Mặc dù các cấp, các ngành và UBND tỉnh Hà Giang đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, bày bán các sản phẩm giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thực tế tại một số chợ vùng cao, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nhập nhèm xuất xứ
Chợ Bản Muồng, xã Bạch Đích nơi giao thương hàng hóa của người dân một số xã lân cận như Bạch Đích, Na Khê, Thắng Mố và Phú Lũng. Hàng hóa bày bán tại đây khá đa dạng và có xuất xứ từ nhiều nơi. Một trong những mặt hàng được bày bán nhiều nhất là các sản phẩm vật tư cho nông nghiệp như giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên bên cạnh các sản phẩm được sản xuất trong nước thì phiên chợ Bản Muồng cũng bày bán rất nhiều các sản phẩm có nhãn ghi chữ nước ngoài.
Khi được hỏi về nguồn gốc của các sản phẩm, thì phần lớn các tiểu thương tại đây cho biết, sản phẩm được nhập lại từ nhiều nguồn khác nhau như: Tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, đại lý ở thành phố Hà Giang hay tại cửa khẩu Má Phúng, thị trấn Phó Bảng huyện Đồng Văn.
Phiên chợ Bản Muồng bày bán rất nhiều các sản phẩm có nhãn ghi chữ nước ngoài.
Các sản phẩm như giống ngô, giống rau, đậu, thuốc bảo vệ thực vật được người dân mua khá nhiều với giá bán từ 15 cho đến 30 nghìn đồng/1 sản phẩm tùy loại. Không những thế, việc bày bán, trao đổi diễn ra phổ biến từ đầu chợ cho đến cuối chợ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã có Công văn về việc chấn chỉnh công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhập lậu từ Trung Quốc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành đấu tranh, triệt phá đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Nông dân 'lãnh đủ' vì phân bón, thuốc trừ sâu chưa được kiểm soát chặt
Ông Đặng Quý Nhân, tổng giám đốc Công ty CP nông sản Nam Mekong-Somekco (TP.HCM) - cho rằng, các bộ ngành cần sớm có thêm giải pháp để siết chặt quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nếu vật tư đầu vào được quản lý tốt thì mới có nền tảng cho vấn đề phát triển xanh, hữu cơ.
"Gần đây nhất là trái sầu riêng nhiễm chất cadimi từ phân bón khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này gặp khó, nhiều doanh nghiệp và nông dân phải chịu thiệt hại nặng", ông Nhân dẫn chứng.
Tương tự, ông Huỳnh Thái Nguyên, phó giám đốc Công ty CP nông nghiệp hữu cơ OAU (TP.HCM), cho rằng thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện còn có tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Ngoài ra, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang rất nhiều, nếu không có giải pháp tốt, việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh tràn lan tiềm ẩn nguy cơ làm xấu môi trường đất, nước, mất an toàn thực phẩm.
"Chúng ta cứ bàn đến những điều vĩ mô, nhưng thực tế để có nền nông nghiệp bền vững, khâu quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp, phân, thuốc đóng vai trò rất lớn", ông Nguyên đánh giá.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay không ít doanh nghiệp công bố thành phần trong phân, thuốc không sát, không đúng sự thật, còn mập mờ. Điều này khiến nhiều nông dân bị nhầm lẫn, trường hợp tin dùng sản phẩm này có thể lãnh đủ vì nông sản nhiễm chất cấm, vượt dư lượng, không sản xuất theo đúng cam kết với người mua.
"Chúng ta cần phải tăng kiểm soát đối với các doanh nghiệp sản xuất, lưu hành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp vi phạm phải phạt thật nặng. Đây là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước", một chuyên gia nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, Vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón hữu cơ và phân bón khác, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…) không đảm bảo chất lượng hoặc vật tư nông nghiệp giả, sẽ gây hệ lụy rất lớn đối với giống cây trồng mà còn gây thất thoát kinh tế cho bà con nông dân và nhà nước.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử là phương tiện để đưa sản phẩm đến gần và nhanh chóng hơn đối với người mua, nhiều đối tượng xấu đã giao bán sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội, đánh vào thị hiếu của người sử dụng vốn ham của rẻ, để rồi gánh hậu quả khôn lường về kinh tế.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo số 503/BVTV-TTPC, công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Cụ thể, có 44 trong số 92 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm mắc lỗi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón, 11 cơ sở nhập khẩu thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc BVTV vi phạm nội dung ghi nhãn.
Cùng với đó, Cục BVTV dự báo, thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục BVTV sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón.
Chính vì vậy, người nông dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị đầy đủ kiến thức về các quy định, tiêu chuẩn về vật tư nông nghiệp, các sản phẩm chất lượng, để tránh bị kẻ gian lợi dụng sơ hở. Đồng thời, nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, vật nuôi và mùa vụ để sử dụng phân bón và thức ăn chăn nuôi hiệu quả theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để vừa giảm chi phí sản xuất đồng thời giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để người nông dân an tâm sản xuất và được sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, rất cần các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm các đối tượng kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp cũng cần phải có kênh cung cấp cho bà con các sản phẩm chất lượng, năng suất, chất lượng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ về Thông tư số 15/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 hủy bỏ 48 QCVN lĩnh vực Trồng trọt và 51 QCVN lĩnh vực Bảo vệ thực vật. Việc hủy bỏ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thấy việc quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp theo thời gian ở một số quy trình, quy phạm của một số sản phẩm, hàng hóa, góp phần đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT. Đây là nội dung quan trọng để các doanh nghiêp sản xuất cập nhật những quy định mới và áp dụng với sản phẩm để đảm bảo chất lượng. Mặt khác các sản phẩm chất lượng là khi đảm bảo được thủ tục công bố hợp quy và quy chuẩn kỹ thuật hoặc phải đạt được các tiêu chuẩn cao hơn như HACCP, GMP, GLOBALGAP, IFOAM, ...