Sau khi Công ty CP Bê tông Cửu Long tổ chức Lễ khởi công khai thác cát cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhiều người dân đã phản ứng, thậm chí tập trung đông người xung quanh khu vực mỏ cát MS01 trên sông Hậu (thuộc xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cản trở việc khai thác cát cũng như hoạt động của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, có nhiều người dùng điện thoại quay phim livestream, đăng tải các nội dung không đúng sự thật trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok,... gây hoang mang trong nhân dân khi họ cho rằng việc khai thác cát này sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân...
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (người đi đầu ngoài cùng bên phải) trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công cao tốc.
Các mỏ cát phục vụ san lấp cao tốc ở Sóc Trăng
Mục đích triển khai Dự án Đầu tư khai thác cát nhằm cung cấp nguồn cát cho Dự án thành phần 4, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án trọng điểm quốc gia, trong đó đoạn đường cao tốc đi qua tỉnh Sóc Trăng có chiều dài trên 56 km. Để dự án đạt tiến độ theo quy định của Chính phủ, đặc biệt là sớm đưa dự án hoàn thành đi vào hoạt động, phục vụ kết nối các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối các tỉnh với Dự án Cảng nước sâu Trần Đề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy, thu hút các công ty, doanh nghiệp đến tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Nhằm đảm bảo nguồn cát phục vụ dự án, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các dự án khai thác cát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đầu tháng 12/2023 UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao hồ sơ, vị trí, trữ lượng khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường 5 mỏ cát (trong đó có mỏ cát MS01) cho các nhà thầu để nhà thầu lập hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công các gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 4. Tổng số mỏ cát được UBND tỉnh Sóc Trăng bàn giao cho các nhà thầu có diện tích hơn 450ha, tổng trữ lượng hơn 11.000.000m3. Tất cả trữ lượng cát khai thác từ 5 mỏ này chỉ phục vụ cho Dự án thành phần 4, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo đó, có 4 nhà thầu thực hiện Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được giao mỏ cát gồm: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, gói thầu số 11, được giao mỏ MS 05 (trữ lượng 3.360.000m3); Công ty CP Hải Đăng, gói thầu số 10, được giao mỏ MS 11 (trữ lượng 1.987.740m3); Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5-CTCP, gói thầu số 9, được giao mỏ MS 06 (trữ lượng 1.978.133m3); Tổng Công ty Xây dựng số 1-CTCP, gói thầu số 12, được giao 2 mỏ (MS 03 và MS 14, với tổng trữ lượng hơn 3.709.000m3).
Đại diện 4 nhà thầu có nhu cầu sử dụng cát gồm: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn gần 1,5 triệu m3. Công ty Cổ phần Hải Đăng gần 1,8 triệu m3. Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 gần 1,9 triệu m3 và Tổng Công ty Xây dựng số 1 gần 1,5 triệu m3.
Khai thác cát tại mỏ MS01.
Chính quyền nói gì về việc khai thác mỏ cát MS01?
Theo Giấy phép số 31/GP-UBND, ngày 7/8/2024 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc gia hạn khai thác mỏ cát MS01 (gia hạn lần thứ 1) cho Công ty CP Bê tông Cửu Long được phép khai thác cát tại mỏ cát MS01, ngày 15/8, Công ty CP Bê tông Cửu Long thực hiện khởi công khai thác mỏ cát MS01 nằm trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách), với diện tích 34ha; trữ lượng cát được phép khai thác hơn 1.180.000m3, với thời gian khai thác đến hết tháng 8/2028.
Trước tình hình người dân tụ tập đông người sau khi mỏ cát MS01 được khai thác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã 3 lần trực tiếp đến địa phương để lắng nghe các ý kiến của người dân về việc tỉnh triển khai dự án khai thác cát. Trong quá trình đi thực tế và đối thoại trực tiếp với người dân, nhiều hộ dân đã đồng tình ủng hộ dự án, đồng thuận với việc tỉnh tiến hành khai thác cát phục vụ cho dự án cao tốc trọng điểm của quốc gia đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân lo lắng là việc khai thác cát trên sông có thể gây ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Người dân tham gia buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại với người dân của 2 xã trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ với người dân, tài nguyên thiên nhiên là thuộc quyền sở hữu của quốc gia và việc khai thác cát là khai thác tài nguyên quốc gia để phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tầm quan trọng phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, Chính phủ đã đầu tư dự án. Tất cả những gì Đảng, Nhà nước làm là vì lợi ích của nhân dân, phục vụ cho nhân dân. Trong quá trình triển khai dự án, đã có nhiều chuyên gia chuyên ngành đánh giá đầy đủ về những tác động của dự án và cho thấy dự án đạt kết quả tốt, Chính phủ mới thông qua thực hiện. Đối với việc khai thác cát tại mỏ cát MS01, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc khai thác cát trên lòng sông Hậu hiện nay là để phục vụ cho Dự án thành phần 4, thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Trước khi triển khai dự án khai thác cát, tỉnh đã đánh giá tác động môi trường hai bên bờ sông. Trong quá trình khai thác, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức kè hai bên bờ sông, nếu trong quá trình khai thác cát có sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa người dân sẽ đền bù ngay cho người dân.
