TP. Hải Phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch ở địa phương, đặc biệt không để lây truyền các bệnh từ động vật sang người.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, 9 năm liền thành phố chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người. Từ năm 2018 - 2024, không có trường hợp người tử vong do mắc bệnh dại. Thành phố vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn qua các năm: 2018 (2 ca), 2019 (5ca), 2020 (1 ca), 2021-2024 không ghi nhận ca bệnh.
Về tình hình dịch bệnh trên động vật, ngày 27/12/2021, xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy; số gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy 1.080 con. Từ năm 2022 đến nay không phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Từ năm 1999 đến nay trên địa bàn thành phố không phát hiện chó, mèo mắc bệnh dại.
Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 36 cơ sở tiêm vắc xin và 03 cơ sở tiêm huyết thanh phòng dại. Kết quả tiêm vắc xin, năm 2021 (1.085 người), năm 2022 (3.366 người), năm 2023 (3.318 người).
Ảnh minh hoạ.
Hàng năm, ngân sách TP. Hải Phòng hỗ trợ vắc xin, phòng bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, kết quả tiêm phòng năm 2021 (10.803.600 con), năm 2022 (10.428.600 con), năm 2023 (9.815.000 con), đợt 1 năm 2024 (76.500 con).
Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại động vật, được triển khai thường xuyên, trong đó năm 2021 (77.220 con), năm 2022 (74.528 con), năm 2023 (71.862 con), 3 tháng đầu năm 2024 (3.598 con).
Ngành Thú y TP. Hải Phòng cũng triển khai giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại một số chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi có kết quả giám sát, phát hiện mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp UBND các huyện thực hiện truy xuất nguồn gốc mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính và triển khai công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện lấy mẫu huyết thanh gia cầm tại các hộ chăn nuôi để kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng và kháng thể do nhiễm tự nhiên với vi rút Cúm gia cầm. Đối với mẫu giám sát phát hiện có sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại chợ, thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu buôn bán 1 lần/ngày liên tục 3 ngày; truy xuất nguồn gốc mẫu dương tính; kiểm tra tình hình đàn gia cầm tại địa phương; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm nuôi nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh. Hạn chế nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố.