Vi phạm về an toàn thực phẩm trên cả nước vẫn đáng lo ngại. 5 tháng đầu năm nay có 3.596 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng.
Vi phạm thực phẩm nhập lậu còn nhiều
Một số vụ điển hình trong những tháng đầu năm nay như: Tháng 1/2024, Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ, Công an xã Hữu Văn tiến hành kiểm tra kho đông lạnh của ông Nguyễn Bá Minh (trú tại thôn Quang Trung, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ) phát hiện, thu giữ 40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiễm virus tả lợn châu Phi và dịch bệnh tai xanh chứa trữ trong 2 kho đông lạnh. Ngày 25/1/2024, Ban chỉ đạo 389 huyện Chương Mỹ chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Hay trong tháng 3/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp trạm Cảnh sát Giao thông huyện Hàm Yên, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô và phát hiện gần 1,4 tấn mỡ lợn không có nguồn gốc xuất xứ.
Trong 4 và tháng 5/2024, các đội Quản lý thị trường cũng đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ vi phạm thực phẩm có nguồn gốc động thực vật. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phối hợp tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng hóa nhập lậu đối với mặt hàng thực phẩm tại các khu vực cửa khẩu, biên giới và thị trường nội địa, đặc biệt sau đợt dịch bệnh, đã mang lại kết quả khả quan; trong đó nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu với số lượng lớn tang vật vi phạm là các loại thực phẩm đông lạnh có nguồn gốc động, thực vật.
Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 29.400 quả trứng gia cầm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lê cũng chia sẻ, việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc truy xuất các giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Bên cạnh đó, công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là động thực vật mang dịch bệnh, hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sức khỏe, môi sinh môi trường… dễ gây ô nhiễm môi trường, do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu hủy hàng hóa.
Cộng với đó, việc một bộ phận người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè, khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động nhập lậu thực phẩm vẫn lén lút diễn ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhất là thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động, thực vật…
Ngoài ra, việc hạn chế kinh phí kiểm nghiệm mẫu, tiêu hủy thực phẩm, công tác tuyên truyền… đã ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tỷ lệ số lượng mẫu được lấy để kiểm nghiệm chưa nhiều.
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu động vật từ cửa ngõ biên giới
Do lợi nhuận kinh tế lớn, các đối tượng tội phạm vẫn lén lút vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, con giống gia cầm và các sản phẩm từ động vật qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu biên giới. Trước thực trạng này, các đơn vị thuộc BĐBP Quảng Ninh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật và các sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tối ngày 20/4/2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển thuộc phường Trà Cổ, Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện một bè gỗ xốp không biển kiểm soát đang hành trình hướng từ biên giới vào vùng biển nội địa. Tiến hành kiểm tra, Đội tuần tra kiểm soát đã phát hiện phương tiện do đối tượng N.Đ.S, sinh năm 1993, trú tại phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh điều khiển chở 29.400 quả trứng gà.
Đối tượng S khai nhận, nhờ một người đàn ông Trung Quốc tên là A Sồi mua giúp số trứng trên bên Trung Quốc. Sau đó, S điều khiển bè gỗ của mình sang khu vực vùng biển Trung Quốc giáp ranh với vùng biển Trà Cổ nhận trứng và vận chuyển về Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng S không xuất trình được đăng ký phương tiện, chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng và giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số trứng gà trên. Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Trà Cổ đã lập biên bản, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc buôn lậu động vật, sản phẩm từ động vật mà Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện, bắt giữ và xử lý trong thời gian qua.
Đồn Biên phòng Trà Cổ có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 12km tiếp giáp với Trung Quốc cả trên sông và trên biển. Lợi dụng địa hình biên giới có nhiều luồng, lạch, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có động vật, sản phẩm từ động vật.
