia trại gia cầm ở thôn Thanh Vân thường xuyên nuôi khoảng 14.000 con gia súc, gia cầm.
Theo thống kê, xã có hơn 80% dân số có kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào rừng. Thời gian tới, Dương Hòa sẽ tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, tiếp tục triển khai cấp chứng chỉ FSC... nhằm tăng nguồn thu cho người làm nghề rừng. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho nhân dân hình thành các trang trại, gia trại, thu hút đầu tư dịch vụ, du lịch gắn với tham quan du lịch cộng đồng vườn mẫu, vườn đồi. Cây thanh trà Dương Hòa đã được cấp chỉ dẫn địa lý, vừa giúp khẳng định chất lượng, nâng tầm thương hiệu, ổn định đầu ra, vừa trở thành động lực lớn để hơn 300 hộ trồng loại cây này tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về chăn nuôi, hiện tổng đàn gia súc của xã khoảng 1.000 con. Từ năm 2022, với việc áp dụng mô hình phát triển đàn bò chất lượng cao sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ), không chỉ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn tăng sản lượng, chất lượng thịt, qua đó, tạo được thương hiệu, có sức lan tỏa đến thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp tăng thu nhập lên 5-10% cho các hộ nuôi.
Ông Lê Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, cho biết, xã đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát huy tối đa lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhân rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC; rà soát việc thực hiện các đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã tại địa phương; nhân rộng các mô hình có hiệu quả như thanh trà, bưởi da xanh, cam. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân. Hiện, xã Dương Hòa đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thực hiện các nhiệm vụ then chốt đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Trương Nhật Quang, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Hương Thủy, thông tin, có nhiều chính sách phát triển kinh tế ở vùng gò đồi nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa những thế mạnh về nuôi trồng ở xã Dương Hòa. Sau khi phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh xì mủ trên cây thanh trà nói riêng, cây ăn quả có múi trong năm 2023, Hương Thủy sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ để mở rộng thêm 8 - 10ha vùng nguyên liệu trồng thanh trà, bưởi da xanh và cây dược liệu trên địa bàn xã Dương Hòa.
Cùng với đó, thị xã Hương Thủy cũng đã định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại địa phương này, trong đó, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi hữu cơ gắn với nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh bền vững.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.