Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều hộ dân được hỗ trợ về nhà ở, sinh kế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, nhiều mô hình thoát nghèo đã trở thành những gương điển hình làm kinh tế giỏi trong lĩnh vực. Các địa phương ở Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo ra nhiều mô hình để người nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vươn lên làm giàu
Từ một hộ nông dân thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, ông Trần Hưng Dũng ở tổ dân phố Giáp Thượng 1, phường Hương Văn (TX. Hương Trà) đã vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ mảnh vườn rộng chừng 2.500m2, ông Dũng trồng 50 gốc chuối, 30 cây mít Thái Lan, 20 cây bưởi da xanh, tre lấy măng… Để cây trái mang lại hiệu quả cao nhất, ông kết hợp kinh nghiệm của “nhà nông” với tìm tòi trên sách báo, tham quan học tập quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ nhiều nơi khác. Mồ hôi, công sức, sự cố gắng của ông đã bắt đầu cho “quả ngọt”. Những loại cây trồng có đầu ra ổn định, đem lại nguồn thu nhập bình quân cho gia đình ông mỗi tháng 10 triệu đồng.
Ông Trần Hưng Dũng ở tổ dân phố Giáp Thượng 1, phường Hương Văn vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tận dụng vườn nhà và nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp tại chỗ, ông Dũng phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước khi chăn nuôi, vợ chồng ông đến các gia trại, trang trại để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh. Khi đã tự tin nắm vững các quy trình kỹ thuật, ông Dũng mạnh dạn đầu tư nuôi gà kiến thả vườn để lấy trứng, mỗi lứa khoảng 100 con. Tiếp đến, đàn lợn nuôi ban đầu chỉ vài chục lợn nái, lợn thịt thì đến nay đã tăng đàn lên 70-80 con mỗi lứa.
Ông Dũng chia sẻ, quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng ông luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp hội nông dân, các ban ngành của địa phương. Khi gia đình cần vốn, kỹ thuật sản xuất đều được Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện, tín chấp vay từ các kênh ưu đãi. Đặc biệt, thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do các cấp hội phát động, gia đình ông được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên làm giàu.
Ông Mai Thanh Trắc thuộc Hội Nông dân (HND) phường An Tây, TP. Huế đã phát huy lợi thế vùng gò đồi, ao hồ vươn lên làm giàu chính đáng. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo cộng với kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, ông Trắc vay nguồn vốn từ HND TP. Huế đầu tư mô hình “vườn - ao - chuồng - rừng”. Ông đã đào hơn 500m2 ao để nuôi cá nước ngọt, nuôi vịt, kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi bò để cung cấp cho thị trường. Năm năm qua, ông Trắc đã chăn nuôi hàng chục con bò sinh sản, bò thịt và trồng, chăm sóc, mua bán cây mai Huế, cây cảnh. Ông còn làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh và tham gia tích cực trong Tổ HND nghề nghiệp trồng cây tràm của HND phường An Tây. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Trắc gần 500 triệu đồng. Ông tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động và giúp đỡ 2 hộ nghèo.
Hội viên nông dân HVND Chi hội Lương Quán, phường Thủy Biều Lê Văn Nhân có mô hình SXKD tổng hợp, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc trồng, chăm sóc vườn cây đặc sản thanh trà với diện tích gần 3.000m2, hàng năm bán ra thị trường khoảng 4 tấn quả thành phẩm đạt chất lượng VietGAP.
Tổng thu nhập từ mô hình tổng hợp của ông Nhân khoảng 350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập mỗi người 6 triệu đồng/tháng, giúp đỡ 1 hộ nghèo. Ông Nhân còn tích cực học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh trà để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, cung ứng cây, con giống cho nông dân có nhu cầu trên địa bàn phường.
Hỗ trợ nhau thoát nghèo
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyết, Chủ tịch HND TP. Huế cho biết, HVND giỏi các cấp ở TP. Huế đã phát huy tốt tinh thần tương trợ lẫn nhau, không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ người khác vươn lên trong cuộc sống. Mỗi nông dân SXKD giỏi thường xuyên giúp đỡ từ 1-3 nông dân nghèo về vốn, giống, kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phong trào nông dân SXKD giỏi trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thu hút, động viên nông dân phát huy ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội ở địa phương. Từ phong trào đã có nhiều nông dân biết phát huy lợi thế về tiềm năng lao động, đất đai, đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của từng vùng. Nhiều ngư dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trong nuôi trồng, khai thác hải sản, đánh bắt dài ngày ở vùng biển xa, kết hợp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mô hình trồng cây xen ghép hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương Thừa Thiên Huế.
Nhiều hộ gia đình tham gia tích cực vào các mô hình như tổ hợp tác, chi hội, tổ HND nghề nghiệp trồng rau hữu cơ, trồng sen ở HND Kim Long, trồng rau theo hướng hữu cơ Xuân Phú, trồng sen - nuôi cá ở An Đông, trồng tràm, trồng rau muống, chăn nuôi lợn rừng… Bà con còn tích cực xây dựng kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, từng bước ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, tưới nhỏ giọt tiết kiệm phân, nước... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các HVND tương trợ, giúp đỡ nhau, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SXKD, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ nông dân.
