Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 | 11:21

Giải pháp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng ĐBSCL có nhiều điều để phát triển ngành Du lịch, tuy nhiên, theo nhận định hiện du lịch của vùng còn đơn điệu, không tạo ra điểm nhấn, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm dẫn tới chưa thực sự thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Trước thực trạng trên nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra.

Tiềm năng lớn, nhưng chưa hút khách

Du lịch được xác định là thế mạnh ở ĐBSCL nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, sở hữu kho tàng văn hóa giàu bản sắc, từ đó phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, biển đảo chất lượng cao. Thế nhưng lượng du khách chọn nơi này làm điểm đến không như mong đợi.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, nhưng lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 1,9  triệu lượt. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, ĐBSCL chỉ đón được gần 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong bối cảnh chính sách thị thực thông thoáng hơn, cấp thị thực điện tử cũng được áp dụng... Điều này cho thấy du lịch vùng ĐBSCL trong đó có du lịch trên sông chưa phát triển như kỳ vọng.

ĐBSCL có nhiều điều kiện để phát triển ngành Du lịch.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Công ty Focus Travel cho biết, sông Mê Kông là 1 trong 5 điểm đến bằng đường sông yêu thích nhất trên thế giới. Nhiều năm qua, du thuyền của công ty đã đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đi khám phá dòng sông Mê Kông với hành trình tour khoảng 8 ngày 7 đêm từ Mỹ Tho (Tiền Giang) tới Siem Reap (Campuchia). Có điều, trong hành trình này, tàu ở khu vực Campuchia nhiều hơn Việt Nam.

Tôi rất xót xa khi tàu chạy gần 5 ngày ở Campuchia, trong khi chỉ chạy khoảng 3 ngày ở Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều điểm đến ở ĐBSCL chưa được khai thác dù những nơi này có đầy đủ câu chuyện, tư liệu quý để làm du lịch. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) hay lò gạch ở Vĩnh Long nếu có thể dừng sản xuất và chuyển sang sản phẩm du lịch sẽ vô cùng hấp dẫn, ông Hiếu cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Saigon WaterBus, là những con tàu du thuyền đẹp như La Marguerite hay những trải nghiệm sông nước ở nhiều nơi chủ yếu là khách quốc tế, trong khi khách Việt rất ít. Trong khi đó, phát triển du lịch sông nước sẽ thúc đẩy những ngành nghề kinh tế khác.

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nói, khi nhắc tới vùng ĐBSCL là nhắc tới các loại thủy hải sản và trái cây miệt vườn sông nước. Tuy nhiên, liên kết vùng của khu vực này vẫn yếu khi các làng nghề đang ngày càng mai một, thậm chí là "chết dần", kinh tế bản địa của địa phương cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để thúc đẩy du lịch cần đầu tư cho các di sản văn hóa, làng nghề, vừa thúc đẩy kinh tế nhưng vừa phải duy trì di sản của địa phương.

Phân tích nguyên nhân khiến du lịch ĐBSCL chưa hút khách, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, hiện các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thiếu đầu tư dài hạn và thiếu tính liên kết chuỗi giá trị đang là những điểm yếu, thách thức lớn của du lịch ĐBSCL. Tại một số địa phương cơ sở vật chất ở mức sơ khai. Do vậy, mức độ “lôi kéo” du khách kéo dài thời gian lưu trú thấp. Điều này dẫn đến tổng thu từ du khách không cao, thị trường thiếu ổn định.

Chuyến đi khám phá Mê Kông trên tàu La Marguerite.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL thừa nhận, mặc dù các tỉnh miền ĐBSCL có khí hậu ôn hòa, rất cuốn hút khách du lịch nước ngoài, nhất là những du khách đến từ xứ lạnh nhưng chưa có sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương để lại ấn tượng cho du khách có thể quay lại vào những kỳ nghỉ tiếp theo. Không chỉ có vậy, đa phần các đơn vị, hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp. Đồng thời còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác tiềm năng, chưa chú trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ Lê Đình Minh Thy cho biết,  vì phát triển khá muộn nên ĐBSCL vẫn là một trong những “vùng trũng của du lịch” và chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề lớn nhất của du lịch ĐBSCL là sản phẩm gần như không hấp dẫn và trùng lặp, nguồn nhân lực hạn chế. Nhiều du khách quốc tế sau khi đến ĐBSCL du lịch đã phản hồi sẽ không quay lại lần thứ hai vì chưa có tour thực sự hấp dẫn.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo các chuyên gia, điều cần làm lúc này là phải phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa. Bên cạnh đó, nhà nước, địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến với vùng. Ngoài ra, cần phải đầu tư vào các sản phẩm du lịch gắn với chiều sâu văn hóa và những câu chuyện của vùng đất này.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt góp ý, tại từng làng nghề truyền thống, khách có thể trải nghiệm thực tế làm bánh, bó chổi, làm chiếu... Thay vì chỉ làm cho vui, khách có thể trải nghiệm sâu hơn như tự gói bánh, nấu bánh và thưởng thức chính cái bánh đó. ĐBSCL nổi tiếng với đình làng, nhà cổ có kiến trúc độc đáo cũng có thể đưa khai thác sâu để gia tăng thêm sản phẩm, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Chợ nổi Cái Rằng Cần Thơ thu hút khách quốc tế tham quan, trải nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, đồng tình với các ý kiến rằng phát triển du lịch ven sông sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo bà Dung, không chỉ Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng mong muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cùng chung tay. Bởi, hiện tại có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề làm bánh dừa… sẵn sàng đón khách. Nếu có nhà đầu tư và được đầu tư xứng tầm về phát triển hạ tầng cảng biển, bến tàu những nơi này sẽ thu hút thêm nhiều du khách. Khi đó, không chỉ các làng nghề sẽ sống lại mà sản phẩm du lịch cũng hấp dẫn hơn, chạm tới cảm xúc của du khách. Từ đó, người dân địa phương cũng được hưởng lợi.

