Các địa phương của tỉnh Quảng Nam trong ngày hôm qua và hôm nay có mưa to đến rất to, nguy cơ ngập lụt cục bộ trên các tuyến đường và vùng trũng thấp.
Nguy cơ ngập cục bộ
Thời tiết tại Quảng Nam trong hai ngày 20 và 21/10 có mưa rất to. Đặc biệt đêm và sáng 21/10 tiếp tục có mưa to và rất to một số khu vực trên địa bàn TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành hay Tiên Phước.
Mưa lớn khiến một số tuyến đường tại TP Tam Kỳ như Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh… ngập sâu từ 0,3-0,5m. Các phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đường này gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể di chuyển. Chưa kể, nước dâng cao khiến các quán ăn, cửa hàng không thể mở cửa buôn bán.
Mưa lớn còn gây cản trở giao thông một số tuyến đường xuống cấp đi qua địa phận huyện Thăng Bình như Tiểu La, Quốc lộ 14E. Một số khu vực nhiều “ổ gà, ổ voi” nước ngập lênh láng gây khó khăn cho người đi đường, nguy cơ lớn xảy ra tai nạn giao thông.
Tại TP Tam Kỳ, nhiều tuyến đường sáng nay bị ngập sâu, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Một cư dân TP Tam Kỳ cho biết địa bàn thành phố hiện có mưa rất to. Sáng nay, nhiều người ra đường gặp khó khăn, và bản thân ông phải dắt bộ xe khoảng 100 mét để đảm bảo an toàn. Một số người dân không quen địa hình đã đi vào khu vực nước sâu khiến xe chết máy và phải mang đi sửa.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 6 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như Tam Trà (huyện Núi Thành) 121mm, thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) 54mm, thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) 82mm, TP.Tam Kỳ 65mm, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) 40mm…
Nguy cơ sạt lở và lũ lụt
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo cần đề phòng sét và gió giật mạnh trong cơn dông; mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. Các cấp, ngành, địa phương chú ý theo dõi, chủ động phương án phòng tránh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở, dông sét, gió giật mạnh gây ra.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo, cảnh báo về mưa lớn và sạt lở đất. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng có nguy cơ cao; chủ động bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường ngập sâu, hồ chứa nước, khu vực chảy xiết.
Tuyến ĐT.615B đoạn qua xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) ngập sâu.
Liên quan đến công trình giao thông tại vùng núi và ven biển, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải có các biện pháp chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện đi lại, thiết bị và vật tư công trình.
Hiện, thời tiết trên biển cũng rất phức tạp, vì vậy, cần thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động để nắm thông tin, chủ động phòng tránh và có kế hoạch phù hợp, đảm bảo an toàn; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở ở những khu vực vùng núi cao. Gần nhất là huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang… khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhiều lần đi kiểm tra và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Cần chủ động ứng phó
Theo bản tin số MLCB-14/09h30/QNAM ngày 20/10/2024 của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam: Do ảnh hưởng của phần phía Tây Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp với phần phía Bắc rãnh thấp, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ và nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 21-24/10 các địa phương trong tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ ngày 21/10 đến ngày 23/10. Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Tây Nam phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi trên 400mm; các địa phương vùng núi phía Tây Bắc phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi cao hơn 300mm.
Ngoài ra trong ngày và đêm nay (21/10), các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Dự báo tác động: mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Cấp độ rủi ro do thiên tai: cấp 1.
Thực hiện Công văn số 7878/BNN-ĐĐ ngày 20/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chủ động ứng phó với gió mạnh, sớn lớn và mưa dông trên biển. Để chủ động ứng phó với mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện các nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng…; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Chủ động tổ chức rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Rà soát, chủ động bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.
Rà soát, sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến của thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam và Đài Truyền thanh các địa phương tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
Tổ chức trực ban và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Kính đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.