Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 7:20

Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cấp kỳ; mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh.

Nhiều ca bệnh nặng

Những ngày qua, các bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bệnh đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.500 người mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Bệnh viện E, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận nhiều bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, nhiều trẻ tái mắc.

Điển hình trường hợp bé trai V.H. (8 tuổi, Hà Nội) có tiền sử mắc sốt xuất huyết cách đây 4 năm. Bé H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, đau mỏi người, nôn, đau đầu.  Ở thời điểm nhập viện, trẻ đã xuất hiện chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ phải điều trị theo phác đồ, sau 10 ngày điều trị thì tình trạng mới ổn định.

Hai người trong gia đình cùng mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E. Anh N.K.T. (41 tuổi) cho hay trước đó người nhà anh (cũng từng mắc sốt xuất huyết) nhưng do lớn tuổi nên ông nhập viện ngay. 

"Còn tôi do chủ quan, đã từng mắc sốt xuất huyết và tự điều trị nên không vào viện. Đến ngày thứ 6 bắt đầu sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng không đỡ nên tôi mới đi khám, được bác sĩ yêu cầu nhập viện", anh T. nói.

Bác sĩ Đào Văn Cao, Bệnh viện E, cho hay người dân khi thấy sốt cao đột ngột cần đến cơ sở y tế thăm khám. 

Sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Theo bác sĩ Lâm, bệnh sốt xuất huyết Dengue có bốn loại tương ứng với bốn tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.  Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột, diễn biến qua ba giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trẻ có thể tái mắc với các tuýp vi rút khác nhau nên cha mẹ chú ý không chủ quan.

Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết

Hằng năm, tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10 - 12. Tuy nhiên, năm nay, số lượng ca bệnh tăng, ghi nhận xuất hiện sớm hơn dự kiến.

Mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, cho hay, Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh.

TS Dũng phân tích: chỉ trong quý 1 và quý 2, miền Bắc ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội cũng đang là điểm nóng về sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc.

Trong thời gian tới, Hà Nội có số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi.

Theo CDC Hà Nội, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.

Có nên tự diệt muỗi bằng hóa chất?

Nhiều gia đình tự mua các loại hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, TS Dũng khuyến cáo người dân không nên tự mua hóa chất về phun.

Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc.

Mỗi tuần gần 500 ca mắc sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội  có hơn 3.500 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (324 bệnh nhân), thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh - huyện Thanh Trì (188 bệnh nhân), xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (151 bệnh nhân), thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (69 bệnh nhân), xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất (30 bệnh nhân), thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (29 bệnh nhân).

Trước tình hình dịch bệnh SXH gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã cử chuyên gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội. Cục đề nghị, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ Hà Nội về chuyên môn kĩ thuật phòng, chống SXH. Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng SXH tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hướng dẫn địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Cùng với đó, tổ chức xử lí triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kĩ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lí ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, năm nay, SXH xuất hiện sớm hơn tại Hà Nội và số ca mắc dự báo tiếp tục gia tăng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Đáng chú ý, dù mới đầu mùa dịch nhưng tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thủ đô đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng vì SXH.

(Ảnh minh họa).

Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo bao gồm các dấu hiệu sau:

- Vật vã, lừ đừ, li bì.

- Đau bụng liên tục hoặc tăng cảm giác đau tại vùng gan (hạ sườn phải)

- Buồn nôn, nôn nhiều lần.

- Xuất huyết: chảy máu cam, chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo.

- Tiểu ít.

- Gan to trên 2cm dưới bờ sườn.

- Xét nghiệm: tiểu cầu giảm nhanh, chụp Xquang, siêu âm thấy có tràn dịch màng phổi, màng bụng.

Những điều cần lưu ý trong quá trình theo dõi và chăm sóc người bệnh khi thấy có dấu hiệu cảnh báo trên:

- Không được đánh răng, vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng với gạc mềm bằng nước muối 0.9% hoặc các nước súc miệng thông thường.

- Không ngoáy mũi hay dùng tăm xỉa răng nguy cơ gây chảy máu niêm mạc.

- Nếu bệnh nhân chảy máu mũi: dùng ngón tay ấn chặt vào bên cánh mũi có chảy máu trong phòng 10 phút, đồng thời nghiêng đầu về phía trước, sau đó lấy cục nước đá cho vào hốc mũi để làm ngừng chảy máu.

Chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân trong thời điểm này:

- Dinh dưỡng: ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, chia nhiều bữa, ăn nguội hoặc ấm, không ăn nóng (cháo, phở, soup, miến,...).

- Bù nước bằng đường uống: sử dụng các nước có chứa điện giải (oresol,..), nước hoa quả (cam, dừa, sinh tố,..).

- Không ăn uống những chất kích thích, dầu mỡ, cay nóng, rượu bia, nước có ga,...

- Khi sốt: nới lỏng quần áo, lau, chườm người bằng nước ấm, sốt trên 38.5 độ, dùng hạ sốt đường uống (phải có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ).

- Hạn chế vận động, nghỉ ngơi tại giường, tuyệt đối không vận động mạnh.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top