Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 7 năm 2024 | 20:29

Hệ lụy từ mua bán giống thủy sản nhập lậu

Gần đây tình trạng nhập lậu con giống thuỷ sản qua đường biển đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

 63 tấn hàu không hóa đơn chứng từ

Gần đây tình trạng nhập lậu con giống thuỷ sản qua đường biển đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nguyên nhân một phần là do một bộ phận người nuôi chưa lường trước được những hệ luỵ khôn lường đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản trong nước khi sử dụng con giống thủy sản nhập lậu.

Hàu giống không qua kiểm dịch, ngoài nguy cơ mắc các bệnh ký sinh trùng và dễ chết, nó còn có thể gây bệnh dịch diện rộng với các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ lân cận, như ngao, sò.

Trước đó, vào ngày 23/6/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với các Lực lượng Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành khám phương tiện thủy có gắn động cơ do ông Lê Đức Chi là người điều khiển.

QLTT Quảng Ninh tiêu hủy 63 tấn hàu giống nhập lậu

Kết quả khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 300.000 dây hàu giống với tổng khối lượng 63 tấn hàu giống do ông N.V. H sinh năm 1969, địa chỉ Khu 9 phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên là chủ. Toàn bộ số hàu giống trị giá hơn 1,5 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa vào danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch. Đó là bệnh do ký sinh trùng, là bệnh gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các vùng nuôi nghêu, ngao, nuôi hàu của Việt Nam. Bệnh này cũng nằm trong danh mục bệnh mà tổ chức thú y thế giới yêu cầu phải báo cáo và công bố dịch khi xuất hiện. Khi nhập lậu những con giống hàu đưa vào trong nước nuôi, vô tình nhập những mầm bệnh này vào".

Tình trạng nhập lậu con giống gia tăng hiện nay xuất phát từ việc chênh lệch giá cả giữa con giống trong nước và nước ngoài. Thêm vào đó, con giống trong nước nhiều năm nay các cơ quan chuyên môn đánh giá không còn tốt, có tình trạng phối cận huyết nên chất lượng kém. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi sẵn sàng bỏ tiền để nhập nguồn con giống không qua kiểm dịch.

Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Người sản xuất cần sử dụng con giống mà có chất lượng rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chuẩn chất lượng được công bố và được kiểm dịch theo quy định. Đối với các địa phương, trước hết cần có sự tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò quan trọng của con giống, đảm bảo hiệu quả sản xuất".

Ông Nguyễn Đình Hưng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: "Với mật độ nuôi trồng thủy sản lớn như ở Quảng Ninh, việc nhập lậu và kinh doanh giống gia cầm thủy sản không rõ nguồn gốc, nhập lậu diễn ra trên thị trường là chúng tôi đặc biệt quan tâm, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Chất lượng con giống bố mẹ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng con giống để đưa ra thị trường. Hiện nay, Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống bố mẹ, nguồn này chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra các giải pháp căn cơ từ những khâu tuyển chọn ban đầu, tình trạng nhập lậu con giống sẽ khó có thể chấm dứt được và để lại những hệ quả khôn lường với ngành nuôi trồng thuỷ sản trong nước.

Cao Bằng: Kiểm tra, thu giữ 1.000 con gà giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh kiểm tra, thu giữ 1.000 con gà giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang trên đường đi tiêu thụ. Theo đó, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Cao Bằng; Phòng Thú y - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải có mui, nhãn hiệu KIA, biển số đăng ký 11C-xxx20 do ông N.H.H; địa chỉ thường trú tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là người điều khiển phương tiện đồng thời là chủ sở hữu số hàng hóa trong xe ô tô.

Đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng xe ô tô cất giấu 20 lồng nhựa, bên trong các lồng nhựa có cất giấu mặt hàng là gà con giống loại 20 ngày tuổi, cụ thể số gà con giống trong xe ô tô là 1.000 con. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y hay giấy tờ khác liên quan đến hàng hóa để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, trong đó một số con gà con giống đã chết và yếu, tổng trị giá của số gà con giống trên là: 19.000.000 đồng.

Đội QLTT số 5 đã tiến hành xác minh làm rõ các tình tiết liên quan của vụ việc và lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.H.H về hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và ban hành Quyết định xử phạt hành chính ông N.H.H với số tiền 12.000.000 đồng và buộc ông N.H.H tiêu hủy toàn bộ 1.000 con gà con giống trên theo quy định.