Trả lời người dân, ông Lâu cho biết: “Dù mỏ cát được cấp phép đến năm 2028, nhưng thời gian khai thác phục vụ dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đến năm 2026. Do đó, khi lấy đủ 1,2 triệu m3 cho dự án cao tốc sẽ dừng khai thác. Để công khai, minh bạch khai thác cát, chúng tôi đã gửi hồ sơ, tài liệu về vị trí, mỗi ngày được phép khai thác bao nhiêu cho người dân biết để giám sát. Người dân cũng có quyền cử người một người ra giám sát việc khai thác cát, chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí 250.000 đồng/người/ngày. Trong ngày, người giám sát có trách nhiệm báo cáo lại với người dân về tình hình khai thác cát. Mong người dân đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ vì lợi ích chung. Mọi hành vi tư lợi, trục lợi, vi phạm trong khai thác cát sẽ bị xử lý nghiêm”.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc người dân ở xã An Lạc Tây và xã Phong Nẫm.
Chủ tịch UBND Sóc Trăng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành ngay việc quan trắc môi trường, nếu có dấu hiệu sạt lở phải khắc phục ngay, tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân.
“Tất cả những gì tỉnh làm là vì lợi ích chung của quốc gia, vì lợi ích chung của toàn dân trên địa bàn tỉnh, chính quyền lúc nào cũng lo cho người dân, nhưng lo như thế nào để toàn dân đều phát triển, chứ không phải phát triển chỗ này để chỗ kia khó khăn. Phải đầu tư các hạ tầng đồng bộ để bà con cố gắng vươn lên, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Chính quyền sẽ đầu tư xây dựng xây dựng con đường giao thông với chiều rộng là 3,5m dài hơn 10km để phục vụ tốt hơn việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân”, ông Lâu động viên người dân.
Ông Trần Văn Lâu đề nghị huyện Kế Sách rà soát các gia đình là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 2 xã để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Bao gồm việc xây dựng nhà đại đoàn kết, tiếp cận nguồn vốn vay, mô hình sinh kế, tạo việc làm cho người dân. Nhất là những hộ chuyên sinh sống bằng nghề giăng lưới, bắt cá.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh, việc khai thác cát phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia, mọi hành vi tư lợi, trục lợi, vi phạm trong vấn đề khai thác cát sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình đơn vị được giao khai thác cát, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở không cho khai thác cát để phục vụ dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chính quyền cho khắc phục sạt lở ở xã Phong Nẫm.
Người dân nói gì về việc khai thác mỏ cát MS01?
Sau khi mỏ cát MS01 được thi công khai thác, nhiều hộ dân đã bày tỏ nỗi lo lắng của mình khi việc khai thác cát sẽ dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương. Nhiều người đã phản ứng, thậm chí tập trung đông người xung quanh khu vực mỏ cát, cản trở việc khai thác cát cũng như hoạt động của lực lượng chức năng. Đặc biệt, có một số người cố tình chống đối, có hành vi dùng điện thoại quay phim livestream, đăng tải, chia sẻ thông tin xuyên tạc, sai sự thật về việc khai thác mỏ cát MS01 trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok,... kích động, xúi giục người dân cản trở trái phép các hoạt động khai thác cát, thu hút nhiều bình luận tiêu cực về việc khai thác mỏ cát, người gây hoang mang trong nhân dân.
Trái ngược với thái độ quá khích của một số đối tượng, nhiều người dân ở các xã nói trên rất đồng tình với chủ trương của nhà nước về khai thác cát phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Bà con chỉ nêu những kiến nghị, đề xuất với chính quyền như xem xét về khoảng cách cấp phép khai thác so với bờ; ngành chức năng cần đánh giá chính xác thực trạng, diễn biến sạt lở tại khu vực khai thác; đơn vị khai thác phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng; tiếp tục đầu tư gia cố hạ tầng giao thông nông thôn tại khu vực đang có dấu hiệu rạn nứt sạt lở, xem xét sử dụng nguồn vật liệu thay thế để giảm thiểu thiệt hại do khai thác cát sông; mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ với người dân bị ảnh hưởng nhà, đất do sạt lở gây ra và hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân. Thời gian khai thác cát đến năm 2028 quá lâu. Việc khai thác cần giám sát chặt chẽ, cát phải được đưa đến dự án cao tốc, không được đem cát ra ngoài,....
