Với tinh thần “Tuổi già nhưng chí không già”, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhiều người cao tuổi vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu, là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập.
Bằng trí tuệ, kinh nghiệm sống, nhiều người cao tuổi vẫn cần cù, sáng tạo làm giàu cho bản thân, gia đình và tích cực hỗ trợ nhiều người khác cùng vươn lên.
“Chặn đứng” đói nghèo
Khi ở tuổi đôi mươi, ông Nguyễn Văn Cưng (sinh 1955) ở ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc - Bến Tre) tham gia bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, ông kết hôn và sinh sống trên chính mảnh đất quê hương, nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng. Không đầu hàng trước đói nghèo, năm 2016, ông vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Cưng (ngoài cùng bên phải) sử dụng vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò, đến năm 2021 gia đình ông đã thoát nghèo.
Có vốn, hai vợ chồng ông Cưng bàn nhau phát triển chăn nuôi phù hợp với sức khỏe bản thân. Ngoài ra, ông còn nhờ cán bộ thú y, nông nghiệp của xã và đồng đội tư vấn cách làm chuồng trại chăn nuôi bò thịt. Đồng thời, ông tận dụng cải tạo 1.000m2 đất quanh nhà trồng cỏ, mua thêm máy băm cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Nhờ “mát tay” và cần cù, chịu khó, đến năm 2021, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Cưng chia sẻ, những đồng vốn vay ưu đãi ban đầu của NHCSXH đã trở thành bệ đỡ, giúp gia đình từng bước vươn lên, cải thiện cuộc sống. Ông mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Hay như ông Nguyễn Văn Dẫu ở xã Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày Bắc). Vốn là du kích mật tại xã trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khi trở về cuộc sống đời thường, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Năm 2015, gia đình ông tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi dê. Khi quyết định vay 50 triệu đồng, ông đắn đo, suy nghĩ vì số tiền đó rất lớn đối với gia đình ông vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, giờ ngẫm lại, đó chính là chiếc “cần câu” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách như ông có vốn để trợ lực sản xuất, nuôi con ăn học thành tài, từng bước thoát nghèo. Theo ông Dẫu, vay vốn từ NHCSXH có nhiều thuận lợi như lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn.
Ông Dẫu cho biết thêm, không chỉ có nguồn vốn, mà còn là sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ tiếp cận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình chăm sóc đàn dê của cán bộ NHCSXH mà từ vài con giống ban đầu, đến nay đàn dê phát triển lên 10 con, trong đó 6 con dê cái chuẩn bị sinh. Không chỉ vậy, ông còn nuôi 2.000 con gà thịt và thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen “thuận tự nhiên” trong vườn cây ăn trái.
Ông Viên (giữa) chia sẻ với vợ chồng ông Cao Văn Đông về cách chăm con bị bệnh.
Ông Nguyễn Quang Viên (69 tuổi), chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh - Khánh Hòa), dù tuổi cao vẫn chưa nghỉ ngơi. Mỗi năm, việc kinh doanh của cửa hàng và phát triển kinh tế theo mô hình vườn - rừng đã mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 500 triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên, phục vụ trong quân đội hơn 15 năm, ông phục viên và chọn Khánh Bình là quê hương thứ 2 của mình. Mấy chục năm trước, điều kiện sống ở Khánh Bình rất khó khăn. Ngoài diện tích đất được cấp, vợ chồng ông khai hoang thêm để mở rộng sản xuất. Khi diện tích trồng mía của gia đình lên tới 7ha, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 1991, ông nhanh nhạy chuyển sang mở lò nấu đường mía thủ công, vừa giải quyết được lượng mía của gia đình, vừa gia công cho những hộ trồng mía khác để kiếm thêm thu nhập.
