Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023 | 11:16

Giữa mùa khô, số ca mắc sốt xuất huyết ở ĐBSCL tăng cao

Mặc dù đang là mùa khô nhưng số ca mắc sốt xuất huyết ở ĐBSCL đã tăng mạnh bất thường, thậm chí có trường hợp tử vong. Các địa phương đang triển khai các giải pháp để phòng chống bệnh.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Hiện, đang là thời điểm mùa khô nhưng tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, số lượng ca mắc sốt xuất huyết đến điều trị không có xu hướng giảm. Qua thống kê của bệnh viện những ngày qua tại Khoa Sốt xuất huyết có hàng chục ca tới điều trị, trong đó có những trường hợp bị sốt xuất huyết nặng, thậm chí có cả trẻ 5 tháng tuổi cũng phải vào viện điều trị sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của bệnh viện, thời gian qua số ca nhập viện khám và điều trị sốt xuất huyết tương đối cao, trong tháng 1 ghi nhận khám nội trú 164 ca, tăng 413% so với cùng kỳ năm 2022, 32 ca. Tháng 2 mặc dù có giảm nhưng số ca mắc vẫn cao, khám điều trị nội trú 173 ca, ngoại trú 135 ca.

Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng, (Ảnh: Tuấn Quang)

Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay đã có 472 ca mắc, trong khi cùng thời điểm này năm 2022 chỉ có 85 ca, tăng hơn 555% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số ca mắc tăng mạnh ở 9/9 quận, huyện của thành phố.

Tại tỉnh Long An, theo ghi nhận của Sở Y tế tỉnh này, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 570 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5 lần so cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc có xu hướng tăng tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương có nhiều ca mắc như: Thủ Thừa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và TP. Tân An. Sở Y tế tỉnh Long An dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh do điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, chỉ số côn trùng tăng cao.

Trong khi đó, tại khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Thống kê từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận 57 trường hợp, đáng chú ý, trong đó có đến 12 ca nặng.

Điển hình như bệnh nhi N. Đ. K. (12 tuổi, ở TP. Bạc Liêu) được phát hiện sốt từ thứ 3 tuần trước, sau đó điều trị tại Trung tâm y tế thành phố 1 tuần nay nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Bệnh nhi có dấu hiệu chuyển nặng, bị sốc nên được chuyển đến Khoa nhi Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu điều trị. Tại đây các bác sĩ đã tích cực truyền dịch chống sốc, hiện nay sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

Theo BS Nguyễn Thị Yến - Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, người dân cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết và cần quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh. Ðối trẻ nhỏ hoặc người lớn bị sốt 2 ngày liên tục, dùng thuốc giảm sốt không đỡ nên đưa người bệnh tới trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 122 ca mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số ca sốt xuất huyết tuần này có giảm hơn so với 2 tuần trước nhưng số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ.

Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến tương đối phức tạp, số ca mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 150 ca mắc, tăng trên 128% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung nhiều ở TP. Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi… Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn tồn tại và nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao. Hiện các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng để tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Thời gian qua, mặc dù huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), đã triển khai nhiều giải pháp giám sát ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của sốt xuất huyết, thế nhưng huyện vẫn ghi nhận số ca mắc tăng đột biến. Cụ thể, tính từ đầu năm đến giữa tháng 2-2023, huyện ghi nhận 79 ca mắc, có 13 ổ dịch và 9/16 xã có ổ dịch.

Các địa phương đẩy mạnh công tác phòng dịch

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch sốt xuất huyết trong năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, cần có sự chủ động cảnh báo, giám sát để sẵn sàng ứng phó dịch khi bước vào mùa mưa. Tại xã Tân Hải, (Phú Tân, Cà Mau) có 7 ấp, mỗi ấp chia làm nhiều tổ, mỗi tổ phụ trách từ 50-100 hộ dân, thời gian qua các tổ khẩn trương đến từng hộ gia đình kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước.

Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Bí thư Chi bộ ấp Kết Nghĩa, xã Tân Hải cho biết, hàng năm Chi bộ ấp quán triệt trong toàn thể đảng viên về công tác phòng, chống sốt xuất huyết như: Triển khai mô hình nuôi và phân phát cá bảy màu trong hộ dân. Đồng thời, lồng ghép công tác tuyên truyền vận động người và lực lượng đoàn thể cùng tham gia.

Ông Bùi Xuân Cây - nhân viên y tế ấp Kết Nghĩa cho biết thêm, ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phải dựa vào cộng đồng. Chúng tôi đã đến từng hộ gia đình xem họ đã thực hiện được biện pháp gì, sau đó mới hướng dẫn họ làm cụ thể. Nếu gia đình có dụng cụ chứa nước thì thả cá bảy màu vào, hướng dẫn vệ sinh môi trường và tránh muỗi đốt. Nhìn chung những hộ dân trong ấp đã chấp hành và làm theo hướng dẫn của ngành y tế.

Ông Lê Hoàng Phúc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khuyến cáo, theo diễn biến thông thường, dịch bệnh thường tăng cao vào mùa mưa do sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh, bắt đầu từ tháng 6-8 và đạt đỉnh vào tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của dịch bệnh và thời tiết không thể loại trừ trường hợp dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong những tháng sắp tới. Thống kê của bệnh viện gần đây số ca nhập viện điều trị 2 tháng đầu năm nay là 80 trường hợp, tăng cao hơn 240% so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương đang triển khai giải pháp để phòng dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao.

Theo BS Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, sốt xuất huyết không theo chu kỳ mà lưu hành quanh năm, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Tuy nhiên, những cơn mưa bất chợt xuất hiện gần đây gây ra lo ngại về sự bùng phát dịch. Bởi đó là điều kiện để muỗi sinh lăng quăng, yếu tố chính gây bệnh sốt xuất huyết.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, ngành y tế đang tăng cường các biện pháp tiêu hủy mầm bệnh. Tích cực xử lý những ổ dịch nhỏ để can thiệp sớm những nơi mới bắt đầu xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn ngừa bệnh bùng phát trên diện rộng.

Bác Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng, cho biết, số lượng ca mắc sốt xuất huyết mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị từ đầu năm 2023 đến nay đang tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng bất thường này có thể do diễn biến thời tiết cực đoan, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện trên diện rộng, tạo điều kiện cho muỗi vằn gây bệnh phát triển. Do đó, các phụ huynh có con nhỏ phải hết sức lưu ý, tránh chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị cảm cúm thông thường rồi cho uống thuốc qua loa, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện điều trị thì rất nguy hiểm.

Trước số ca sốt xuất huyết tăng đột biến, UBND tỉnh Long An yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cấp, các ngành, mọi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả tại các địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao như: bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, nơi từng có các ổ dịch và bệnh lưu hành.

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo ngành y tế tỉnh khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để các ổ dịch; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Để phòng chống sốt xuất huyết, hiện lực lượng y, bác sĩ của Trung tâm y tế Dự phòng các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa bệnh khu vực đông dân cư trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, vật dụng chứa nước, khu vực có nước đọng… trong và xung quanh nhà. Lực lượng y tế phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, ao tù, nước đọng, tích cực tiêu diệt lăng quăng, khi ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày)...

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top