UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn hỏa tốc số 1149/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 các dịch bệnh khác; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại nơi công cộng và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh trong nước, thành phố và địa phương để có phương án triển khai kịp thời. Kiên quyết, kiên trì và kiên định đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội; phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau, trong đó tập trung vào thông điệp 2K của Bộ Y tế: khẩu trang, khử khuẩn.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh tổ chức việc tiêm chủng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, tuyên truyền lợi ích hiệu quả vắc xin, vận động học sinh và phụ huynh học sinh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin; huy động sự tham gia các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Chỉ đạo tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cơ sở theo diễn biến dịch bệnh, giám sát người nhiễm Covid-19 tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ khi mắc Covid -19, chuyển viện kịp thời. Tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các cơ quan, đơn vị, cơ sơ kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ tại địa phương.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương; đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Ngoài ra, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Theo thông tin tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 17/4, từ ngày 1-4 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn Hà Nội tăng dần. Từ ngày 12 đến 16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca, cao điểm ngày 16/4 có 99 ca mắc. Trong khi 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 16/4, TP còn 566 ca Covid-19 đang điều trị. Hơn một nửa trong số này là người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà (53%). Với các trường hợp còn lại đa số có triệu chứng thường gặp (42% tổng số mắc); 27 trường hợp (tương đương 5%) mức độ nặng phải thở ôxy hỗ trợ qua kính, mặt nạ. Ngoài ra, có 2 bệnh nhân nặng phải thở máy đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Hà Nội hiện còn hơn 4.600 liều vắc-xin Covid-19, trong đó có 870 liều AstraZeneca. Ngày 18/4, thành phố cấp 10.000 liều vắc-xin AstraZeneca cho các quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày, Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Bộ Y tế cũng quy định các trường hợp bắt buộc phải sử dụng khẩu trang gồm: Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.
Ngoài ra, việc bắt buộc đeo khẩu trang được quy định tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế; nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ những người cách ly ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ dưới 5 tuổi).