Trong thời gian tới, Đội QLTT số 5 tiếp tục tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động của các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn toàn tỉnh, nhất là các mặt hàng sản phẩm động vật, gia cầm giống nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Lộc Bình: Chặn sản phẩm gia súc, gia cầm xuất lậu

Theo thông tin từ lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, từ cuối tháng 5/2024 đến giữa tháng 6/2024, hoạt động vận chuyển xuất, nhập lậu sản phẩm gia súc, gia cầm qua tuyến biên giới thuộc địa bàn đồn quản lý có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, có hiện tượng xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm (chân giò lợn, chân gà) qua địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng và tuyến biên giới của thuộc tỉnh nói chung.

Điển hình sáng 29/5, tại tuyến đường thuộc khu vực Cửa khẩu Chi Ma, lực lượng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma và Tổ công tác chống buôn lậu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã phát hiện 1 đối tượng có hành vi vận chuyển 120kg chân gà sấy sang Trung Quốc. Mở rộng điều tra, ngày 30/5/2024, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra kho chứa thực phẩm tại địa bàn xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Qua kiểm tra, phát hiện trong kho có chứa gần 5,3 tấn chân giò đông lạnh. Theo khai báo của chủ kho chứa, lô hàng này của một số đối tượng thuê kho để tập kết trước khi tìm cách vận chuyển trái phép sang Trung Quốc để tiêu thụ.

Lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình phát hiện, thu giữ gần 5,3 tấn chân giò lợn tập kết tại xã Yên Khoái

Đó là 1 trong 4 vụ xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm của các đối tượng buôn lậu mà lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã kịp thời phát hiện, ngặn chặn kịp thời.

Theo đánh giá của lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình, thời điểm này, do giá sản phẩm gia súc, gia cầm tại thị trường Trung Quốc tăng (tăng từ 2 – 3 lần so với giá thực phẩm gia súc, gia cầm tại Việt Nam) nên một số đối tượng đầu nậu đã tìm cách thu mua sản phẩm gia súc, gia cầm của Việt Nam, sau đó tập kết tại một số địa điểm các xã biên giới, rồi tìm cách xuất lậu qua Trung Quốc.

Qua công tác nắm tình hình của lực lượng chức năng, dự báo trong thời gian tới các đối tượng buôn lậu vẫn sẽ gia tăng các hoạt động xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm, bởi mặt hàng thực phẩm gia súc và gia cầm tại thị trường Trung Quốc đang tiếp tục khan hiếm, giá bán tăng cao. 

Trước thực trạng đó, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn hàng hóa xuất lậu trái phép, trong đó có sản phẩm gia súc, gia cầm.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thạch, Phó Đồn trưởng phụ trách nghiệp vụ Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Đồn đã tăng tần suất tuần tra, kiểm tra toàn tuyến biên giới do đơn vị quản lý. Cùng đó, Đồn thành lập 2 tổ công tác chống buôn lậu, phối hợp tổ chức chốt chặn ở những vị trí trọng điểm, có nguy cơ xảy ra hoạt động vận chuyển hàng hoá trái phép và thực hiện tuần tra cơ động tại một số trục đường ra, vào khu vực biên giới tại thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch; thôn Quân Phát, xã Yên Khoái…

Về vấn đề này, ông Lương Văn Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Bên cạnh phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra, chốt tại các đường mòn, chi cục cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm giám sát các phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu để kịp thời phát hiện hàng xuất lậu được cài cắm trong các công-ten-nơ hàng xuất khẩu.

Được biết, không chỉ lực lượng trên tuyến biên giới, cửa khẩu (biên phòng, hải quan), lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng chủ động phối hợp, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sản phẩm gia súc, gia cầm xuất lậu.

Theo đó, hiện Đội Quản lý thị trường số 3 và Công an huyện đã phối hợp tổ chức tuần tra trên các tuyến đường trên địa bàn huyện để ngăn chặn kịp thời các đối tượng vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

Song song với việc tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, các lực lượng cũng đang triển khai các biện pháp nghiệp để triệt phá những điểm tập kết; xây dựng hệ thống thông tin để kịp thời nắm bắt diễn biến bất thường về hoạt động tập kết, xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm qua khu vực biên giới…

Có thể thấy, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã và đang tập trung kiểm soát, ngăn chặn 24/24 giờ, quyết không để các đối tượng buôn lậu xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Việc ngăn chặn triệt để tình trạng xuất lậu sản phẩm gia súc, gia cầm sẽ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm, đồng thời giúp bình ổn mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm tại thị trường trong nước ổn định.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VTV, Baolangson, tapchitaichinh...)
Ý kiến bạn đọc
Top