Qua phong trào này đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, tác động tích cực tới HVND tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh, nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh… Phong trào đã động viên, khuyến khích, vận động các hộ SXKD đóng góp xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn cải thiện điều kiện nhà ở và đóng góp tích cực trong các cuộc vận động, xây dựng nguồn quỹ ở địa phương.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều hộ dân được hỗ trợ về nhà ở, sinh kế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Hồ Văn Lương (tại bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) cho biết, gia đình anh thuộc diện khó khăn của xã. Nhiều năm qua, do không có điều kiện, nên cả gia đình sống trong ngôi nhà tạm bợ xuống cấp, dột nát.
Thông qua Hội Phụ nữ và Ban Vận động giảm nghèo bền vững xã, được một tổ chức hảo tâm hỗ trợ 90 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn và người thân giúp đỡ, vợ chồng anh Lương đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang để ở. Ngoài ra, anh còn được tặng con trâu giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, gia đình anh Lương chính thức thoát nghèo.
Cũng là một trong những hộ nghèo của xã, anh Hoàng Mạnh Luân (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị và nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình kinh phí để hỗ trợ xây dựng ngôi nhà ở khang trang, vững chãi.
Bên cạnh đó, gia đình anh Luân còn được hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển kinh tế gia đình. “Thật sự gia đình tôi vô cùng vui mừng và biết ơn đến chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và các cơ quan đơn vị trên địa bàn đã hỗ trợ cho gia đình có nhà ở và sinh kế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Luân nói.
Theo UBND xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc), thời gian qua, công tác giảm nghèo, đặc biệt là xoá nhà tạm và sinh kế cho hộ nghèo luôn được địa phương quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã đã xóa nhà tạm cho 27 hộ, trong đó chủ yếu là các gia đình người đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Cùng với việc xóa nhà tạm, địa phương cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ sinh kế cho người dân, giúp họ có thêm nguồn lực để phát triển kinh, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, tranh thủ từ các nguồn lực, dự án về các mô hình sinh kế để hỗ trợ cây, con giống cho người dân, từ chăn nuôi bò, lợn, dê, gà và cây giống. Thông qua Quỹ "Vì người nghèo", địa phương đã hỗ trợ cho các gia đình phát triển sản xuất từ các mô hình sinh kế. Từ năm 2020 đến nay số hộ nghèo tại xã Xuân Lộc đã giảm 25 hộ (giảm 3,44%). Hiện toàn xã Xuân Lộc chỉ còn 16 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,13%), 26 hộ cận nghèo (3,46%).
Tăng cường các giải pháp
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện quan tâm. Trong năm 2023, toàn huyện Phú Lộc có thêm 447 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,66%.
Tính đến ngày 25/5/2024, kinh phí thực hiện 6 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 28,373 tỷ đồng; hiện đã giải ngân được 3,243 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, từ các nguồn huy động, đến nay địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 65 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 4,970 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại các địa bàn dân cư. Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ đối với các hộ nằm trong phương án thoát nghèo và cận nghèo. Xây dựng phương án và hỗ trợ thoát nghèo cụ thể như xây dựng và sửa chữa nhà ở, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo từng hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu…
Nhiều năm qua, công tác xoá nhà tạm cho hộ nghèo được quan tâm hàng đầu ở Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, huy động xã hội hóa và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tiết kiệm ít nhất một ngày 1.000 đồng” để giúp đỡ hộ nghèo không có khả năng lao động có nguyện vọng thoát nghèo.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Thông qua các phong trào, hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, thời gian qua TP. Huế đã triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo được tỉnh, thành phố đề ra, đồng thời xây dựng lộ trình, phương án sớm đưa hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, TP. Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm số hộ nghèo xuống mức thấp nhất, đồng thời tạo ra nhiều mô hình để người nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị chủ trì các dự án, tiểu dự án; phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ tiền điện cho 2.307 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí, miễn, giảm học phí cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội đợt 1 và 2 năm 2024 cho 113 trường hợp, với tổng kinh phí hơn 880 triệu đồng. Ngoài ra, UBND các xã, phường cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo tại địa phương. Nhờ đó, sau 2 năm kể từ đầu giai đoạn 2021 - 2025, đến nay thành phố đã đạt chỉ tiêu giảm nghèo đến cuối năm 2025 (0,65%) theo phương án phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo của cấp tỉnh giao.
Đến nay, toàn thành phố có 3 phường không có hộ nghèo, trong đó phường Vĩnh Ninh duy trì nhiều năm liền, Phú Nhuận là năm thứ 2, Phú Hội là năm đầu tiên; 1 phường không có hộ nghèo và hộ cận nghèo (Phú Nhuận). Dự kiến cuối năm 2024 có thêm từ 1 - 2 địa phương không còn hộ nghèo trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 1,34%; cuối năm 2023 là 1,06%; phấn đấu đến cuối năm 2024 là 0,77% và cuối năm 2025 là 0,65%.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, để thực hiện mục tiêu GNBV, thành phố chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, vận động, giải thích và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, cán bộ cơ sở nắm chắc chủ trương, chính sách và vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia thực hiện nhằm từng bước nâng cao ý thức, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, phân loại, lập danh sách hộ nghèo để quản lý, lập kế hoạch giảm nghèo theo địa chỉ và nguyên nhân nghèo, khả năng, điều kiện thoát nghèo của từng hộ trên địa bàn (thôn, tổ dân phố); thực hiện công khai danh sách hộ nghèo và các chế độ, chính sách giảm nghèo để mặt trận, đoàn thể cùng tham gia giám sát, phản biện.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.