Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024 | 11:33

Tín dụng chính sách: Giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, khởi nghiệp thành công

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả hoạt động vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Qua đó góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, đặc biệt là thực hiện các tiêu chí trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”, phong trào giúp phụ nữ nghèo và hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, khởi nghiệp thành công...

Tạo đà giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện “Mô hình tưới phun mưa trên rau màu”, cô Châu Thị Kim Hương, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phụng Hiệp (xã  An Hiệp, huyện Châu Thành) phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi tưới thủ công cực lắm, có 700m2 trồng rau muống, tưới gần buổi sáng mới xong. Nay nhờ được Nhà nước hỗ trợ thiết bị công nghệ, kỹ thuật tưới phun mưa, tôi rất mừng. Mỗi lần tưới rau, tôi chỉ kéo cầu dao điện lên, máy tự động tưới phun mưa trên rau màu, vừa giảm sức người, vừa tiết kiệm nước mà thời gian tưới ngắn lại. Đối với các loại rau, đặc biệt là rau muống, khi ứng dụng hệ thống tưới phun tự động rất phù hợp, cây phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Mỗi ngày, gia đình thu hoạch được khoảng 20 - 30kg rau muống, giao tại chợ đầu mối với giá 10.000 đồng/kg”.

Với hơn 30 năm trồng rau màu các loại, chị Lâm Thị Hồng là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Xà Lan, xã An Ninh (huyện Châu Thành) có gần 5.000m2 đất chủ yếu trồng rau màu, nhưng hiệu quả không cao do tưới thủ công, năng suất lại thấp. Tháng 7/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành chủ động phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng khảo sát, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng “Mô hình hệ thống tưới phun trên cây cà tím”, với diện tích 1.000m2 của gia đình chị Hồng. Nhưng thời điểm này, do thời tiết không thuận lợi, nên gia đình chị chuyển sang trồng hành lá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Lâm Thị Hồng, ấp Xà Lan, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang thu hoạch hành lá.

Chị Hồng chia sẻ: “Gia đình rất cảm ơn các ngành chức năng đã quan tâm hỗ trợ thiết bị, chuyển giao kỹ thuật mô hình hệ thống tưới tự động. Mô hình này rất tiện lợi, hữu ích, chỉ cần mở điện vận hành hệ thống tưới tiêu trên diện tích rau màu, giúp cho việc tưới nước, chăm sóc màu thuận tiện, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công”.

Bà Châu Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, cho biết: “Huyện Hội luôn chú trọng công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu; vận động chị em khởi nghiệp, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn, chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Từ những hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thiết thực, hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ huyện Châu Thành đã và đang tạo đà cho chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên phụ nữ, chung sức cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, trên cơ sở Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản chỉ đạo triển khai của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ cụ thể hóa lồng ghép với phong trào và hoạt động Hội. Kết quả đạt được khá toàn diện, trong đó có nhiều hoạt động nổi bật gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện bình đẳng giới.

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lãnh đạo triển khai, quán triệt nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến 100% cán bộ Hội các cấp; đồng thời, thường xuyên quán triệt, đôn đốc, nhắc nhở các cấp Hội thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết, họp Ban chấp hành định kỳ, các cuộc giao ban định kỳ với Ngân hàng Chính sách xã hội, tập huấn nghiệp vụ ủy thác…

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Sóc Trăng theo dõi, quản lý 13 chương trình với tổng dư nợ trên 1.508 tỉ đồng với 92.316 hộ vay; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 4.750 lớp tập huấn, dạy nghề… cho 166.250 chủ doanh nghiệp, bộ phận quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên, phụ nữ...; giới thiệu việc làm cho 4.280 lao động nữ, duy trì hoạt động 7 HTX có 210 thành viên.

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng ủy thác nguồn vốn sang NHCSXH (từ các nguồn vốn do Hội quản lý) trên 20 tỉ đồng để tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đối với hội viên, phụ nữ, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội quản lý.

Các cấp Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương và các ban, ngành cùng cấp tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động, phổ biến kịp thời những chính sách mới đến các đối tượng được hưởng lợi và người dân.

Kết quả, từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội tuyên truyền được 13.168 cuộc, có trên 512.000 lượt người tham dự; giới thiệu gương điển hình hộ vay vốn, các mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đăng trên trang website Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, nhóm thông tin nội bộ của Hội, các trang mạng xã hội zalo, facebook.

Thường xuyên tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của hộ vay, giúp cho người dân nắm vững chế độ chính sách, nâng cao ý thức trong sử dụng vốn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng theo phương châm “có vay, có trả”; về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm, tạo nguồn vốn để chủ động giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn thoát nghèo bền vững…

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả cao nhất đối với hội viên, phụ nữ nhất là hộ phụ nữ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ở Sóc Trăng tập trung hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả thông qua các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ, tư vấn thành lập và vận động phụ nữ tham gia các mô hình sinh kế, mô hình phát triển kinh tế do các cấp, các ngành, các tổ chức hỗ trợ thành lập. Cùng với đó là việc lồng ghép với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án do Hội chủ trì, nhất là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án 01 về “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” với hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển, nhân rộng.

Có thể nói, 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện ủy thác nguồn vốn chính sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đạt được những kết quả như trên là nhờ có phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, qua đó nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên, nhất là hộ hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Hội 14/10 vừa qua và các đợt sơ kết, tổng kết công tác, phong trào của Hội.

  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Giấc mơ bạc tỷ: Bi kịch khi làng lên phố

    Giấc mơ bạc tỷ: Bi kịch khi làng lên phố

    Đây là thể loại phim hài được lấy ý tưởng từ nhiều vùng quê khi làng lên phố, họ cố gắng cống hiến, thể hiện bản thân nhưng cuối cùng 3 nhân vật chính: Trung - Trường - Trang đều khởi nghiệp thất bại. Và cuối cùng họ nhận ra được bài học từ chính cha mẹ mình, đó là không cần đi đâu xa làm giàu mà hãy làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng chính tài năng và trí tuệ của mình.

  • Những chính sách nhân văn để không ai bị bỏ lại phía sau

    Những chính sách nhân văn để không ai bị bỏ lại phía sau

    Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, các lĩnh vực y tế, giáo dục và giảm nghèo của chúng ta được thực hiện một cách kiên định với chính sách không ngừng cải thiện, nâng cao, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024

    Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024

    UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có thông cáo báo chí về Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I (gọi tắt là Lễ hội).

Top