Hiến kế giúp du lịch ĐBSCL thu hút khách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, các tỉnh cần xây dựng tour, điểm du lịch chuyên biệt, sản phẩm đặc trưng của riêng từng địa phương. Chẳng hạn tỉnh Bến Tre nên đẩy mạnh khai thác các loại hình dịch vụ, di tích lịch sử văn hóa,  các giá trị ẩm thực chế biến từ dừa trong phục vụ du khác qua đó định vị thương hiệu của địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội Nhữ Thị Ngần cho rằng, chính quyền địa phương nên phối kết hợp với doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tổ chức khảo sát tiềm năng thế mạnh,  qua đó lập quy hoạch xây dựng tour đặc trưng của địa phương. Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được Nhà nước xếp hạng, ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú với nền ẩm thực lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, tạo nên những nét riêng biệt với nhiều món ngon nổi tiếng. Đây là tiềm năng lớn để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa Khmer, tâm linh, từ đó tạo nên sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Đại diện CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho biết, nhằm hỗ trợ du lịch BĐSCL hút khách, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức các chuyến famtrip khảo sát tiềm năng thế mạnh địa phương. Thông qua hoạt động này nhiều công ty du lịch Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, để hút khách đặc biệt là du khách quốc tế đến với ĐBSCL ngành hàng không nên tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương. Đồng thời giảm thuế, phí dịch vụ sân bay cho những chuyến bay quốc tế thuê bao đến Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu vào mùa thấp điểm.

Các doanh nghiệp, nhà quản lý đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành Du lịch ĐBSCL.

Để hỗ trợ ngành du lịch ĐBSCL xây dựng tour tuyến đặc trưng, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTT&DL Trà Vinh đề nghị, thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia tổ chức những lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các hộ dân các tỉnh ĐBSCL tham gia phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái... Đồng thời, mong muốn TP. Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh kết nối xây dựng tour, tuyến và trao đổi khách. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội truyền đạt kinh nghiệm xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn nghiệp vụ.

Nhằm hỗ trợ các tỉnh miền ĐBSCL nâng cao chất lượng du lịch, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, thời gian tới đơn vị sẽ song hành với các địa phương ĐBSCL trong việc đào tạo, tập huấn về xây dựng sản phẩm, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Hà Nội còn đòi hỏi chính các địa phương ĐBSCL cần vào cuộc trong việc hợp tác với Hà Nội đưa ứng dựng công nghệ số trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch thông minh, qua đó cung cấp cho du khách dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội.

Tổng hợp từ nguồn: Nld.com.vn; Kinhtedothi.vn.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Hội Nông dân thành phố Hội An với công tác an sinh xã hội

    Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Hội 14/10 vừa qua và các đợt sơ kết, tổng kết công tác, phong trào của Hội.

  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Giấc mơ bạc tỷ: Bi kịch khi làng lên phố

    Giấc mơ bạc tỷ: Bi kịch khi làng lên phố

    Đây là thể loại phim hài được lấy ý tưởng từ nhiều vùng quê khi làng lên phố, họ cố gắng cống hiến, thể hiện bản thân nhưng cuối cùng 3 nhân vật chính: Trung - Trường - Trang đều khởi nghiệp thất bại. Và cuối cùng họ nhận ra được bài học từ chính cha mẹ mình, đó là không cần đi đâu xa làm giàu mà hãy làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng chính tài năng và trí tuệ của mình.

  • Những chính sách nhân văn để không ai bị bỏ lại phía sau

    Những chính sách nhân văn để không ai bị bỏ lại phía sau

    Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, các lĩnh vực y tế, giáo dục và giảm nghèo của chúng ta được thực hiện một cách kiên định với chính sách không ngừng cải thiện, nâng cao, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024

    Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024

    UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có thông cáo báo chí về Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I (gọi tắt là Lễ hội).

Top