Ông Võ Văn Hổ (7 Hổ) ở ấp Phong Hoà (xã Phong Nẫm) tâm sự: “Người dân lo khai thác cát gây nguy cơ sạt lở bò sông là có lý của họ. Nhưng suy cho cùng, tình trạng sạt lở không hoàn toàn do khai thác cát mà còn có nhiều nguyên nhân khác như dòng chảy, biến đổi khí hậu, tàu thuyền chạy nhiều tạo sóng,... Có nhiều đoạn bờ sông không khai thác cát vẫn bị lở. Mấy ngày đầu, bà con tập trung phản đối, gây khó khăn cho chính quyền và đơn vị khai thác cát nhưng sau khi Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống địa phương gặp gỡ bà con, chia sẻ tâm sự và động viên bà con, hứa sẽ có chính sách hỗ trợ địa phương như hỗ trợ vốn cho những người làm nghề câu lưới bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác cát, khắc phục nếu xẩy ra sạt lở do khai thác cát, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, tiếp cận nguồn vốn vay, mô hình sinh kế, tạo việc làm cho người dân và nhất là đầu tư xây dựng đường giao thông ở xã thì bà con vui lắm, mừng lắm. Tỉnh quan tâm như vậy nên những ngày này không ai ra ngăn cản ở khu vực khai thác cát. Bản thân tôi cũng làm công tác tư tưởng cho bà con là dự án lớn của nhà nước, có lợi cho nhiều tỉnh, dù mình có thiệt thòi chút đỉnh cũng vui lòng. Ở các tỉnh có cao tốc đi qua, hàng trăm hộ dân đã nhường nhà cửa, đất đai, tài sản cho thi công đường, cớ gì bà con ta lại làm khó cho việc khai thác cát. Vậy là bà con nhất trí gần như 100%, chỉ còn một vài hộ còn lăn tăn chút xíu nhưng chúng tôi sẽ động viên, thuyết phục bà con. Hiện nay, chính quyền đang cho làm bờ kè khắc phục tình trạng sạt lở đường đi, đó là sự quan tâm thiết thực của nhà nước với nhân dân dù đoan sạt lở này không phải ở nơi khai thác cát hiện nay”.
Thi công cầu vươt trên tuyến cao tốc ở Sóc Trăng.
Ông Hứa Văn Lến (ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm) chia sẻ: Theo ý kiến của cá nhân tôi, cát là tài nguyên quốc gia thì việc khai thác cát phục vụ công trình trọng điểm quốc gia là hợp lý, người dân không thể ngăn cản. Còn việc khai thác cát dẫn đến sạt lở đất đai cần có cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, có căn cứ khoa học. Thực chất của tình trạng sạt lở đất bờ sông đã xẩy ra từ nhiều năm qua chứ không phải chỉ có khai thác cát mới sạt lở. Nếu chịu khó tìm hiểu, quan sát, có nhiều đoạn sông, đoạn kênh không ai khai thác cát vẫn bị sạt lở. Tôi lấy ví dụ, ngay tại thị trấn Kế Sách, tuyến kênh Kế Sách-Na Tưng có đoạn bờ kè sụp xuống kênh dài mấy chục mét, trong khi đó, tuyến kênh này không hề có việc khai thác cát. Hay như tuyến rạch Phụng An trên địa phận xã An Mỹ (của huyện Kế Sách) dài khoảng 3km nhưng đã có đến hàng chục điểm sạt lở, mặc dù không ai khai thác cát cả. Sau khi khai thác mỏ cát MS01, nhiều người tập trung phản ứng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh đã 3 lần đến địa phương gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, chia sẻ rất chân tình với bà con. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ địa phương làm con đường giao thông nông thôn với bề ngang mặt lộ 3,5m; chiều dài hơn 10km, sẽ giúp cho việc vận chuyển nông sản của hộ dân trên địa bàn ấp thuận lợi hơn, góp phần tăng giá bán nông sản sau thu hoạch. Bà con rất vui, rất phấn khởi. Nói thật lòng, khai thác cát vì mục đích chung, dù bà con có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều so với cái được nên chúng tôi ủng hộ chính quyền.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng được khởi công sáng 17/6/2024. Tuyến đường dài hơn 188 km, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng. Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn, rộng 17 m, cho xe chạy 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027. Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, quốc lộ 91 đang quá tải... Công trình còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á. Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của 4 địa phương có cao tốc đi qua, cũng như Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của vài năm chỉ trong một năm. Thủ tướng Chính phủ cũng hoan nghênh người dân đã nhường nơi ở, sinh kế để dự án có mặt bằng triển khai thi công. Theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch đến năm 2050 Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188 km, quy mô 4-6 làn xe. Các công trình này được phân bổ đều toàn vùng với ba trục dọc và ba trục ngang. |