Khi các nhà máy đường ra đời, biết khó duy trì được lò nấu đường thủ công, ông Viên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn - rừng và mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông vừa duy trì trồng 15ha keo, 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) lúa nước, vừa đầu tư 3 chiếc xe ben, 2 máy đào, 1 cơ sở đúc bê tông làm cống và sản xuất gạch không nung. Từ mô hình của mình, ông đã tạo việc làm cho 18 thanh niên địa phương thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Viên còn có trách nhiệm cộng đồng, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa tại địa phương.
Chúng tôi theo chân ông Viên ghé thăm các ông: Cao Kinh, Pi Năng Là Hơn. Đây là 2 trong số 3 người cao tuổi neo đơn ở thôn Bến Khế được ông Viện nhận chăm lo, hỗ trợ lương thực hàng tháng 7 năm qua. Không những vậy, khi gia đình nào trong xã có người ốm đau, bệnh tật, tang lễ cần sự giúp đỡ, gia đình ông đều tận tình hỗ trợ. Ông còn đăng ký với UBND xã hỗ trợ 2 xe ben tham gia công tác phòng, chống thiên tai, phục vụ tang lễ cho các gia đình có người thân qua đời.
Là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Khánh Bình, hàng năm, ông Viên vận động mạnh thường quân tặng 300 suất quà cho hộ nghèo, người già neo đơn, bệnh tật của xã với trị giá 200.000 - 300.000 đồng/suất…
Để người cao tuổi khẳng định vai trò “cây cao bóng cả”
Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết, hiện cả nước có 221.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều người cao tuổi đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình.
Tuy nhiên, do chưa có các chính sách hướng dẫn cụ thể, nên quá trình khởi nghiệp của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn về đất đai, trụ sở, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, về kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, về tiêu thụ sản phẩm, về quản lý rủi ro, về chính sách thuế...
Liên quan đến dạy nghề cho người cao tuổi, ông Hùng cho rằng, xã hội có quan niệm người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, không phải là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề. Đây cũng chính là lý do mà Nhà nước chưa có những quy định riêng về chính sách, chế độ đào tạo nghề cho người lao động cao tuổi, mặc dù họ cũng là người lao động đặc thù trong xã hội.
“Cần thay đổi nhận thức về việc người cao tuổi tham gia lao động, để tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường lao động vừa đem lại niềm vui, sức khỏe và đóng góp cho xã hội; thay đổi nhận thức của xã hội về việc người cao tuổi có thể tham gia vào thị trường lao động ở những công việc phù hợp với thể trạng và sức khỏe”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, hầu như không có trường chuyên nghiệp nào thực hiện các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề cho người cao tuổi. Rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiến hành đào tạo, dạy nghề cho đối tượng là người cao tuổi. Người cao tuổi muốn học nghề, chuyển đổi nghề phải tự học, hoặc nhờ người thân quen.
Từ thực trạng nêu trên, ông Hùng đề xuất cần xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp; cần tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn tín dụng và huy động vốn xã hội.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người cao tuổi vay vốn để phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng cần sớm triển khai các dự án giáo dục để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm giàu cho người cao tuổi.
Ông Vũ Bá Rồng, đại diện Hội Người cao tuổi Bắc Ninh đề xuất, cần thí điểm mô hình đào tạo nghề riêng biệt, phù hợp với năng lực, tâm lý của người cao tuổi.
Ông Andre Gama, Đại diện văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cũng đề xuất, cần thúc đẩy việc làm cho lao động cao tuổi và kéo dài thời gian làm việc thông qua việc sắp xếp công việc linh hoạt; bố trí các nhóm làm việc đa độ tuổi, khuyến khích tài chính để thúc đẩy tuyển dụng hoặc giữ lao động cao tuổi; cải cách hệ thống lương hưu giúp hệ thống an sinh xã hội bền vững và thiết lập chế độ tiền lương linh hoạt…
Đặc biệt, ông Andre Gama nhấn mạnh việc cần đấu tranh chống chủ nghĩa tuổi tác và phân biệt đối xử với lao động nữ lớn tuổi để người lao động cao tuổi được bình đẳng và phát huy khả năng của mình.