Đánh giá về tình hình, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng, Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ cho hay, các đối tượng tội phạm thường sử dụng xuồng cao tốc có công suất lớn, bè mảng, tàu đánh cá của ngư dân, xé lẻ hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới và tổ chức, đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép. Các đối tượng phạm tội thường có sự câu móc, kết nối, tiếp tay giữa các đối tượng trong và ngoài địa bàn và từ bên kia biên giới. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc (cá tầm, cua lông...), gia cầm giống, hàng may mặc, hàng tiêu dùng... Các đối tượng tập kết hàng hóa ở khu vực vùng biển giáp ranh, lợi dụng đêm tối, thời điểm giao ca của các lực lượng chức năng, dùng xuồng cao tốc cập mạn, sang mạn hoặc cất giấu trong phương tiện bè mảng, tàu cá của ngư dân vận chuyển qua biên giới và đưa vào sâu trong nội địa.
Trước tình hình hoạt động tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu của cấp trên; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; lập kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm, buôn lậu, tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng cấm..., kiên quyết không để hình thành các điểm nóng về tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn đơn vị quản lý. Đồng thời, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới nêu cao tinh thần trách nhiệm; thực hiện tốt công tác bảo vệ nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp làm ngơ, bao che, tiếp tay cho cho buôn lậu.
Cùng với đó, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tăng cường tuần tra kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, nhằm ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm nắm tình hình, trao đổi thông tin, tài liệu đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn. Tăng cường quan hệ hợp tác với các lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tính từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2024, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã bắt giữ, xử lý 39 vụ/54 đối tượng/35 phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó, xử lý hình sự 4 vụ/12 đối tượng/5 phương tiện, tang vật thu giữ gồm: 4,417g ma túy, 28.840 bao thuốc lá nhãn hiệu nước ngoài, 23,5kg pháo hoa nổ do Trung Quốc sản xuất; xử lý vi phạm hành chính 35 vụ/42 đối tượng/30 phương tiện, với số tiền hơn 460 triệu đồng; bán phát mại hàng hóa hơn 100 triệu đồng nộp công quỹ Nhà nước. Ngoài ra, trị giá hàng hóa bị tiêu hủy hơn 360 triệu đồng...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Quảng Ninh có tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường sông tiếp giáp với Trung Quốc dài, địa hình phức tạp. Để kiểm soát tốt địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép nói chung, buôn lậu động vật và sản phẩm từ động vật nói riêng qua biên giới, cửa khẩu.
Chỉ tính từ cuối tháng 11/2023 đến nay, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 32 vụ/30 đối tượng/19 phương tiện vận chuyển, buôn bán trái phép vật nuôi, sản phẩm từ vật nuôi, thực phẩm đông lạnh. Trong đó, BĐBP Quảng Ninh đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 1 vụ/1 đối tượng/1 phương tiện/1.592kg cá tầm đông lạnh, trị giá hơn 230 triệu đồng; 31 vụ/29 đối tượng/28 phương tiện/600kg cá tầm đông lạnh, 78 chai rượu Trung Quốc, hơn 1,5 tấn thủy, hải sản các loại; gần 9 tấn sản phẩm động vật (nầm lợn, lòng lợn, xúc xích, chân giò lợn đông lạnh); gần 76.000 quả trứng gia cầm; hơn 72.000 con gia cầm giống; xử phạt vi phạm hành chính gần 900 triệu đồng; bán phát mại hàng hóa xung công quỹ Nhà nước hơn 81 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.
Phối hợp ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm nhập lậu
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội. Chúng ta không đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và PTNT hay Công Thương.
Song với vai trò của mình, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới...
Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công khai thông tin cá nhân, tổ chức vi phạm, vụ việc điển hình theo quy định; chủ động tăng cường tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu phát hiện dấu hiệu và công khai thông tin cho người tiêu dùng biết theo quy định.
Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương như công an, thanh tra y tế, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra Sở Công Thương, Hải quan, bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm có nguồn gốc từ động thực vật qua biên giới; không để hình thành đường dây, tụ điểm về hàng lậu, hàng giả tồn tại tại các địa phương; góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường và bảo vệ sản xuất trong nội địa cũng như lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.